doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực vươn lên, vượt qua biến động để khẳng định bản lĩnh của doanh nhân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực vươn lên, vượt qua biến động để khẳng định bản lĩnh của doanh nhân, doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Vượt bão

Năm 2020, cũng như các doanh nghiệp trong cả nước, doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trước tác động của đại dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ - du lịch, xuất nhập khẩu… đã hoàn toàn ngưng trệ trong những tháng đầu năm.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Lạng Sơn đã kịp thơì triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. UBND tỉnh tổ chức họp chuyên đề để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là các dự án trọng điểm; tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; Chỉ đạo kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc về vốn, về thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện để các chủ đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án, công trình được thuận lợi nhất.

Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh cho biết, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, chính quyền tỉnh thì Hiệp hội Doanh nghiệp cũng đã phát huy vai trò cầu nối, kịp thời chuyển tải những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đến với lãnh đạo tỉnh; Chủ động quan tâm động viên doanh nghiệp phát huy nội lực để tiếp tục sản xuất kinh doanh... Nhờ đó, doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực vươn lên, vượt qua biến động để khẳng định bản lĩnh của doanh nhân, doanh nghiệp.

Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 3.248 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 27.245 tỷ đồng; có 646 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động và 313 hợp tác xã. Đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã đã ổn định và đang khẩn trương sản xuất cho thời điểm cuối năm để đảm bảo doanh thu và tăng thu nhập cho người lao động.

Cũng theo ông Hồ Phi Dũng, các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tuy nhiên, họ đã có sự đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Không những thế, doanh nghiệp trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết; chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cũng như thực hiện tốt công tác an sinh - xã hội.

Tiếp tục vươn lên, phát triển bền vững

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cần nhất là có môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và ít rào cản hành chính. Do đó, tới đây các cấp, chính quyền giải quyết quyết liệt hơn nữa các vấn đề về giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai và thủ tục hành chính. Cùng với đó, vấn đề quan tâm phát triển doanh nghiệp đầu đàn cũng cần tiếp tục chú trọng.

“Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp trong tỉnh, cần nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính; am hiểu và thực hiện đúng pháp luật; xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tiếp tục vươn lên, phát triển bền vững”, ông Dũng cho biết.

Được biết, từ năm 2017 đến năm 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 59.563 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 14.890 lao động với thu nhập từ 5,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/ tháng; Nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.303 tỷ đồng, trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách gần 1.200 tỷ đồng và góp hơn 75 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.