Sau học nghề, anh Bùi Mạnh Cường đã tạo được mô hình phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả.

Sau học nghề, anh Bùi Mạnh Cường đã tạo được mô hình phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả.

Một trong những mô hình hiệu quả đáng chú ý là thông qua đào tạo nghề, người dân đã mạnh dạn tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của địa phương.

Hiệu quả từ mô hình trồng bưởi và cam

Từ năm 2013, anh Bùi Mạnh Cường, 36 tuổi ở xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tham gia học lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) về kỹ thuật trồng cây có múi do Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tổ chức. Sau khi đã nắm bắt những kỹ thuật, cách thức ươm trồng, chăm sóc cây… năm 2014, anh Cường mạnh dạn áp dụng những kiến thức đã học vào trồng bưởi và cam tại vườn nhà. Khu vườn có diện tích hơn 2ha được quy hoạch một nửa trồng bưởi và một nửa trồng cam.

Đến năm 2018, là năm đầu tiên được thu hoạch, anh Cường đã thu về 160 triệu đồng… năm 2019 thu được hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng.

Anh Cường cho biết: “Trước khi tham gia lớp đào tạo nghề, tôi chưa trồng loại cây ăn quả này. Nhưng sau khi được đào tạo tôi đã có thêm nhiều kiến thức trồng trọt để áp dụng vào thực tế sản xuất, từ các khâu bón phân, chăm sóc, biết cách hạn chế được sâu bệnh, giúp cây tăng trưởng nhanh hơn cho hiệu quả năng suất và chất lượng cao”.

Không chỉ tạo việc làm và nguồn thu cho gia đình, khu vườn cây trái của anh Cường còn giải quyết việc làm cho 7 - 10 người LĐNT tại địa phương với mức thu nhập từ 180 – 200 nghìn đồng/ngày, tùy theo thời điểm và công việc cụ thể.

Tuy nhiên, anh Cường cũng cho biết, dù đạt hiệu quả nhưng vườn cây của gia đình cũng chỉ là cơ sở nông nghiệp riêng lẻ, không có thương hiệu nên đầu ra vẫn phải tự mày mò tìm kiếm khách hàng mỗi khi chuẩn bị mùa thu hoạch.

Mở rộng đối tượng học nghề và bao tiêu sản phẩm

Theo Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đã giúp cho người dân tiếp cận được kiến thức mới, áp dụng được khoa học kỹ thuật, ngành nghề mới vào sản xuất và giải quyết việc làm hiệu quả.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức đào tạo các nghề trồng cây có múi theo VietGAP, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, may công nghiệp… cho khoảng 3.500 LĐNT.

Học viên tham gia được tiếp thu những kiến thức theo chương trình đào tạo sơ cấp, được hướng dẫn thực hành trực tiếp lại nơi sản xuất, tham khảo các mô hình tiêu biểu và được giới thiệu việc làm sau đào tạo.

Qua khảo sát, những người được học nghề thường có mức phát triển đột phá hơn trong các lĩnh vực sản xuất hoặc tìm kiếm việc làm hiệu quả. Khoảng trên 80% LĐNT tại địa phương sau học nghề có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng cho năng suất cao hơn.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm và giải quyết việc làm. Đồng thời mở rộng đối tượng học nghề đến người nông dân trong vùng liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân trong các khâu xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Cùng với đó, mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề cho LĐNT để bà con cập nhật kiến thức mới, áp dụng hiệu quả vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động và thu hoạch.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” đã có hàng trăm nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề và đã thoát nghèo. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT. Từ các lớp đào tạo nghề cho LĐNT, người dân đã thay đổi nhận thức, hiểu được học nghề để có kiến thức, kỹ năng áp dụng vào sản xuất thực tế.