Sách giáo khoa

Việc các em học sinh nhiều cấp học phải học quá nhiều đầu sách khiến chúng ta phải suy nghĩ. Ảnh: FB Hoàng Nguyên Vũ

Không chỉ tăng giá mà còn tăng “đầu sách”

Những ngày qua, nhiều người choáng với thông tin, ở Trường tiểu học An Phong (quận 8, TPHCM) có thông báo bộ SGK lớp 1 với tổng số tiền là 807.000 đồng. Song song với giá, thì việc các em học sinh ở nhiều cấp học phải “cõng” trên vai lên đến hàng chục đầu sách (cả SGK và sách tham khảo) cũng khiến phụ huynh phải ngán ngẩm.

Chẳng hạn, bảng danh sách với 25 hạng mục mà phụ huynh Trường tiểu học An Phong phản ánh bao gồm sách SGK, vở bài tập, sách tiếng Anh của các bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống (tùy môn). Ngoài ra, có sách bổ trợ, tập, bảng viết, tổng 807.000 đồng.

Chuyện giá và đầu sách chẳng phải của riêng địa phương nào. Ở Đà Nẵng, tuy không cao chót vót như TP HCM Hay Hà Nội, nhưng giá SGK cũng đều tăng. Nếu như 1 bộ SGK lớp 1 trong năm học trước có giá khoảng 90.000 đồng, thì năm nay, giá dao động trên dưới 300.000 đồng, tùy loại sách và tùy nhà xuất bản.

Đơn cử như cuốn Tự nhiên và Xã hội hiện hành giá 6.000 đồng thì cuốn tương tự của bộ Cánh diều có giá 28.000 đồng (gấp hơn 4 lần giá cũ); Toán 1 hiện hành có giá 13.000 đồng thì sách Toán mới bộ Cánh diều có giá 35.000 đồng (tăng gần 3 lần giá hiện hành).

Không phải chuyện giá SGK nó “đong đưa” trên đầu phụ huynh – học sinh, mà việc các em học sinh nhiều cấp học phải học quá nhiều đầu sách cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Như trường hợp trên thì học sinh lớp 1 “cõng” trên vai 25 đầu sách. Còn lớp 8 cũng được dư luận phản ánh với tổng cộng 56 đầu sách, trong đó 39 đầu sách giáo khoa và sách bổ trợ bắt buộc phải mua, còn 17 đầu sách thuộc nhóm tự chọn. Tính ra, trong 9 tháng học, mỗi học sinh lớp 8 mỗi tháng phải học xong 6,2 đầu sách, tức là mỗi tuần phải học xong 1,6 đầu sách.

Phụ huynh thật sự không biết từ chối vì danh sách không ghi rõ đâu là SGK bắt buộc và đâu là sách tham khảo tự nguyện mua, vì thế, tất cả đều phải mua đủ bộ. Trong khi xét ở lứa tuổi lớp 1, các em cần thời gian làm quen với môi trường mới, để thấy việc học là niềm vui chứ không phải áp lực, có cảm giác sợ học vì bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức.

Nói cách khác, mục tiêu lớp 1 cũng chỉ là “đọc thông, viết thạo”, với danh mục 25 đầu sách, liệu các em có học hết, đọc hết hay không? Còn lớp 8 thì cũng đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, việc “cõng” nhiều đầu sách như vậy rất dễ tạo hiệu ứng ngược cho các em học sinh.

Theo đó, chỉ nên quy định những SGK cơ bản như Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, những hoạt động trải nghiệm khác nên được lồng ghép trong chương trình học tập thực tế để giúp học sinh vừa hứng thú, vừa có thời gian tìm hiểu khám phá thay vì chỉ chăm chăm đọc trong sách.

Có hay không lợi ích nhóm?

Trước những phản ứng của dư luận, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Có việc phụ huynh hiểu sai về tài liệu tham khảo bắt nguồn từ hai phía. Thứ nhất, nhà trường không phối hợp tốt với phụ huynh, cung cấp thông tin không rõ ràng. Thứ hai, phụ huynh cũng chưa chủ động hỏi lại mà ngầm hiểu đó là bắt buộc”.

Ơ hay, Vụ trưởng mà phát biểu quả thật khó nghe! Cái gì mà “phụ huynh cũng chưa chủ động hỏi lại mà ngầm hiểu đó là bắt buộc”? Bộ GD-ĐT nói rằng không bắt buộc mua, nhưng xin hỏi các “ông Bộ” có quản lý được việc đó hay không? Có quản lý được sự “đi đêm” của nhà trường và nhà xuất bản hay không? Khi nhà trường đưa ra bộ sách như vậy phụ huynh có dám không mua không? Riêng cá nhân tôi, ở vai trò phụ huynh, tôi dám chắc rằng, gần như 100% phụ huỳnh đều tặc lưỡi “thôi mua cho xong” vì sợ con mình sẽ bị gây khó dễ khi đến trường.

Xin đừng giải thích vòng vo như thế, bởi người dân chỉ muốn biết đơn giản sách nào là SGK, sách nào là sách tham khảo cho mỗi cấp, phụ huynh cần mua sách nào, không cần thiết phải mua sách nào. Nếu thông tin như vậy được thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng như báo chí thì Sở nào, trường nào có thể mập mờ được.

Hơn nữa, ai là người giám sát, quyết định ban hành bộ SGK và chương trình dạy học thì phải quy định rõ ràng. Đằng này, Bộ cứ cho ban hành quá nhiều đầu sách và nhiều chủng loại thì học sinh và phụ huynh không biết nên mua hay không mua. Há chẳng phải, đó là một sự cố tình để tình trạng mập mờ hiểu nhầm không?

Nói thẳng ra, vấn đề về SGK đã bùng nhùng hàng chục năm nay. Rõ ràng đang tồn tại lợi ích nhóm chi phối và nó đang làm mất uy tín ngành giáo dục rất nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng nền giáo dục giờ là kinh doanh giáo dục chứ không còn là giáo dục nhân cách con người cũng có phần nào đúng.

Đó là chưa nói đến vấn đề giảm tải chương trình giáo dục, trong khi nhiều nước trên thế giới luôn có chính sách đặc biệt miễn sách giáo khoa, miễn giảm học phí, hỗ trợ cho học sinh, thì Việt Nam lại có xu hướng tăng học phí, tăng giá sách, làm giáo dục lại chạy theo kinh doanh, kiếm lợi thì còn đâu tính nhân văn trong giáo dục?

Từ thực tế này cho thấy việc giảm tải chương trình vẫn mãi là 1 mục tiêu xa vời. “Chúng ta hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực học hành cho học sinh, việc phải mua nhiều sách như vậy là đi ngược chủ trương này. Bộ GD&ĐT cần vào cuộc ngăn chặn tình trạng này”- GS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm.

Có thể nói, SGK là món hàng có lợi nhuận cao, không những thế SGK là mặt hàng không thể tồn kho, món hàng bắt buộc mọi học sinh phải mua. Để rồi, người chịu thiệt là học sinh và phụ huynh, còn người có lợi nhuận ở đây là ai nhỉ? Nhà trường, nhà xuất bản…? Ơ hờ, muốn bán nhiều sách thì phải kết hợp nhiều khâu, nhiều tầng, chiết khấu hậu hĩnh…

 Than ôi, lợi ích nhóm…! Vậy, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự mất tính nhân văn trong giáo dục này?