Mỗi người đều có thể nghĩ ra những ý tưởng cho một công ty mới, một sản phẩm mới, hay một chương trình marketing mới. Song ý tưởng đó có thể trở thành thành hiện thực, có thể thành công hay không là cả một cuộc hành trình gian nan, nếu nản lòng có thể sẽ thất bại. Đó là chia sẻ của nhiều doanh nhân về tinh thần khởi nghiệp (start up) hiện nay.

Nhiều người đam mê với kinh doanh đã đi lên từ hai bàn tay trắng.

Nhiều người đam mê với kinh doanh đã đi lên từ hai bàn tay trắng.

Đi lên từ tay trắng

Câu chuyện khởi nghiệp của một nữ doanh nhân trẻ được chia sẻ tại một cuộc hội thảo liên quan đến tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo khiến cho không ít người trong hội thảo phải bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục. Thuộc thế hệ 8X, nữ doanh nhân Phượng Nguyễn đã “kinh qua” nhiều ngành nghề và cuối cùng, tình yêu, niềm đam mê với các loài hoa đã chiến thắng, đưa nữ doanh nhân trẻ “bén duyên” với những loài hoa “đẹp, độc lạ” được nhập khẩu từ Nhật Bản. Đến bây giờ, Phượng Nguyễn với thương hiệu Liti Florist đã có chỗ đứng nhất định trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam.

Từ một nữ nhân viên văn phòng với đồng lương khiêm tốn, cô giờ đã trở thành một nữ doanh nhân trẻ với hàng chục nhân viên và một hệ thống hoa tươi Liti Florist được đặt ở tại Hà Nội và TP HCM. Doanh thu hàng tháng của cô là con số mơ ước của nhiều “start up”. Chia sẻ lý do khởi nghiệp với các loài hoa, Phượng Nguyễn cho biết, đơn giản đó là niềm đam mê, là sự khát khao cháy bỏng đã ấp ủ trong mình từ thuở ấu thơ. “Chỉ cần có đam mê và theo đuổi đến cùng, chắc chắn bạn sẽ khởi nghiệp thành công” - nữ doanh nhân chia sẻ.

Phượng Nguyễn chỉ là một trong số hàng nghìn doanh nhân trẻ của Việt Nam đã khởi nghiệp thành công với hai bàn tay trắng, cho thấy tinh thần khởi nghiệp đang ngày càng được thắp lên mạnh mẽ ở khắp nơi trên cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý tưởng được theo đuổi đến cùng, cũng có không ít start up nản lòng vì vấp ngã, hoặc thậm chí “chào thua” ngay từ khi còn là… ý tưởng. Một số liệu thống kê cho biết, khoảng 25% người Việt Nam trong độ tuổi 18 - 64 có ý định khởi sự kinh doanh, nhưng trên 50% trong số họ lo… bị thất bại. Mặc dù chưa hành động, nhiều người đã nghĩ đến thất bại nhiều hơn là thành công.

Giới chuyên gia nhận định, những lo lắng đó có thể đến từ bản năng của con người, song cũng không loại trừ khả năng từ thái độ tiêu cực như chê bai hay tỏ thái độ bất đồng, cười nhạo…của cộng đồng khi người khởi nghiệp nêu lên ý tưởng. Điều này khác hoàn toàn với những quốc gia khởi nghiệp như Mỹ hay Israel... Tại các quốc gia này, hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhanh là do họ có văn hóa tự lập, dám mạo hiểm và coi thất bại là bình thường.

Cần môi trường thông thoáng, chuyên nghiệp

Một thống kê khác cho thấy có tới hơn 80% start up thất bại sau khi bước chân vào thương trường chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là con số cho thấy, môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho các doanh nhân khi bước chân vào thương trường. Tuy nhiên, mặt khác con số nói trên cũng chỉ ra rằng, nếu các doanh nhân khi khởi nghiệp không kiên định, không sẵn sàng thay đổi và đối mặt với những khó khăn, rào cản… thì sẽ khó có thể thành công, khó có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Bởi vậy, lời khuyên được giới chuyên gia đưa ra đó là: Trước khi lấy được cái nhìn thiện cảm từ cộng đồng, xã hội, mỗi start up cần phải chứng minh sự nhiệt huyết, ý chí và lòng can đảm với ý tưởng của mình. Nhụt chí nghĩa là thất bại.

Nói về tinh thần khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam, ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Thương mại Điện tử của FPT Digital Retail cho rằng, Việt Nam có nhiều tài nguyên, nhân lực trẻ, năng động, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm nhưng việc khởi nghiệp vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ trong nước vì nhiều lý do. Một trong số những lý do đó phải kể đến vấn đề về vốn.

Chẳng hạn khởi nghiệp thì cần vốn nhưng so với các nước trong khu vực, việc kêu gọi vốn ở Việt Nam là khá khó khăn. Ở Singapore, chẳng hạn, số lượng quỹ dành cho start up là rất nhiều và hơn hẳn so với Việt Nam. Và đáng chú ý, ở nước ngoài các quỹ chủ động đi “săn” doanh nghiệp, còn ở Việt Nam thì ngược lại, doanh nghiệp lại phải đi tìm quỹ” – ông Bảo nói.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng -  nguyên tổng Thư ký VCCI, Việt Nam đang có thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trẻ trung, sôi nổi và quyết tâm biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Tuy nhiên, để có thể đi đến thành công, ngoài việc các doanh nghiệp được trang bị kiến thức kinh doanh, hiểu biết thị trường và ý chí khởi nghiệp… còn cần một môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp và lành mạnh. Chính bởi vậy, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía nhà quản lý, bằng cách tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do sáng tạo; có cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp. Nếu được như vậy, không những sẽ tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công mà còn góp phần thúc đẩy mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 trở thành hiện thực.