Tân Thủ tướng Anh vừa công bố học thuyết kinh tế Trussonomics. Ảnh: AFP

Tân Thủ tướng Anh vừa công bố học thuyết kinh tế Trussonomics. Ảnh: AFP

>> Thủ tướng Anh từ chức, Ukraine sẽ gặp khó trong chiến sự?

Chính phủ Anh sẽ khởi động chương trình cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và người giàu. Đây được coi là học thuyết của bà Liz Truss (Trussonomics)- nó được gọi là “kinh tế học nhỏ giọt”.

Tranh cãi với Trussonomics

Theo học thuyết nói trên, khi chính phủ giảm thuế và tạo ra lợi ích cho các doanh nghiệp và những người giàu, thì những tác động tích cực sẽ được nhỏ giọt xuống các tầng lớp khác.

Lập luận của lý thuyết này xoay quanh hai giả định: Tất cả các thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế; và những người có nguồn lực và kĩ năng để tăng năng suất nền kinh tế là những người đủ khả năng thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất cơ bản 7 lần liên tiếp, từ 0,5% lên 2,25% nhằm kìm chế lạm phát, còn chính phủ Anh có vẻ muốn theo hướng ngược lại.

Nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra về việc tân chính sách của bà Liz Truss sẽ được đài thọ như thế nào khi việc cắt giảm thuế sẽ dẫn đến nguy cơ thâm hụt ngân sách lớn hơn và vay nợ cao hơn? Bà Liz Truss đã lập luận rằng kết quả tăng trưởng sẽ mang lại nhiều nguồn thu hơn để bù đắp các chi phí đi vay.

Ông Matthew Ryan- phụ trách nghiên cứu thị trường của Công ty Tài chính toàn cầu Ebury, tính toán chi phí vay vốn và chi tiêu của chính phủ Anh có thể vượt quá 200 tỷ Bảng, gây lãng phí cho các kế hoạch củng cố tài khóa hiện hành. Trong khi Tổng thống Mỹ Biden khẳng định: “kinh tế học nhỏ giọt chưa bao giờ hoạt động”.

Trục trặc hệ thống

Bà Liz Truss sẽ phải tuân theo tín hiệu từ tầng lớp siêu giàu- đại diện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân khổng lồ đang bị cuốn theo trò chơi chính trị, ngoại giao mạo hiểm mà việc cấm vận Nga, khan hiếm năng lượng bồi thêm lạm phát chỉ là “giọt nước tràn ly”. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây là lựa chọn khôn ngoan của tân Thủ tướng Anh.

Tuy nhiên, kinh tế Anh nói riêng và kinh tế Châu Âu nói chung đang mắc phải nhiều vấn đề mang tính hệ thống, rất khó giải quyết. Suy giảm tăng trưởng kinh tế của Anh và Châu Âu bắt nguồn từ mô hình kinh tế đã tới hạn, nhân khẩu học, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và mâu thuẫn chính trị dai dẳng, kèm theo xung đột Nga- Ukraine.

Khủng hoảng kinh tế chu kỳ trong hệ thống tư bản lần này nặng hơn do tàn dư tích tụ hoặc bị vùi lấp tạm thời mà không thể giải quyết dứt điểm. Vết thương do khủng hoảng nợ công cách đây vài năm còn để lại di họa, toàn châu Âu gánh núi nợ công khổng lồ. Do đó, việc giảm thuế theo chính sách mới của bà Liz Truss sẽ không mấy khả dụng trong bối cảnh môi trường lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia cực kỳ bí bách.