Yếu kém trong quản trị tài chính là một phần nguyên nhân khiến chuỗi Món Huế đóng cửa.

Yếu kém trong quản trị tài chính là một phần nguyên nhân khiến chuỗi Món Huế đóng cửa.

Có thể thấy rằng, sau khi nhận được vài chục triệu USD từ các quỹ đầu tư, Huy Việt Nam đã có tốc độ mở rộng chuỗi với quy mô chóng mặt. Chỉ riêng năm 2015, ba thương hiệu chính là Phở Ông Hùng, Món Huế và Cơm Express đã nâng số cửa hàng gấp 7 lần, từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng vào cuối năm 2015. Trước khi đóng cửa hàng loạt, Huy Việt Nam có 200 điểm bán với 10 thương hiệu khác nhau.

Quay lại với Huy Việt Nam, đi cùng với quy mô mở rộng chuỗi nhanh là sự yếu kém trong quản trị tài chính. Tốc độ mở rộng nhanh nhưng lợi nhuận lại đi ngược.

Kết quả kinh doanh của Món Huế 3 năm gần nhất cho thấy họ giữ nguyên mức doanh thu khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm, Món Huế từ chỗ lãi gần 300 triệu đồng năm 2016 đã lỗ lần lượt 54 tỷ đồng và 50 tỷ đồng vào các năm 2017 và 2018. Lỗ lũy kế của chuỗi này vào cuối năm 2018 là khoảng 107 tỷ đồng.

Có thể thấy Món Huế cũng tương tự như câu chuyện của The Kafe trước đây, sau khi nhận vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp đã mở rộng chuỗi rất nhanh nhưng nếu tốc độ vượt quá khả năng quản trị sẽ dẫn đến lụi tàn. Vì thế mà chỉ sau hơn 1 năm gọi vốn thành công, The Kafe đã không còn trên thị trường.

Bài học khi mở rộng chuỗi ở đây là doanh nghiệp cần đề ra một chiến lược phát triển bền vững, đi chắc từng bước. Cần có những mô hình thử nghiệm của từng điểm bán để làm sao đảm bảo mỗi mô hình điểm bán không rơi vào tình trạng bị mất thanh khoản, dòng tiền xoay vòng phải đảm bảo duy trì cho mỗi điểm bán.

Sau đó, chậm rãi nhân ra 2-3 điểm bán để vừa làm vừa tinh chỉnh hệ thống quản lý, tiêu chuẩn và chính sách cho đội ngũ, khả năng kiểm soát chất lượng toàn hệ thống.

Mở chuỗi nhanh hay gặp vấn đề về sử dụng vốn lưu động từ các điểm bán để mở điểm bán mới. Trong trường hợp dòng tiền từ mỗi điểm bán không đạt như kế hoạch và kỳ vọng có thể khiến cả chuỗi gặp vấn đề về khả năng thanh toán cho nhà cung cấp. Đây là một điểm “chết” quan trọng trong quản trị hiệu quả chuỗi.

Bên cạnh đó, quy trình phải quản trị tinh gọn và đồng bộ để giảm được các chi phí. Đồng bộ ở đây là đồng bộ cả về quản lý lẫn sản phẩm bán ra.

Với Món Huế, đồng bộ về quản lý còn chưa đồng bộ, các chuỗi ở Việt Nam, trong đó có Món Huế, chưa giỏi vận hành quản lý, thiếu tính đồng bộ.

Còn về đồng bộ sản phẩm, do quy mô lớn lại kinh doanh mặt hàng thực phẩm nên để đảm bảo chất lượng cho cả chuỗi là rất khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu tươi, đảm bảo chất lượng đến tất cả các cửa hàng trong chuỗi, nhất là với Món Huế còn khó hơn rất nhiều vì dùng nguyên liệu đa dạng, đặc biệt. Và điều này có thể thấy ngay được chất lượng đồ ăn ngày càng đi xuống, đồ không còn tươi ngon như trước nữa ở Món Huế.

Một khi đã không còn sự đồng bộ trong chất lượng và quản lý giống như một bánh răng chạy lệch trong đồ hồ vậy, nó sẽ phản ứng dây chuyền và kéo theo sự lụi bại của doanh nghiệp.

Để tránh trường hợp trên, Món Huế cũng có thể áp dụng hình thức nhượng quyền thương hiệu, như vậy sẽ làm giảm chi phí vận hàng, giảm bớt áp lức cho bộ máy quản lý.

Khi nhượng quyền, nhà đầu tư nhỏ sẽ phải chịu trách nhiệm trong vận hành quản lý, chu đáo hơn và nỗ lực hơn. Trong khi đó, Món Huế chỉ lo thương hiệu và nâng cao chất lượng dịch vụ qua các lớp huấn luyện, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên và sản phẩm.