Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực cả trực tiếp và gián tiếp từ dịch bệnh COVID-19 ở trong nước và thế giới, đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam có được từ trong tháng 6-7 bị chững lại nhưng vẫn thấy những “điểm sáng” trong bức tranh còn nhiều "màu xám".

Điểm sáng đầu tiên trong bức tranh kinh tế 8 tháng chính là tình hình đăng ký doanh nghiệp. Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý cộng đồng doanh nghiệp. 

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 20,7%. Tính chung 8 tháng năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, song mức giảm đang tiếp tục thu hẹp; trong khi vốn đăng ký bình quân tăng 8,7%. Bên cạnh đó số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Xuất khẩu da giày kỳ vọng bật tăng nhờ EVFTA

Xuất khẩu da giày kỳ vọng bật tăng nhờ EVFTA.

Với quyết tâm vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án..., nên tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8/2020 đã đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trung ương quản lý tăng 86,7%; vốn địa phương quản lý tăng 38,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 250,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Một điểm tích cực nữa là nếu như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 7/2020 đạt 24.873 triệu USD, cao hơn 1.873 triệu USD so với số ước tính, thì sáng tháng 8 con số này đã đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước và 2,5% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 20/8 có 1.797 dự án được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 9,7 tỷ USD, giảm 25,3% về số dự án và tăng 6,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù đầu tư nước ngoài 8 tháng qua giảm sút so với cùng kỳ, song xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác. “Điều này đã thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định. 

Nhiều ý kiến cho rằng, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 có thể tăng thêm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, phát triển của nền kinh tế nói chung. Nhưng “bức tranh” nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại không chỉ mang sắc màu “u ám”, mà vẫn có những “điểm sáng” như đã nói trên, những tín hiệu lạc quan, nhờ sự chủ động và kinh nghiệm mà chúng ta đã tích lũy được trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, các chuyên gia cho rằng, có những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm, bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm. Bên cạnh đó, chi phí nguyên nhiên vật liệu được duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức trung bình…

Các chuyên gia VEPR đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, đầu tư công chính là giải pháp mũi nhọn chứ không phải cầu tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều loại vắc-xin đang được phát triển trên thế giới và dự kiến sản xuất thương mại từ đầu năm 2021. Việc tiêm chủng vắc-xin sẽ giúp đẩy lùi COVID-19 trên toàn cầu, từ đó tạo ra tiền đề cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới từ năm tới.

Sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, sẽ giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của COVID-19 cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, một trong hai động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ Việt Nam trong năm 2021, bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.

Với các tác động tiêu cực từ làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và đưa ra 2 kịch bản cho nửa cuối năm 2020. Theo đó, trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP của quý III/2020 đạt 3,5% so với cùng kỳ và tăng tốc lên 5,6% so với cùng kỳ trong quý IV/2020. Còn tăng trưởng GDP năm 2020 được dự báo giảm từ mức 4,5% trong dự báo trước đó xuống còn 3,5%.

Ở kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt 2,3% chúng tôi dự báo GDP quý III/2020 chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019 và GDP quý IV/2020 tăng 3,5% so với cùng kỳ.