Thông tin trên được bà Ngô Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Lạng Sơn cho biết. Cũng theo bà Nga, để nâng cao hiệu quả giám sát cũng như tính minh bạch trong công tác tổ chức đấu giá, trung tâm đang hoàn thiện thủ tục để lắp hệ thống camera giám sát trực tiếp tại hội trường tổ chức đấu giá, dự kiến hoàn thiện trong tháng 4/2020. 

Tỉnh Lạng Sơn quyết tâm tạo ra môi trường đấu giá tài sản công khai, minh bạch, khách quan. Ảnh Yên Hoa

Tỉnh Lạng Sơn quyết tâm tạo ra môi trường đấu giá tài sản công khai, minh bạch, khách quan. Ảnh Yên Hoa

“Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản đã và sẽ tăng cường thực hiện hình thực đấu giá mới, kết hợp bỏ phiếu gián tiếp và bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá để hạn chế các đối tượng “cò”, “quân xanh, quân đỏ” tham gia vào làm giá ảnh hưởng đến khách hàng thực sự có nhu cầu mua tài sản.

Đồng thời, tại mỗi cuộc đấu giá sẽ sử dụng 6 tài khoản ngân hàng để khách hàng nộp tiền đặt cọc cũng như thanh toán tiền đấu giá để đảm bảo bí mật thông tin khách hàng tham gia đấu giá. Các cuộc đấu giá có giá trị tài sản lớn, nhiều khách hàng tham gia đều có lực lượng Công an tỉnh phối hợp giám sát, đảm bảo an ninh trật tự”, bà Nga nhấn mạnh.

Ông Vũ Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn cho biết, cùng với những giải pháp trên sở đã triển khai đánh giá, sàng lọc, luân chuyển cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài. Đồng thời cử cán bộ, công chức của sở trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát tại các cuộc đấu giá tài sản. Thời gian tới, sở sẽ lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo nghề đấu giá để tạo nguồn cán bộ đáp ứng tốt nhu cầu, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả đấu giá tài sản, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Trước đó như DĐDN đã phản ánh, Lạng Sơn để xảy ra nhiều vụ vi phạm liên quan đến quản lý đất đai, các sai phạm đấu thầu, đấu giá đất gây thất thoát ngân sách và bức xúc trong nhân dân

Cụ thể, ngày 27/2, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Văn Thanh ký ban hành thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và quản lý đất đai giai đoạn 2010-2017.

Theo đó, ngoài việc kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm điểm trách nhiệm việc Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và giám đốc các sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ giai đoạn 2010-2017, TTCP còn yêu cầu địa phương này chấn chỉnh các sai phạm, hạn chế trong lĩnh vực quản lý đất đai và đầu tư xây dựng.

Cụ thể, qua thanh tra 6 dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Dự án khu đô thị mới Phú Lộc; Dự án Khu đô thị Nam Hoàng Đồng I; Dự án N20 thị trấn Cao Lộc; Dự án tổ hợp TTTM, khách sạn và nhà phố Shop- House; Dự án tiểu khu tái định cư khối 2 Vĩnh Trại; Dự án khu đô thị Nam Nguyễn Đình Chiểu và việc quản lý và sử dụng đất tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn), TTCP đã phát hiện nhiều sai phạm gắn với trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực; Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn phụ trách lĩnh vực; giám đốc các sở, ngành có liên quan và nhà đầu tư.

Mặt khác, dù chưa được Thủ tướng cho phép đầu tư nhưng UBND tỉnh Lạng Sơn vẫn chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ vào đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Phú Lộc để chia tách thành các dự án thành phần gồm: Khu đô thị Phú Lộc I, II, III, IV để lập báo cáo nghiên cứu khả thi như một dự án đầu tư độc lập. Sau khi chia tách các dự án thành phần, UBND tỉnh Lạng Sơn không tổ chức đấu thầu công trình, đấu giá đất để lựa chọn nhà thầu, vi phạm các quy định của Bộ Tài chính và Chính phủ về đấu thầu.

Tại kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm việc Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ theo quy định giai đoạn 2010-2017, đặc biệt Giám đốc Sở TNMT không thực hiện tiếp công dân định kỳ tại 22 kỳ.