VNPay đã trở thành

VNPay đã trở thành "kỳ lân" thứ hai của Việt Nam.

“Kỳ lân” thứ hai của Việt Nam

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 được thực hiện bởi Google và Temasek (Singapore), Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) đã chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam, sau tập đoàn VNG và là doanh nghiệp kỳ lân thứ 12 tại khu vực Đông Nam Á.

Được biết, VNG là “kì lân” đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối.

Trước đó, từ tháng 7/2019, một số kênh truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa tin việc các quỹ đầu tư của SoftBank và GIC mong muốn sẽ rót tổng cộng 300 triệu USD vào VNPay. Khoản đầu tư kỷ lục vào một công ty công nghệ khiến giới khởi nghiệp trong nước xôn xao, đặt kỳ vọng VNPay sẽ sớm trở thành “kỳ lân” tiếp theo của Việt Nam, là start-up có định giá tối thiểu 1 tỷ USD trở lên.

Đua tranh thị phần thanh toán điện tử

Theo ước tính của Công ty Tư vấn YCP Solidiance, tổng giá trị giao dịch thông qua các công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam sẽ chạm mốc 25 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 9 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy việc đua tranh thị phần thanh toán điện tử sẽ diễn ra rất khốc liệt trong thời gian tới.

Tính đến nay đã có 38 ví điện tử được NHNN cấp phép. Mặc dù có sự tăng trưởng về số lượng ví điện tử nhưng thị phần lại nằm trong tay một vài doanh nghiệp lớn.

Vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 (Vietnam Venture Summit 2020), ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo cho biết, trong số 38 ví điện tử, chỉ có 5 ví lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch.

“Theo thông lệ của thị trường thanh toán điện tử với quy mô hơn 100 triệu dân, quá trình tái cơ cấu sẽ diễn ra trong 3 đến 5 năm tiếp theo và có thể chỉ còn 2- 3 ví tồn tại. MoMo sẽ tích cực tham gia vào quá trình phấn đấu này để theo đuổi mục tiêu trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam trong thời gian tới”, ông Diệp khẳng định.

Momo được cho là đang phục vụ 20 triệu khách hàng trên cả nước. Trong khi đó, về phía VNPay, thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPay phục vụ hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt, thanh toán hóa đơn và thậm chí mua đồ tươi sống hàng ngày.

VNPay không phải ví điện tử nhưng lại có thể cạnh tranh lại với các ví điện tử khác, xuất phát từ chiếm lĩnh thị trường mã QR. Mã QR của VNPay có trên hàng chục ứng dụng di động của các ngân hàng khác nhau, hay nói chính xác là VNPay cung cấp chung một giải pháp thanh toán bằng mã QR cho các ngân hàng.

Giờ đây cạnh tranh trong mảng thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là offline, trở thành cán cân giữa một bên là ví điện tử và một bên là hàng chục ngân hàng đang dùng chung một mã QR của VNPay.

Mobile Money sẽ trở thành

Mobile Money sẽ trở thành đối thủ đáng gờm trong đua tranh thị phần thanh toán điện tử

Tuy nhiên, VNPay cũng phải đối mặt với các đối thủ mới đến từ các nhà mạng mang tên mobile money ở Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng cơ chế cho phép người dùng nộp và rút tiền thông qua số điện thoại của mình. Mobile money đã chứng tỏ là một phương thức thanh toán phi tiền mặt thành công ở các quốc gia có tỷ lệ ngân hàng phục vụ thấp.

Ở Việt Nam, NHNN yêu các ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam lại không phổ biến như dịch vụ viễn thông.