>> Không điều chỉnh giá, hàng loạt nhà thầu sẽ phá sản

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), 6 tháng đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp xây dựng có sự tăng trưởng rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, nhưng hầu hết đều không đạt kế hoạch đặt ra. Nếu tính 10 doanh nghiệp lớn, chỉ đạt 28 - 40% kế hoạch năm. Đáng nói, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng thấp hơn kế hoạch vì ách tắc thủ tục dự án, dự án triển khai chậm, thiếu công việc cho nhà thầu. Đặc biệt, với các dự án đầu tư công, nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.

Các nhà thầu đang đứng trước nhiều thách thức từ việc giá vật liệu

Các nhà thầu đang đứng trước nhiều thách thức từ việc giá vật liệu "leo thang", cho tới những tồn tại, bất cập của chính sách - Ảnh minh họa

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là khi thực hiện các gói thầu sử dụng vốn Nhà nước.

Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hiệp chỉ rõ, khó khăn thứ nhất là trượt giá, giá vật liệu xây dựng tăng liên tục từ năm 2020, dẫn đến giá thành các dự án xây dựng đến nay tăng khoảng 18 - 30% so với đầu năm 2020. Ví dụ như giá dầu diesel tăng 240% so với cuối năm quý IV/2020. Giá thép, cát, nhựa đường, xi măng… đều tăng mạnh, nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn đà tăng giá hoặc bù giá cho nhà thầu.

Thực tế, chỉ trong tháng 6, thị trường vật liệu xây dựng đã liên tục có sự điều chỉnh về giá bán. Trong đó, ngay ngày 27/6, các thương hiệu thép đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng từ 150.000 - 300.000 đồng/tấn, đây là đợt giảm liên tiếp lần thứ 4 chỉ tính riêng trong tháng 6 và lần thứ 7 tính từ đầu tháng 5. Trong khi giá thép liên tục điều chỉnh giảm thì xi măng tăng giá 3 lần tính riêng trong tháng 6/2022.

Thứ hai, khó khăn về thủ tục hành chính, theo Chủ tịch VACC, doanh nghiệp xây dựng khổ nhất trong các loại doanh nghiệp, phục vụ tất cả các đối tượng, các chủ đầu tư, như cái hồ lô nhận tất cả yêu cầu của các cơ quan và không có cửa nào không phải trả tiền. Hơn nữa có những thủ tục bất hợp lý, gây lãng phí, mệt mỏi cho doanh nghiệp xây dựng, nổi bật là quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

“Nước đang phát triển như Việt Nam mà tiêu chuẩn PCCC cao hơn các nước phát triển. Việt Nam lấy tiêu chuẩn của Mỹ và thêm thắt các cái, có thể nói gần như cao nhất thế giới, có những yêu cầu rất đặc biệt, chỉ có những vật liệu chuyên ngành không có trong nước, phải nhập khẩu và do các doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu nên giá rất cao”, ông Hiệp chia sẻ.

>> Nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng chờ điều chỉnh giá?

Trước những thách thức bủa vây, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng mong được

Trước những thách thức bủa vây, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam mong được "giải cứu" - Ảnh minh họa

Cũng theo Chủ tịch VACC - Nguyễn Quốc Hiệp, thực hiện thủ tục liên quan PCCC cũng rất khó, ví dụ, việc kiểm định đạt tiêu chuẩn PCCC với cửa đi, theo quy định hiện nay phải đưa ra kiểm định đốt trong thời gian quy định. Với tiêu chuẩn hiện nay chỉ có một vài nhà sản xuất.

Ông Hiệp cho rằng, đơn vị kiểm định PCCC có thể đến nhà sản xuất kiểm định xem cửa sản xuất ra có phù hợp không, cấp chứng chỉ cho sản phẩm đó và kiểm tra đột xuất nếu cần. Nhưng hiện nay, dù cùng mua cửa của một nhà sản xuất, cơ quan chức năng vẫn thực hiện kiểm định đối với với từng nhà thầu. Mỗi cửa mất 3 - 4 triệu, 100 nhà thầu thì phải đốt 100 cái cửa mà đáng lẽ chỉ cần đốt 1 cái tại nhà sản xuất.

Từ đó, Chủ tịch VACC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng thủ tục gì cần thì phải làm, nhưng cách làm phải hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VACC cũng cho biết, theo phản ánh, doanh nghiệp xây dựng còn rất vất vả vì kiểm toán, thanh tra kiểm tra, hồi tố tới những dự án thanh, quyết toán đã nhiều năm. Chưa kể tới vấn đề nhân công khi đặc thù của ngành xây dựng là sử dụng nhiều lao động thời vụ, nông nhàn chiếm tới 70%, nhưng sau COVID-19, lực lượng này không quay trở lại nhiều.

Một số nhà thầu tính toán, theo đơn giá bình thường, kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công thì doanh nghiệp lãi khoảng 4%, nhưng do nợ đọng, giá tăng quá cao mà không được bù giá nên nhà thầu càng làm càng lỗ.

Hiện, chỉ một số ít doanh nghiệp không nhận thầu các dự án đầu tư công mà thi công cho nhà đầu tư FDI, hoặc tìm được việc làm trên thị trường thế giới thì kinh doanh có hiệu quả, còn lại hầu hết vướng nợ nần, thua lỗ.

Được biết, mới đây, tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, đại diện cho doanh nghiệp xây dựng, Chủ tịch VACC – Nguyễn Quốc Hiệp cũng thể hiện mong mỏi được gặp Thủ tướng để có cơ hội nói lên thực trạng của ngành xây dựng, tìm hướng “giải cứu” cho các nhà thầu.