LTS: Khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất lại nằm ở... nguồn nhân lực.

 Số lượng công nhân tại nhiều nhà máy hiện chỉ bằng 1/4 so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Số lượng công nhân tại nhiều nhà máy hiện chỉ bằng 1/4 so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Vì vậy, TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, cần làm sao giải quyết được sự an tâm cho người lao động.

Ông Phạm Thanh Trực - Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết: Tổng số người lao động làm việc trong các KCX- KCN tại TPHCM là 288.000. Khi dịch bệnh bùng phát và phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” thì chỉ có 720 doanh nghiệp thực hiện với 64.000 người lao động tham gia. Thống kê của Hepza cho thấy có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TP HCM đã về quê, chủ yếu là những người lao động về quê lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu...

“Qua khảo sát, nhiều lao động về quê vẫn có việc làm có thu nhập khá, điều kiện ăn ở tốt. Để thu hút lao động ở lại, doanh nghiệp cần giải quyết việc làm, cuộc sống tốt cho họ; phải quan tâm tiền lương, tăng phúc lợi… Đặc biệt là nhóm lao động yếu thế như phụ nữ mang thai, có con nhỏ. Cần lấy sự hài lòng của người lao động làm thước đo đánh giá chất lượng của công đoàn lao động” - ông Tiến nói.

Cục Việc làm dự báo, thị trường lao động Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động. Trong bối cảnh đó, cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, ưu tiên thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Đối với các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam, cần chủ động phối hợp với các tỉnh này để cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc, thay vì chỉ lên phương án đón người lao động về quê, dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh khu vực phía Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.

Để kết nối cung – cầu lao động, hạn chế mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, theo Cục Việc làm cần tổ chức nắm chắc nguồn lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo. Từ đó, nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, đưa ra dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.