>> Phục hồi du lịch cần gắn liền với phục hồi và gìn giữ bản sắc văn hóa

fd

Diễn đàn Chính sách Cấp cao trực tuyến – Sáng kiến hợp tác Hàn Quốc vì sự phát triển du lịch bền vững (KOPIST).

Đó là chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tại Diễn đàn Chính sách Cấp cao trực tuyến – Sáng kiến hợp tác Hàn Quốc vì sự phát triển du lịch bền vững (KOPIST) vừa diễn ra. Diễn đàn lần này có chủ đề “Khả năng phục hồi và phát triển bền vững của Du lịch”.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu thông tin, sau 2 năm đóng băng bởi dịch COVID-19 Việt Nam đã thực hiện thí điểm mở cửa du lịch quốc tế vào tháng 11/2021 và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022. Phó Tổng cục trưởng cho biết, chính sách hiện nay của Việt Nam theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế tới Việt Nam du lịch. Khách quốc tế tới du lịch Việt Nam trong tháng 5 đạt 136 ngàn lượt khách, tăng gấp gấp đôi so với tháng 4. Lượng khách nội địa trong 5 tháng đầu năm 2022 lên tới 49 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.

Ông nhấn mạnh, nhằm phòng chống dịch COVID-19 cũng như thúc đẩy việc mở cửa lại du lịch, Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách linh hoạt, thích ứng và đồng bộ như ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục lại các chính sách xuất nhập cảnh và miễn thị thực như trước thời điểm đại dịch.

>> "Chớp thời cơ vàng" để mở cửa quốc tế, phục hồi du lịch

Việc mở cửa hoàn toàn hoạt động Du lịch từ ngày 15/3, góp phần phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế. Đồng thời góp phần phục hồi kinh tế TP.HCM cũng như cả nước. (Ảnh: Khách quốc tế đến TP.HCM tháng 3/2021) - Ảnh: Đình Đại.

Việc mở cửa hoàn toàn hoạt động Du lịch từ ngày 15/3, góp phần phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế. Đồng thời góp phần phục hồi kinh tế TP.HCM cũng như cả nước. (Ảnh: Khách quốc tế đến TP.HCM tháng 3/2021) - Ảnh: Đình Đại.

Ngành du lịch Việt Nam cũng nỗ lực trong công tác quảng bá, truyền thông du lịch trong nước và quốc tế với chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” cũng như tổ chức các sự kiện lớn quảng bá, xúc tiến các điểm đến của Việt Nam. Chiến dịch “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của chính quyền địa phương, các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng.

Ngành du lịch cũng đã tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng đang được đẩy mạnh nhằm đổi mới và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam bền vững, mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới.

Đại dịch COVID-19 vừa là thách thức cũng là cơ hội để Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung học hỏi và thay đổi mình để nâng cao sức chống chịu với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. "Du lịch Việt Nam trong giai đoạn phục hồi tiếp theo đây sẽ phát huy giá trị cốt lõi, xây dựng các sản phẩm du lịch mới mẻ và hấp dẫn du khách hơn, nâng cao lực lượng lao động du lịch có tay nghề cao cũng như nâng cao sức cạnh tranh và khả năng phục hồi của quốc gia" - Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại diễn đàn về quá trình phục hồi du lịch trên toàn cầu, Giáo sư David Beirman, Đại học Công nghệ Sydney cho rằng, do ảnh hưởng của COVID-19, du lịch quốc tế đã bị hạn chế đi lại giữa các quốc gia, gây tổn thất nặng nề đến du khách và doanh nghiệp du lịch, khiến hàng trăm triệu việc làm bị mất đi trong hai năm 2020-2021, điều đó cũng đẩy mức giá của du lịch quốc tế trở nên đắt đỏ hơn và tuỳ thuộc vào mức sống của khách…

Về bài học từ việc phục hồi du lịch qua COVID-19, Giáo sư David Beirman chia sẻ, các quốc gia phải có kế hoạch đối với các thị trường thay thế khi thị trường chính sụt giảm, đặc biệt là Trung Quốc với các thị trường châu Á Thái Bình Dương, ngoài ra cần duy trì hình ảnh online và ứng dụng công nghệ thông tin.

Được biết, Diễn đàn KOPIST tổ chức với sự tham gia của các cơ quan du lịch là các đối tác của Hàn Quốc. Năm nay diễn đàn diễn ra với chủ đề “Phục hồi du lịch và sự tăng trưởng bền vững của du lịch” trong đó bao gồm các bài phát biểu, bài thuyết trình và thảo luận của các nhà lãnh đạo du lịch toàn cầu để xem xét chính sách COVID-19 và các chiến lược du lịch cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.