>> Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Cần làm rõ 2 vấn đề then chốt

Góp ý bổ sung cho Quy hoạch điện VIII, TS. Nguyễn Xuân Huy -  Khoa Kỹ thuật địa chất & Dầu khí, Đại Học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị; để khuyến khích phát triển sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, thì Chính phủ cần tăng giá điện, từng bước xây dựng lộ trình tăng giá điện cho những ngành có tiêu thụ điện năng lớn.

Dựa trên danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020 của Thủ tướng ban hành QĐ 1881/QĐ-TTg ngày 09-11-2021 cho thấy cần có sự phân loại ngành nghề sản xuất tương ứng với mức tiêu thụ năng lượng, đánh giá công nghệ sử dụng, thước đo hiệu quả kinh tế và tác động ảnh hưởng đến môi trường – xã hội, từ đó, có thể áp dụng các mức giá điện tăng khác nhau. 

Chú trọng quy hoạch cơ cấu năng lượng tái tạo theo tổng sơ đồ điện của quốc gia theo từng giai đoạn

Chú trọng quy hoạch cơ cấu năng lượng tái tạo theo tổng sơ đồ điện của quốc gia theo từng giai đoạn.

Đối với về hạ tầng kỹ thuật, cần phải nâng cao cải thiện cơ sở hạ tầng hệ thống điện nhằm giảm thiểu tổn hao điện, công nghệ phát điện cũng phải lựa chọn công nghệ tiên tiến, tránh nhập khẩu những công nghệ lạc hậu từ nước khác.

Với những cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26, thời gian tới Việt Nam thực hiện các cơ chế để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và đã ký Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch trong những năm 2040 (hoặc càng sớm càng tốt) trên toàn cầu. Trong đó nội dung khẳng định rằng các nước sẽ ngừng cấp giấy phép cho các dự án phát điện chạy bằng than mà chưa có thỏa thuận tài chính, ngừng các kế hoạch xây dựng mới và chấm dứt hỗ trợ trực tiếp mới của Chính phủ.

“Phấn đấu mục tiêu này Việt Nam cần mạnh dạn giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, không nên nhập khẩu thiết bị lạc hậu với lý do mang tính chữa cháy và tầm nhìn ngắn hạn. Cương quyết không lặp lại những gì các nước đã trải qua và đang bỏ đi. Cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm các nước đi trước để cơ cấu tỷ trọng các nguồn điện hợp lý theo lộ trình từng năm và vận hành sao cho đạt hiệu quả cao nhất”- TS Huy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó theo các chuyên gia, mặc dù công suất lắp đặt NLTT khá cao, chiếm 28% trong cơ cấu nguồn lắp đặt, nhưng sản lượng điện NLTT (gió, mặt trời, sinh khối) vẫn còn hạn chế, chỉ chiếm 8% tổng sản lượng điện toàn quốc. Sản lượng nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng cao (45%), thủy điện (31%). Để giảm sản lượng nhiệt điện than xuống dưới 30% vào năm 2030, chỉ có thể khuyến khích tăng điện gió ngoài khơi và điện khí LNG. Đối với điện khí LNG cần phải xem xét tính ổn định cung cấp nguồn khí đầu vào và định giá khí trong thời gian dài.

Điện mặt trời áp mái mang lại nhiều lợi ích vừa thu hút được nguồn đầu tư sẵn có từ xã hội

Điện mặt trời áp mái mang lại nhiều lợi ích vừa thu hút được nguồn đầu tư sẵn có từ xã hội.

Để phát lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam được phát triển bền vững TS Huy cho rằng cần có những giải pháp ổn định và dài hạn, Cụ thể: Đối với điện gió, Chính phủ cần xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển điện gió: trên bờ, gần bờ, trong đó điện gió ngoài khơi cần có cơ chế đặc biệt vì có liên quan đến giao thông hàng hải, an ninh quốc gia và chủ quyền biển đảo. Ban hành chính sách điện gió tốt để thu hút được chuỗi cung ứng sản xuất và chuyển giao công nghệ của các nước dịch chuyển đến Việt Nam thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực châu Á.

Đối với điện mặt trời, cần xây dựng cơ chế chính sách riêng cho phát triển điện mặt trời áp mái với lộ trình rõ ràng, dài hạn và bền vững. Điện mặt trời áp mái mang lại nhiều lợi ích vừa thu hút được nguồn đầu tư sẵn có từ xã hội, tạo được công ăn việc làm cho người lao động, giúp phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bổ sung nguồn điện vào giờ cao điểm mà không cần Nhà nước đầu tư thêm cơ sở hạ tầng. Đây là giải pháp có hiệu quả nhanh để giảm nguy cơ thiếu điện đang cận kề trong khi các nguồn điện lớn và đường dây truyền tải chưa thể triển khai trong thời gian tới. 

Đặc biệt thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo bền vững thì Việt Nam phải chú trọng quy hoạch cơ cấu năng lượng tái tạo theo tổng sơ đồ điện của quốc gia theo từng giai đoạn dựa trên nhu cầu phát triển khách quan của đất nước trong kế hoạch dự báo ngắn hạn và dài hạn, không chịu áp lực mang tính địa phương và các tác động của các “nhà đầu tư” cơ hội, tránh lợi ích nhóm.

Theo đó các chuyên gia cho rằng, cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, không chỉ phát triển cơ cấu nguồn điện mà phải phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và các dịch vụ hậu cần đi kèm và xây dựng cơ chế thị trường giao dịch mua bán điện trực tiếp, xây dựng cơ chế thị trường mua bán tín chỉ xanh: chứng chỉ giảm phát thải Carbon (CER) và chứng chỉ năng lượng tái tạo RECs...