Việt Nam hiện có gần 1.000 cơ quan báo chí, truyền thông. Một con số không ít so với các nước trong khu vực. Khi tính phát hiện, phản biện được sử dụng hợp lí, từng cơ quan báo chí sẽ bộc lộ sức mạnh, bắt kịp sự vận động không ngưng nghỉ của thực tiễn đời sống xã hội.

Đơn cử, khi dấy lên thông tin “người nước ngoài tăng cường thâu tóm đất đai tại Việt Nam”. Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhanh chóng đi tìm “chứng cứ”, bất chấp hai từ “nhạy cảm”. Kết quả là tình trạng người nước ngoài lách luật, sở hữu những lô đất trọng yếu tồn tại nhiều năm nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” vì luật cho phép đã được chỉ rõ!

Từ thông tin quý giá này, Chính phủ đã gấp rút chỉ đạo các Bộ, ngành tham khảo để “bít lỗ hổng” các dự án Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Hay khi Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp có phản ánh Tập đoàn Super Energy thông qua mua cổ phần các công ty trung gian thâu tóm các dự án điện mặt trời tại Bình Phước (Lộc Ninh 1, 2, 3, 4) tại khu vực biên giới với Campuchia. Giới đầu tư điện mặt trời trong nước đặt câu hỏi, nếu không đủ năng lực để triển khai dự án vì sao không chuyển nhượng trong nước mà bán cho nước ngoài.

Từ nguồn tin này, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ liên quan nghiên cứu thông tin Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh về Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) thâu tóm các dự án nhiệt điện mặt trời tại Bình Phước. Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.

Còn nhiều những sự vụ mà báo chí đã vào cuộc đưa ra những thông tin quý báu để Đảng và Nhà nước có cái nhìn sâu sát hơn với thực tiễn, nhìn thấy bản chất sự việc ẩn dấu đằng sau hiện tượng. Nhất là cập nhật hơi thở cuộc sống vào chính sách, luật pháp.

Sở dĩ, chúng tôi nhấn mạnh hai tính chất “phản biện” và “phát hiện” của báo chí là bởi, xu hướng báo chí phi chính thống (mạng xã hội, blog...) đang trở thành đối thủ đáng gờm với báo chí chính thống. Có lúc, có nơi, báo chí chính thống tỏ ra đuối sức trước sức mạnh của mạng xã hội.

Ngày nay, để tồn tại, báo chí chính thống phải lao vào cuộc đua “marathon” đường dài với mạng xã hội. Nhưng nếu chỉ phản ánh hời hợt kiểu “hớt váng thông tin” thì phần thua nhiều hơn thắng.

Hệ thống báo chí cách mạng với hàng chục ngàn nhà báo được đào tạo bài bản, có nghiệp vụ sẽ thắng được mạng xã hội nếu như biết tập trung đào sâu thông tin “phát hiện” và “phản biện”. Dĩ nhiên, nó phải dựa trên cái tâm trong sáng, không ngại va chạm, không quản khó khăn và kiến văn rộng rãi của người cầm bút.

Thực tế cho thấy, rất nhiều sự kiện diễn ra và trôi nổi trên mạng xã hội, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để sàng lọc, lựa chọn và tiếp thu. Trong hoàn cảnh này, người cầm bút phải lao vào điểm “nóng” để nắm được chân tướng sự việc. Khi có sự khách quan, khoa học của sự kiện diễn ra, báo chí hoàn toàn có thể thể hiện sức mạnh.

Đương nhiên, khoảng cách giữa “phát hiện”, “phản biện” và “suy diễn”, “thêm thắt” mong manh như sợi tóc. Đòi hỏi con mắt tinh tường và bản lĩnh vững vàng của người cầm bút.