Đây là lần đầu tiên Chính phủ trực tiếp lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích lớn cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ Việt trong thời gian tới.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên Thế giới.

Theo đó, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020.

Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước thì ngành chế biến lâm sản hiện nay với khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó khu vực tư nhân chiếm 95% đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến  và cho hàng triệu lao động trồng ở  khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

Phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu theo hướng đầu tư chiều sâu, chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ rừng tự nhiên sang rừng trồng, phát triển nguyên liệu trong nước

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu theo hướng đầu tư chiều sâu, phát triển nguyên liệu trong nước.

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đã đạt 5,025 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (tương đương 55,83% kế hoạch năm) và chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cũng cho biết, chỉ số phát triển toàn ngành chế biến gỗ Việt Nam luôn được duy trì ở mức từ 8 -15%/năm. Nếu như năm 2000 giá trị kim ngạch của ngành chỉ đạt 220 triệu USD, sau 17 năm, tức năm 2017 con số này đã là 8 tỉ USD, bình quân mỗi năm tăng trưởng 440 triệu USD. 

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đều thông báo những tín hiệu vui, đơn hàng đã kín từ nay đến hết năm 2018 khiến cộng đồng càng vững tin, mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm nay hoàn toàn trong tầm tay, thậm chí là vượt xa. Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, số lượng đơn hàng tăng mạnh là tin vui, nhưng đi kèm với đó cũng có một mối lo khác, đó là “cơn khát” nguyên liệu của các doanh nghiệp trong ngành. Hiện, để đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu, lượng gỗ nguyên liệu đã phải nhập về một con số không nhỏ.

Cụ thể, số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, tính đến hết tháng 4/2018, cả nước nhập khẩu 698 triệu USD gỗ nguyên liệu, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 của hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng.

Do đó, để hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ thứ 2 thế giới với mục tiêu đạt kim ngạch 20 tỷ USD vào năm 2025, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho rằng, ngành gỗ cần chủ động được nguyên liệu trong nước.

Hội nghị

Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích lớn cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ Việt trong thời gian tới.

“Ngành gỗ kiến nghị cụ thể việc lập và thực hiện chương trình quốc gia về phát triển nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng trong nước. Mục tiêu là vào năm 2025, tối thiểu phải đáp ứng được 80% tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Song song với phát triển nguyên liệu rừng trồng, ngành cũng cần tăng dần khối lượng gỗ có chứng chỉ quốc tế đáp ứng nhu cầu thị trường. Về phía doanh nghiệp, ông Hạnh đề nghị, để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung, cần liên kết với chủ rừng và các thành phần kinh tế vào chuỗi giá trị ngành gỗ quốc gia và toàn cầu.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Gỗ An Cường nhận định, để tạo ra giá trị lớn cho ngành gỗ Việt thì phải có tư duy lớn, tư duy hệ thống. 

Thông qua ví dụ về một doanh nghiệp thay vì xuất khẩu gỗ dăm có thể liên kết bán lại cho một doanh nghiệp sản xuất sẽ làm nên sản phẩm chất lượng cao hơn, từ đó tạo ra giá trị lớn hơn, thay vì 400 triệu USD có thể sẽ là 600 triệu USD… ông Nghĩa cho rằng: “Tính hệ thống trong ngành gỗ rất quan trọng vì nó tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Do đó, nếu các công ty gỗ liên kết được với nhau sẽ tạo ra giá trị chất lượng cao của ngành gỗ trước bối cảnh hội nhập, cạnh tranh”.