Levi’s đã nâng dự báo lợi nhuận hằng năm của mình sau khi doanh số bán hàng của quý trước lần đầu tiên vượt qua mức trước đại dịch. Giá vật liệu tăng đã khiến cổ phiếu của các nhà bán lẻ như H&M và Gap giảm trong sáu tháng qua. Nhưng cổ phiếu của Levi’s đã tăng 9% vào ngày hôm qua nhờ vào doanh số bán hàng mạnh mẽ và chuỗi cung ứng chủ động của nhãn hàng thời trang này.

Dòng tiền của Levi’s tiến triển nhờ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng. Thị trường quần áo nói chung đã phát triển nhanh hơn quy mô trước đại dịch và doanh số bán các mặt hàng đồ denim thậm chí còn tăng nhanh hơn. Levi’s lấn sân sang xu hướng jean bằng cách đầu tư vào các cửa hàng mang thương hiệu Levi’s và đón đầu xu hướng sau đại dịch. Nhưng có một bí quyết thành công khác của Levi’s, đó là quản lý chuỗi cung ứng thông minh:

Sự lan rộng của biến chủng Delta đã khiến các nhà máy đóng cửa trên diện rộng ở Việt Nam, nơi cung ứng 50% giày cho Nike, 40% cho Everlane và 28% cho Adidas.

Theo đó, Nike đã hạ con số doanh thu dự kiến và cảnh báo việc thiếu hụt hàng hóa trong những tháng tới sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của thương hiệu này tại nhiều khu vực. Nguyên nhân của tình trạng lộn xộn này là do thời gian vận chuyển hàng hóa lâu và các nhà máy bị buộc phải ngừng sản xuất vì các đợt giãn cách.

Các lãnh đạo của Nike cho biết họ đã không lường trước được tình hình sẽ tồi tệ như thế trong 3 tháng gần đây, khi Việt Nam và Indonesia đóng cửa vì đại dịch, đồng thời các rào cản khác làm tắc nghẽn quy trình vận chuyển hàng hóa trên thế giới.

Nike cho biết sản lượng bị thiếu hụt đến 10 tuần sản xuất cho đến hiện tại. Để quay trở lại đầy đủ công suất như trước, các nhà máy phải mất nhiều tháng.

Không giống như các hãng khác, Levi’s chỉ sản xuất 4% sản phẩm của mình tại Việt Nam. Phần còn lại được sản xuất tại 24 quốc gia khác.

Sự thiếu hụt nguồn cung khiến Levi’s chỉ mất 10 triệu USD trong quý trước - trong tổng số 1,5 tỷ USD doanh thu. Để so sánh, Adidas có thể mất 600 triệu USD do thiếu hụt nguồn cung chỉ trong nửa cuối năm nay.

Doanh số bán hàng của Levi’s ngày nay đang bùng nổ vì họ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình từ nhiều năm trước. Hệ thống giảm thiểu rủi ro của Levi’s đảm bảo rằng không quá 20% sản phẩm đến từ bất kỳ quốc gia nào. Sau khi đại dịch đóng cửa nhà máy, nhiều công ty sản xuất từ giày dép đến đồ nội thất đang cố gắng thực hiện chiến lược của Levi’s và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.