LTS: Các đại gia của Thái Lan đang nhắm đến các công ty của Việt Nam và Indonesia. “Khẩu vị” thâu tóm của người Thái rất rõ ràng,  nhắm đến các công ty đầu ngành của các lĩnh vực. Vậy các doanh nghiệp Việt có chiến lược đối phó ra sao?

Rất nhiều đại gia Thái Lan nhìn thấy “miếng bánh béo bở” từ thị trường hơn 90 triệu dân tại Việt Nam. Nhưng cũng cần đặt câu hỏi ngược: Tại sao thương hiệu Việt lại liên tục “bán mình” cho đại gia Thái Lan?

 Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi- Chủ tập đoàn Berli Jucker với “bộ sưu tập” các thương hiệu Việt.

Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi- Chủ tập đoàn Berli Jucker với “bộ sưu tập” các thương hiệu Việt.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ rằng, họ muốn tăng cường thêm sự hiện diện của mình trên thị trường Việt. Do đó, dù kinh tế đang gặp nhiều khủng hoảng do Covid-19, người Thái vẫn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam.

Tham vọng chiếm lĩnh thị trường

Từ năm 2011 đến năm 2020, tổng các khoản đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn Thái Lan đã đạt gần 9 tỉ đô la, với hàng loạt thương vụ M&A đáng chú ý. Tuy nói rằng đây là kết quả tất yếu của việc hội nhập, kinh tế thị trường, nhưng cũng có ý kiến lo ngại vì việc liên tục thâu tóm, tìm cách nắm cổ phần các doanh nghiệp đầu ngành đã thể hiện tham vọng “bành trướng” của người Thái.

Tuy vậy, cũng phải nhận định khách quan rằng, doanh nghiệp Việt thua người Thái ở điểm luôn mong muốn quyền lực của người sáng lập công ty là tuyệt đối. Phải từng bước huy động vốn, ban đầu rủi ro cao thì những người được mời vào công ty quyền lợi cũng phải cao. Nếu không huy động vốn, không mời người giỏi về điều hành, khi công ty lớn mạnh, nguồn lực sẵn có không thể đáp ứng, thì việc “bán mình” phần cũng là một cách để đảm bảo được nguồn lợi. Bằng chứng là, một số doanh nhân nuôi dưỡng công ty thành thương hiệu lớn, rồi bán đi để kiếm lợi, không tiếp tục nỗ lực mà thậm chí đi định cư nước ngoài để tận hưởng.

BigC là một trong những thương vụ M&A có giá trị cao nhất mà các tập đoàn Thái Lan thực hiện.

BigC là một trong những thương vụ M&A có giá trị cao nhất mà các tập đoàn Thái Lan thực hiện.

Doanh nghiệp Việt phải chủ động

Ở góc nhìn khác, có rất nhiều mâu thuẫn trong nhận định “người Thái đang hái trái ngọt trên cây ta trồng”, bởi nhà nước đang kêu gọi đầu tư, kêu gọi hợp tác nước ngoài. Thì bây giờ lý nào lại sợ hãi nước ngoài vào kiếm lợi. Một đằng mình quảng bá, mở luật chứng khoán, đưa các công ty đại chúng lên sàn niêm yết, mời gọi. Đằng khác lại lo sợ những công ty lớn, thương hiệu lớn bị bán đi. Vậy khác nào mình chỉ muốn người ta mua lại “công ty dỏm”.

Muốn giữ lại các thương hiệu Việt, khi nó đang trên đà lung lay, không lẽ nhà nước lại đi hỗ trợ, là đang đi ngược với kinh tế thị trường”.

Các doanh nghiệp Việt hiện đang còn làm ăn đơn lẻ. Trong khi người Thái họ liên kết kinh doanh theo chuỗi, nhằm cung ứng đầy đủ các khía cạnh của một dịch vụ, sản phẩm. Để không bị rơi vào tình huống từ làm chủ, chuyển sang lệ thuộc, doanh nghiệp Việt cần phải chủ động hợp tác liên kết. Quản trị không đủ lực thì mời chuyên gia nước ngoài về dạy, thậm chí mời người giỏi về làm CEO.

Để doanh nghiệp Việt phát triển bền vững trên sân nhà ngoài các yếu tố về cơ chế, hành lang pháp lý thì quan trọng nhất là tự thân các doanh nghiệp phải chủ động thay đổi.

Thứ nhất, các doanh nghiệp phải xác định mục đích kinh doanh cụ thể, tìm ra được kim chỉ nam của riêng mình, làm cái gì mình giỏi nhất và tốt nhất. Đừng đầu tư lan man để mất nguồn tài chính rất đáng tiếc.

Thứ hai, phải hiểu mô hình kinh doanh đại chúng, tập hợp nhân tài, chia sẻ lợi nhuận để cùng nhau phát triển, chứ không phải chỉ muốn nắm quyền lực về phía mình, đây là bệnh rất nhiều ông chủ ở Việt Nam mắc phải.

Nhưng thực tế cho thấy, lâu nay các doanh nghiệp Việt đang trên đà tranh giành thị phần, chèn ép lẫn nhau mà không để ý đến những ông lớn đến từ khắp nơi trên thế giới (chứ không riêng gì người Thái) đang chực chờ thâu tóm. Thị phần mất, muốn hoạt động kinh doanh ngay trên sân nhà, phải đành chấp nhận chia sẻ thị phần cho doanh nghiệp nước ngoài, chấp nhận sáp nhập để mong có cơ hội phát triển.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, người Thái đang nắm trên 50% thị trường Việt, thông qua việc mua lại nhiều thương hiệu bán lẻ đầu ngành.

Theo số liệu thống kê chưa chính thức, hiện SCG nắm quyền chi phối trên 20 doanh nghiệp tại Việt Nam, hầu hết trong đó là các doanh nghiệp có “máu mặt trong ngành nhựa – bao bì.

Thương vụ đình đám nhất cho đến thời điểm hiện nay là thương vụ tỷ phú Charoen “rút ví” gần 5 tỷ USD để mua lại 53,59% vốn tại Sabeco vào cuối năm 2017. Sabeco hiện chiếm gần 41% thị phần tại Việt Nam.