Sau các phiên hồi phục vào đầu tháng 2, vùng 1.100 điểm đã quay lại chống đỡ khá tốt cho VN-Index trước lượng cung chốt lời đã mua ở vùng giá thấp, bên cạnh đó là vùng hỗ trợ mạnh quanh mốc tâm lý quan trọng 1.000 điểm.

Mở cửa phiên đầu tháng vào ngày 1/2, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có phiên khởi sắc, tăng 1,56 điểm lên 1.058,17 điểm. Trong suốt tuần đầu tháng 2, TTCK tăng liên tục, kết thúc tuần (5/2), VN-Index duy trì sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch phiên, đứng tại mức cao nhất trong ngày, 1.126,91 điểm, tăng 1,32%.

Sau các phiên hồi phục vào đầu tháng 2, vùng 1100 điểm đã quay lại chống đỡ khá tốt cho VNIndex trước lượng cung chốt lời đã mua ở vùng giá thấp

Sau các phiên hồi phục vào đầu tháng 2, vùng 1100 điểm đã quay lại chống đỡ khá tốt cho VNIndex trước lượng cung chốt lời đã mua ở vùng giá thấp

Đà tăng của thị trường phần lớn có sự hỗ trợ tích cực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Phiên ngày 5/2, dữ liệu CTCK SSI cho thấy, nếu như VNMidcap-Index tăng 1,2% và VNSmallcap-Index tăng 1,51% thì chỉ số đại diện cho nhóm vốn hóa lớn tăng 1,59% với 28 mã đóng cửa trong sắc xanh.

Theo nhận định của bộ phận Reseach từ SSI, trước diễn biến của chủng virus Corona mới gần đây, sự thận trọng là cần thiết khi tin tức dồn nén trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán có thể sẽ tác động tiêu cực lên thị trường sau đó. Chính vì vậy, kịch bản hành động của nhà đầu tư cần tính đến 2 khả năng:

Thứ nhất, dịch COVID-19 chưa được kiểm soát và diễn biến phức tạp hơn so với đợt tháng 3 và tháng 7 năm 2020. Vùng .1000 điểm vẫn sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng của VN-Index, các vị thế mua mới sẽ an toàn ở vùng này.

Thứ hai, không có diễn biến phức tạp hơn trong kỳ nghỉ Tết, dịch COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát. Vùng 1.100 điểm là vùng hỗ trợ gần nhất cho chỉ số, nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn để mở vị thế mua mới với mục tiêu gần nhất của chỉ số hướng đến vùng 1.175-1.200 điểm.

Các chuyên gia tại SSI cho rằng, khả năng thứ 2 dễ xảy ra hơn do các biện pháp hiệu quả và kinh nghiệm của Chính phủ cùng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ở 2 lần xử lý trước đây. Bên cạnh đó, thông tin về các nguồn vaccine sẽ được triển khai nhập khẩu về Việt Nam trong các quý tới cũng có thể là các thông tin hỗ trợ.

Thông báo gần đây của COVAX (cơ sở tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu) cho biết Việt Nam dự kiến sẽ được nhận vaccine giai đoạn đầu tiên với số lượng từ 4,88 triệu liều đến 8,25 triệu liều của hãng AstraZeneca; trong đó từ 25%-35% số lượng sẽ được cung cấp trong quý 1.2021 và 65%-75% còn lại trong quý 2 năm 2021.

Với thực tế của thị trường hiện tại, có thể nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều tăng từ trên 2% đến trên 3%. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng trên HOSE. Giao dịch chủ yếu tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND và các cổ phiếu VNM, VHM, KBC,…Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường cổ phiếu duy nhất tại khu vực Châu Á có vốn vào liên tục trong 4 tuần gần đây, trong đó các quỹ ETF hút ròng thêm khoảng 129 triệu USD. Đây là những tín hiệu cho thấy sức hút của nhóm cổ phiếu và TTCK Việt Nam nói chung vẫn còn tích cực.

SSI cho rằng nhóm cổ phiếu tăng trưởng với định giá hấp dẫn và vẫn được thị trường ưa thích đó là: NDN, IDC, MSN, DXG, NLG, FPT, CTR, PVS, CTG, TCB, HPG. Đồng thời đó cũng là 11 cổ phiếu được lựa chọn cho cơ hội đầu tư trong tháng 2.

Về triển vọng dài hạn của thị trường, SSI đánh giá chưa thay đổi. Đợt điều chỉnh vừa qua chủ yếu do tác động của các yếu tố kỹ thuật đã đưa hệ số P/E thị trường năm 2021 về mức 14,65 lần vào ngày 29/1 và tăng lên 15,16 lần vào ngày 05/2. Hệ số P/E mục tiêu cho VN-Index trong năm 2021 vẫn được duy trì ở mức 18 lần, tạo ra dư địa tăng trưởng 20,2% cho chỉ số nếu xét về mặt định giá.