Thời gian qua, doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM đang phải gánh khoản phí phát sinh về xăng dầu, rủi ro về hàng hóa giao đến trễ giờ do tình trạng kẹt xe gây ra. 

 

Kẹt xe xảy ra trên đường quốc lộ 1A đoạn qua quận 12, TP. HCM. Đây là trục đường chính ra vào thành phố thế nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe.

Doanh nghiệp khốn đốn

Anh Nguyễn Thái Bình - tài xế vận chuyển hàng hóa của một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP. HCM, cho biết theo lịch hẹn mỗi ngày lô hàng mà anh vận chuyển phải chuyển đến khách hàng ở quận Bình Thạnh, TP. HCM chậm nhất là 16h. Thế nhưng có ngày trễ giờ giao hàng vì lý do kẹt xe hơn giờ đồng hồ. Mặc dù anh đã dự trù thời gian kẹt xe hơn 30 phút mỗi ngày.

Theo anh Bình, việc giao hàng đến khách trễ giờ đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của riêng anh và của công ty. Không chỉ vậy, tuyến đường thẳng từ công ty anh đến nơi giao hàng thường xuyên xảy ra kẹt xe kéo dài vào giờ cao điểm, để tránh kẹt xe anh phải chuyển hướng xe đi đường vòng nên phải cộng thêm khoản phí xăng hao tổn cho mỗi chuyến hàng.

Cũng vậy, Anh Đặng Chí Mẫn tài xế xe Container trên địa bàn TP. HCM, cho biết nhằm tránh giờ kẹt xe và giao hàng kịp giờ cho khách hành để giữ uy tín của công ty anh thường dự trù chạy xe trước nhiều giờ để tránh giờ cao điểm kẹt xe. Việc kẹt xe cũng làm tăng thêm chi phí xăng dầu cho mỗi chuyến hàng, việc phí tăng thêm này công ty anh phải chịu hoàn toàn.

Anh Trần Thiện Tân - quản lý Công ty TNHH vận tải Thiên Anh, Gò Vấp, TP. HCM, cho biết việc kẹt xe ở TP. HCM kéo dài nhiều năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình kinh doanh của ty.

Để đối phó với tình trạng kẹt xe này Cty anh thường thay đổi giờ vận chuyển tránh các giờ kẹt xe để đảm bảo hàng hóa được giao đến đúng giờ. Tình trạng kẹt xe ở TP. HCM đã trực tiếp tác đến doanh thu của công ty anh khi phải tăng thêm chi phí xăng dầu, và việc phải thay đổi giờ vận chuyển hàng hóa cũng làm tăng thêm chi phí vận chuyển.

Những trường hợp trên là tình trạng mà các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM đang phải đối diện hằng ngày vì vấn đề kẹt xe nhiều năm qua ở TP. HCM chưa có giải pháp.

Sở GTVT TP. HCM, cho biết tình trạng ùn ứ giao thông trên địa bàn TP HCM nhìn chung còn diễn ra phức tạp, thường xuyên trên các tuyến đường trọng điểm vào giờ cao điểm, các tuyến đường ra vào kho bãi, cảng hàng hoá, sân bay, trường học, bệnh viện. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 37 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông thường xuyên.

Giảm thu ngân sách

Kẹt xe ở TP HCM thời gian qua đã tác động đến nguồn thu ngân sách của thành phố vì nhiều doanh nghiệp vận tải lấy hàng và nhập hàng ra vào một số cảng trên địa bàn đã chuyển ra vào các cảng khác ngoài thành phố vì lý do kẹt xe.

Về vấn đề này Sở Tài chính TP HCM cho biết, gần đây nguồn thu ngân sách của thành phố bị ảnh hưởng bởi nhiều doanh nghiệp không ra vào lấy hàng ở cảng của thành phố vì lý do thời gian lấy hàng và nhập hàng tại cảng của thành phố kéo dài do hạ tầng giao thông ra vào cảng thường xuyên ùn ứ.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp ngán ngại, họ chấp nhận đưa hàng xuất nhập về cảng Cái Mép - Thị Vải (ở ngoài thành phố) làm thủ tục khiến nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố giảm.

Như vậy tình trạng kẹt xe không chỉ tác động trực tiếp lên đời sống người dân mà kẹt xe đang tác động không hề nhỏ tới sự phát triển của kinh tế TP HCM. Năm 2018, mỗi ngày TP HCM phải phấn đấu thu ngân sách 1.200 tỉ đồng, trong khi đó, trung bình mỗi giờ kẹt xe thành phố phải chịu thiệt tới khoảng 2,4 tỉ đồng.

Như vậy tình trạng kẹt xe ở TP HCM không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng sự phát triển kinh tế của thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề kẹt xe ở TP HCM, nhiều gải pháp được đưa ra như xây dựng thêm nhiều tuyến đường, cầu vượt nhưng tình trạng kẹt xe không mấy khả quan bởi hết điểm kẹt xe này lại xuất hiện điểm kẹt xe khác do lượng xe cá nhân lưu thông trong thành phố liên tục tăng cao.

Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan tại TP HCM cần có giải pháp tận gốc rễ để sớm giải quyết tình trạng kẹt trên địa bàn, tạo bàn đạp để kinh tế thành phố tăng trưởng bứt phá.