Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương vào chiều 2/7. Không những vậy, cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng nhất: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, vào khoảng 3-4%.

Không để kinh tế bị “đứt gãy”

Thực tế, ½ chặng đường của năm 2020 đã đi qua, sự thành công trong mục tiêu kép về kinh tế và chống dịch là điều không cần bàn cãi.

Mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á cũng là điểm sáng được Thủ tướng nhắc tới tại Hội nghị Chính phủ với địa phương. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm là một gam màu ảm đạm, mức tăng trưởng 6 tháng 1,18% thấp nhất trong suốt một thập kỷ qua, có tới 12 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng âm.

 Thủ tướng trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhiều đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương, nới lỏng điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ… đã được đưa ra. Thậm chí, đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống suy thoái nền kinh tế lại được nhắc tới. Với những diễn biến bất định của tình hình dịch bệnh và kinh tế thế giới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh không được chùn bước, không bàn lùi, quán triệt tinh thần khó khăn gấp đôi phải phấn đấu gấp ba để phát triển đất nước, phát triển địa phương.

Yêu cầu từng địa phương cần thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về đầu tư công và thể chế. Còn Chính phủ sẽ thảo luận thêm về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), trong đó 60% nằm ở các địa phương. Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8/2020. 

Bên cạnh lưu ý về ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát dưới 4% và điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh ưu tiên đầu tư phát triển kinh doanh, thúc đẩy thu nhập. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng, phải hướng vào môi trường này để tạo nên sự phát triển của đất nước.

“Nhiệm vụ cần tập trung là hỗ trợ hiệu quả các loại hình doanh nghiệp và thànhphần kinh tế. Nếu để đứt gãy kinh tế sẽ gây hậu quả nặng nề trong trung và dài hạn”, Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: “Sức bật và sự năng động của kinh tế tư nhân là vấn đề rất lớn. Các đô thị lớn cũng phải là đầu tàu của cả nước”. Theo đó, Hà Nội, TPHCM được yêu cầu phải tăng trưởng cao gấp rưỡi trung bình cả nước, “gánh đỡ” nền kinh tế.

Các địa phương hiến kế

Ý kiến các địa phương phát biểu tại hội nghị đều khẳng định quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

“Thành phố xác định nỗ lực quyết tâm nhiều hơn vì sự chậm lại của thành phố sẽ tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng chung của cả nước", Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định và đặt ra 8 giải pháp phát triển thành phố trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và đặt mục tiêu hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân phải trên 80%. Chủ tịch UBND TPHCM nhắc lại Điều 89 Luật Đầu tư công 2019 quy định tổng số vốn đầu tư còn lại của các dự án đã quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không vượt quá 20%.

"Quy định này gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương. Kiến nghị Thủ tướng quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Theo đó, quy định vốn chuyển tiếp tại Điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng với kỳ trung hạn 2026-2030", ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị.

Còn Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề xuất đẩy nhanh những công trình trọng điểm mang tính chất liên vùng, trong đó, mong Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương mở rộng sân bay Đà Nẵng. Cụ thể, mở rộng nhà ga T1 về phía Nam, đầu tư xây dựng ga hàng hóa, sớm đầu tư xây dựng nhà ga T3. Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh việc mở rộng sân bay là quan trọng khi khách đến Đà Nẵng đang tăng rất nhanh qua các năm.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng mong muốn Chính phủ sớm xây dựng quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch, làm cơ sở cho địa phương đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội.

Hải Phòng đề nghị Chính phủ phân cấp cho các địa phương được chủ động chuyển đổi trên 10 ha đất lúa sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ và xây dựng các khu tái định cư. Bên cạnh đó, không khống chế diện tích đất lúa đối với các địa phương có khả năng phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Tuy vậy, một lần nữa nhắc lại yêu cầu nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng đồng thời yêu cầu công đoàn xem xét miễn giảm phí công đoàn 2% trong năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp. “Các đồng chí bí thư, chủ tịch phải nghe xem doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ cá thể trên địa bàn của mình khó khăn như thế nào để mà tháo gỡ, tạo điều kiện. Chứ còn chúng ta chỉ nghe chung mà không nghe xử lý cụ thể thì khó có thể tạo ra môi trường đầu tư”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:

Gói tín dụng 16.000 tỷ thuộc gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng có hiệu lực từ cuối tháng 4 năm nay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho người lao động từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận do đưa ra tiêu chí cao. Đồng thời, đề nghị nới lỏng thêm tiêu chí cho doanh nghiệp vay trả lương, bỏ tiêu chí thứ hai, đó là “doanh nghiệp không có nguồn thu” mới được vay. Đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh, giao lại cho Bộ LĐ-TB&XH cùng Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong thời gian ngắn nhất tiếp cận, đồng thời cho doanh nghiệp vay hết tháng 12/2020 để kích cầu tiêu dùng, sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội:

Đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế xã hội hậu COVID-19 giống như Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch, từ đó chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như giúp cho các tỉnh để định hướng phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả hơn.

Thành phố sẽ chuẩn bị từ 10 đến 15 các khu vực để bố trí tất cả các khu bán hàng để mời các tỉnh đưa doanh nghiệp có hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản bán hàng. Toàn bộ chỗ bán hàng sẽ được miễn phí nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt kích cầu tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm thủy, hải sản và rau củ, quả của các tỉnh, thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.