>>Đồ ăn hàng không "đua" vào nhà hàng

Mới đây hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã chính thức lập sàn thương mại điện tử Vnamall. Theo chia sẻ từ VNA, sàn này sẽ đem đến cho khách hàng những sản phẩm đậm chất hàng không.

Hiện tại, Vnamall có khoảng hơn 300 sản phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines. Danh mục trải dài từ thực phẩm, nông sản, đồ uống, quà tặng, vật phẩm, v.v.. Nếu “nhớ” trải nghiệm ẩm thực trên máy bay VNA, khách hàng cũng có thể đặt rượu vang thượng hạng hoặc các món tráng miệng, món ăn nhẹ.

Việc các hãng hàng không lấn sân sang ngành khác trong thời điểm hiện tại không phải là chuyện hiếm. Rất nhiều hãng đã thực hiện từ năm ngoái. Chẳng hạn Singapore Airlines biến máy bay thành nhà hàng cho khách dùng bữa. Hoặc North Air cung cấp dịch vụ ship suất ăn hàng không đến tận nhà.

Tuy nhiên ví dụ điển hình nhất là chương trình bán rượu của American Airlines. Chương trình này rất thành công, là một kinh nghiệm hay để Vietnam Airlines và những hãng hàng không khác tham khảo.

Theo đó, ý định đi bán rượu bắt đầu bởi vì American Airlines còn dư rất nhiều rượu không bán được vì máy bay xếp xó. Đây đều là những loại rượu phục vụ trên các khoang cao cấp nhất. Vậy nên hãng hàng không này quyết định bán và giao rượu cho khách, để họ vẫn trải nghiệm được “hương vị và dịch vụ hàng ghế cao cấp” ngay tại nhà.

 >>Hãng hàng không Finnair bán đồ ăn hạng thương gia trong siêu thị

Chương trình này có tên American Airlines Flagship Cellers. Khách hàng có thể mua các loại rượu khác nhau theo từng chai, giá cả dao động từ 13 - 40 USD. Họ còn bán theo bộ 3 chai - 12 chai, hoặc gói thuê bao 99 USD/tháng với ba chai cho mỗi tháng.

Lúc bắt đầu, không nhiều người nghĩ chiến dịch này sẽ thành công. Bởi vì các chai rượu này cũng không mang một thương hiệu đặc biệt nào. Khách hàng có thể mua các chai tương tự trong các cửa hàng, đại lý khác, hoặc thậm chí trong siêu thị.

Tuy nhiên thực tế thì ngược lại, chương trình của American Airlines đã rất thành công. Số rượu bán ra đã vượt mốc 400.000 chai chỉ trong ba ngày đầu. Đồng thời, website đại lý bán rượu cũng ghi nhận lượt truy cập trong 3 giờ đã ngang bằng lượt truy cập trong hai tuần ở thời điểm bình thường.

Dĩ nhiên, bản thân American Airlines đã có độ phổ biến nhất định. Dịch vụ rượu ở hàng ghế cao cấp của hãng này cũng rất nổi tiếng khi từng giành top đầu từ năm 2015 đến nay, vượt cả Singapore Airlines và Air France. Mặc dù vậy, thành công này có được là vì American Airlines đã xây dựng dịch vụ đi kèm rất tốt trong khi bán rượu.

Thứ nhất, giá cả của các chai rượu có thể nói là “rẻ nhất thị trường”. Khi so sánh hai chai rượu ngẫu nhiên của chương trình Flagship Cellar này với đại lý bán rượu online khác, người ta thấy rằng giá của của Flagship Cellar bằng với giá đã khuyến mãi của đại lý bán lẻ.

Thứ hai, các chai rượu được bán nằm trong bộ sưu tập rượu trên hạng ghế Flagship của họ. Nó vốn dĩ được lựa chọn bởi các thợ nếm rượu chuyên nghiệp và tuyển chọn đặc biệt cho khẩu vị người Mỹ. Một số người còn có thói quen sưu tầm các chai rượu trong bộ sưu tập này.

Thứ ba, khi giao rượu, American Airlines còn tặng một “sổ tay” gợi ý cách thưởng rượu và các món ăn nào đi kèm rượu nào để phù hợp nhất.

Thứ tư, với mỗi USD chi tiêu trong chương trình này, khách hàng sẽ nhận thêm 2 điểm thưởng dặm AAdvantag Miles.

Có thể thấy rõ không chỉ đơn thuần là bán rượu, American Airlines còn mong muốn đem đến cho khách hàng một trải nghiệm rất cao cấp và riêng biệt. Đó chính là điều “ghi điểm” để khiến khách hàng đón nhận chương trình Flagship Cellar.

So sánh với nhau thì trường hợp của Vietnam Airlines cũng giống American Airlines. Tức là những sản phẩm của VNA cũng có thể dễ dàng mua ở bên ngoài. Vậy nên nếu tham khảo từ American Airlines, tạo nên các dịch vụ đúng chuẩn “hàng không cao cấp”, thì dự án Vnamall sẽ rất triển vọng.