>> Phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ

Nhóm nhà khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân, trong đó có Hiệu trưởng GS.TS Phạm Hồng Chương, PGS.TS Tô Trung Thành và các chuyên gia, vừa đưa ra một số đánh giá và nêu các kiến nghị chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch. Theo đó, nhóm chuyên gia đề xuất những giải pháp phục hồi chuỗi cung ứng, an sinh xã hội và nguồn lao động.

Các chuỗi cung ứng đều gặp khó khăn thiếu lao động.

Các chuỗi cung ứng đều gặp khó khăn thiếu lao động.

Chuỗi cung ứng đứt gãy

Thực tế, nhóm chuyên gia nhấn mạnh, việc thực hiện giãn cách xã hội ở các địa phương đã dẫn đến các chuỗi cung ứng (cả trong nước và quốc tế) bị đứt gẫy.

Việc thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường - hai điểm đến” một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở do điều kiện vật chất đáp ứng “ăn” và “nghỉ” tại doanh nghiệp không được thiết kế từ đầu.

Các chuỗi cung ứng đều gặp khó khăn thiếu lao động. Đặc biệt là ngành chế biến chế tạo, ngành dệt may, da giầy… sử dụng nhiều lao động và các doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện quy định “ba tại chỗ” và “một cung đường - hai điểm đến”. Bên cạnh đó, khả năng di chuyển của người lao động đã rời khu vực phía Nam, khó quay lại khi các địa phương được mở cửa trở lại, cũng gây ra tình trạng thiếu lao động cho các chuỗi cung ứng.

Biện pháp kiểm soát lưu thông và phân quyền cho các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Các chuỗi cũng bị gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu, chi phí logistic tăng cao, các dịch vụ logistics bị đứt gẫy.  

Thị trường trong nước suy giảm và không được kết nối thông suốt nên các chuỗi cung ứng cũng khó chuyển dịch sang khai thác thị trường nôi địa.

Về lao động, cung lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập: lực lượng lao động sụt giảm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; hàng triệu lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; thu nhập bình quân tháng của lao động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây,…

Thanh niên, phụ nữ, lao động không có trình độ hoặc trình độ thấp là các đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề do việc làm giảm mạnh, thiếu việc làm tăng cao, thu nhập giảm sút nghiêm trọng (đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú và ăn uốn, vận tải, kho bãi).

Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lao động nhập cư. Thực tế cho thấy, mô hình thu hút nhập cư vào các thành phố và khu công nghiệp lớn hiện nay đang lộ rõ các ảnh hưởng tiêu cực, rủi ro cao và tính không bền vững khi lao động nhập cư không có cơ hội “an cư lập nghiệp”.

Cơ hội tìm kiếm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời của người lao động trở nên khó khăn: Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm như thường thấy trong những giai đoạn trước đây.

Về phía cầu lao động, đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường.

“Trong giai đoạn này, phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn do người lao động chưa thích nghi được với quá trình chuyển đổi số/hình thức làm việc của doanh nghiệp cũng như phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo”, nhóm chuyên gia đánh giá.

Đặc biệt, sau giãn cách, dự kiến các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do phải đào tạo lao động đáp ứng sự thay đổi/dịch chuyển lĩnh vực/ngành nghề hoạt động/hình thức việc làm và tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Chú trọng chuỗi cung ứng độc lập

Từ những thực tế này, nhóm chuyên gia, nhà khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất giải pháp phục hồi chuỗi cung ứng. Cụ thể, thứ nhất, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng và đạt được mục tiêu với trên 70% dân số được tiêm vaccine vào cuối quý I/2022, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy các chuối cung ứng.

Thứ hai, cho phép doanh nghiệp tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian giãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý.

Thứ ba, Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn thay cho chuỗi cung ứng dài, thay thế nguồn hàng nhập khẩu nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì đại dịch COVID-19.

Đồng thời, chú trọng chuỗi cung ứng ngắn độc lập đáp ứng nhu cầu trong nước song hành với các chuỗi cung ứng dài cho xuất khẩu. Linh hoạt chuyển đổi để hỗ trợ tiêu thụ nông lâm, thủy sản. Cấp quỹ giống cho cây và con giống nhằm tái tạo chu kỳ kinh doanh mới cho cả chuỗi ngắn và chuỗi dài trong tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Thứ tư, cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương. Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.

Thứ năm, mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ; đảm bảo không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về. 

Thứ sáu, xây dựng các module sản xuất có khả năng thay thế các khâu, các đoạn của chuỗi cung ứng, linh hoạt ứng phó khi bùng phát tại một số điểm trong chuỗi, tiêu chí các module phải đảm bảo đủ độc lập để không lây nhiễm lẫn nhau và đảm bảo tiêu chuẩn 5K trong phòng chống dịch. 

Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn thay cho chuỗi cung ứng dài.

Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn thay cho chuỗi cung ứng dài.

Khuyến nghị về nguồn lao động, nhóm chuyên gia lưu ý, thứ nhất, tổ chức lao động an toàn: Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, cần thống nhất quy chế phản ứng nhanh trong tình hình COVID-19 giúp doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục, từng bước phục hồi dần hoạt động  hiệu suất thông thường.

Thứ hai, tăng cường chính sách an ninh việc làm: cung cấp động lực cho người sử dụng lao động để giữ chân người lao động ngay cả khi doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm hoạt động. Mục tiêu chính là giữ người lao động theo hợp đồng để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại ngay sau khi các hạn chế được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, bao gồm: lịch làm việc luân phiên, trợ cấp tiền lương, giãn thuế và đóng góp an sinh xã hội, và tiếp cận với các hình thức hỗ trợ kinh doanh khác nhau để có điều kiện để giữ chân người lao động. 

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu lao động: khi dịch bệnh được kiểm soát qua miễn dịch cộng đồng, hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và các chiến lược kết nối thông tin lao động - việc làm liên tỉnh thành cần phải được thiết lập để sẵn sàng để nhanh chóng phân bổ nguồn lao động, hỗ trợ, thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt nâng cao vai trò, hiệu quả của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động và doanh nghiệp giữa nhiều địa phương với nhau.

Thứ tư, khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp: Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành cơ chế mới cho phép người lao động trực tiếp đăng ký các khóa đào tạo, đào tạo lại để nâng cao kỹ năng trình độ sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp mà không cần qua doanh nghiệp.

Thứ năm, chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Chính phủ cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động như đã nêu ở trên, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn...