>> Việt Nam - Ấn Độ: Nhiều dư địa để hợp tác kinh doanh

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Ấn Độ sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

p/Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla, nhất trí sớm mở lại đường bay thẳng giữa hai nước, công nhận hộ chiếu vắc xin của nhau.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla, nhất trí sớm mở lại đường bay thẳng giữa hai nước, công nhận hộ chiếu vắc xin của nhau.

Lý do hướng Đông

Còn nhớ vào tháng 1/2018, tại Hội nghị cấp cao Ấn Độ- ASEAN diễn ra tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định: “Tương lai của Đông Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gắn liền với vận mệnh chung của Ấn Độ - ASEAN. Trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN sẽ đóng vai trò mang tính quyết định”.

ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường đối ứng tương thích với đặc điểm nền kinh tế Ấn Độ, với tổng kim ngạch thương mại dự kiến đạt 300 tỷ USD trong vài năm tới, giúp Ấn Độ tăng trưởng kinh tế và cải thiện cơ cấu công nghiệp của nước này.

Mặt khác, việc Trung Quốc đẩy mạnh Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á đang tạo áp lực ngày càng lớn đối với Ấn Độ trong việc cạnh tranh ở các thị trường mới nổi. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy Ấn Độ tích cực đẩy mạnh chính sách hành động hướng Đông để duy trì lợi ích địa chính trị của mình.

Vì vậy, trọng tâm của chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ là cơ sở hạ tầng, đường cao tốc kết nối Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan; tổ hợp giao thông hiện đại kết nối Hành lang kinh tế Ấn Độ - Tiểu vùng sông Mekong; sáng kiến hợp tác kinh tế kỹ thuật đa khu vực xung quanh vịnh Bengal (BIMSTEC) trị giá 50 tỷ USD…

Sự xuất hiện của Ấn Độ trong khu vực còn đóng góp tiếng nói đa phương đối với vấn đề Biển Đông. Tự do hàng hải là điều cần thiết đối với Ấn Độ để bảo đảm thương mại trên biển của nước này tiếp tục không bị gián đoạn.

>> Việt Nam - Ấn Độ: Sớm mở lại đường bay thẳng và công nhận hộ chiếu vaccine

“Điểm tựa” Việt Nam

TS.Rajaram Panda, chuyên gia cao cấp tại Bảo tàng và thư viện tưởng niệm Nehru nhận định: Việt Nam là “điểm tựa” trong ASEAN để Ấn Độ thực hiện chính sách Hành động Hướng Đông của mình dựa trên các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, dư địa hợp tác Việt- Ấn là rất rộng, bao gồm năng lượng tái tạo, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp quốc phòng. Đặc biệt, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ nông sản rất ổn định của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, cao su, gỗ công nghiệp…

Thứ hai, công nghệ chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng và năng lượng tái tạo là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Ấn Độ có trình độ rất cao, hoàn toàn khớp với những mảnh ghép mà Việt Nam đang tìm kiếm.

Thứ ba, phải kể đến vai trò “địa chính trị” hiện tại của Việt Nam trong khu vực, cũng như Mỹ và EU - New Delhi không thể bỏ qua Việt Nam nếu muốn để tạo dựng quan hệ bền chặt với ASEAN.

Trong bối cảnh hiện tại, “chăm sóc” tốt quan hệ song phương, làm thiết thực hơn quan hệ đối tác toàn diện đã ký kết - hướng đến hiệu quả kinh tế là cách tối ưu nhất để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị do Ấn Độ chủ trì.