Với đặc thù thổ nhưỡng, thời tiết, từ bao đời nay, ĐBSCL được xem là vựa lúa, thủy sản, trái cây lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, nói như chuyên gia nông nghiệp GS.TS Võ Tòng Xuân: “Nếu chúng ta vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ làm ra lúa để bán gạo; nuôi cá tra chỉ để bán cá cắt khúc, phi lê; trồng cây ăn quả chỉ để bán trái tươi như cách làm lâu nay thì hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm không đáng là bao. Và vì thế, nông dân ta vẫn mãi “nghèo hoàn nghèo”.

p/Gia tăng giá trị, đầu tư chế biến sâu là thách thức nhưng cũng mở ra tiềm năng đối với ĐBSCL. (Ảnh: “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài của Công ty TNHH Kim Nhung, tỉnh Đồng Tháp)

Gia tăng giá trị, đầu tư chế biến sâu là thách thức nhưng cũng mở ra tiềm năng đối với ĐBSCL. (Ảnh: “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài của Công ty TNHH Kim Nhung, tỉnh Đồng Tháp)

Áp lực nâng cao tiêu chuẩn chất lượng

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng: Vùng ĐBSCL vẫn lợi thế lớn về trồng trọt với sản phẩm chủ lực là lúa các loại cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới dừng lại ở khâu cơ giới hóa, nhiều nhất là lĩnh vực trồng trọt như ngành lúa gạo cũng chỉ mới đạt tỷ lệ 56% -96% tùy công đoạn, các lĩnh vực khác còn rất thấp.

Ngành nông nghiệp của ta chưa nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, phần lớn vẫn là sản xuất thô, cung ứng đạ0i trà ở phân khúc trung bình, thấp. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng cao, hội nhập kinh tế thế giới đang buộc các mặt hàng nông sản phải cạnh tranh cao hơn về chất lượng tại các thị trường lớn, khó tính. Điều này đang đặt ra những yêu cầu mới trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp và quản lý đối với các cơ quan nhà nước.

Chúng ta thấy ngay từ khi gia nhập WTO, Việt Nam luôn được và giành ưu tiên cho ngành nông nghiệp. Song, sự cạnh tranh giữa các quốc gia và rào cản kỹ thuật từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn, việc bảo hộ hay bảo vệ lợi ích cho nông sản không còn nhiều ý nghĩa.

Cơ hội cho chế biến sâu

Theo ông Lam, tại các FTAs từ VN – HQ; VN- Nhật bản, Chi lê, hay gần đây là VN-EU, CPTPP... đều thấy các điều khoản bắt buộc về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn về an toàn VSTP... khắt khe đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải đồng bộ, tiêu chuẩn an toàn cao hơn...

Đây là một thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra tiềm năng đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản.
Tập đoàn Mavin của Australia là một ví dụ, khi đang xúc tiến đầu tư cùng lúc 3 dự án lớn với tổng vốn đầu tư lên đến 20 triệu USD tại Đồng Tháp. Đó là: Nhà máy thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ 4.0, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giống công nghệ cao, Nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng châu Âu.

Ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mavin, cho biết: "Trong những năm qua, Chính phủ Australia rất chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL thông qua hàng loạt chương trình viện trợ phát triển, điển hình như dự án như cầu Mỹ Thuận và gần đây là cầu Cao Lãnh. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế của vùng này là rất lớn. Đây là cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư FDI, trong đó có các doanh nghiệp Australia.

Ông David John Whitehead tin tưởng, với những lợi thế, tiềm năng phát triển của vựa nông -lâm - thủy sản, ĐBSCL sẽ thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư chế biến sâu, với chất lượng tiêu chuẩn thế giới, giúp gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu của vùng, đồng thời lan tỏa và góp phần chuyển giao công nghệ chế biến sâu tới các doanh nghiệp nội trong chuỗi cung ứng sản phẩm ĐBSCL ra thế giới.