LTS: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn chưa xây dựng được một chiến lược phát triển chung; việc liên kết mới dừng lại ở mức cam kết. Và điều đó đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ để vùng thực sự trở thành đầu tàu.

p/Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ cuối năm 2015, theo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 – 2020, các vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đều có Hội đồng vùng.

Từ “câu lạc bộ vui vẻ”

Song thực tế, vai trò của Hội đồng Vùng đối với tăng cường liên kết và phát triển kinh tế của từng vùng trong những năm qua đã không hoàn toàn khắc phục được những bất cập về cơ chế quản lý, điều hành vùng KTTD vốn đã kéo dài từ hàng chục năm trước.

Một trong những nguyên do là khi Hội đồng Vùng được lập và giao cho trọng trách của tổ chức kết nối giữa Ban chỉ đạo với các địa phương trong vùng KTTĐ và chỉ đạo điều phối các liên kết trong vùng, đồng thời có nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức phối hợp các địa phương trong vùng KTTĐ thực hiện theo các Quy hoạch phát triển của vùng, theo dõi quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch của địa phương trong vùng, thì vai trò đó lại không đi kèm thẩm quyền hành chính thực để có giá trị điều hành. Chủ tịch điều phối hội đồng vùng theo chỉ định là Chủ tịch UBND của Thành phố trực thuộc TƯ lại không phải là “cấp trên” của các lãnh đạo tỉnh thành viên nên không có quyền hạn để chỉ đạo và phối hợp với tỉnh.

Do đó mới có chuyện có Hội đồng Vùng mỗi năm chỉ nhóm họp đôi lần, việc triệu tập khi mới bắt đầu được tổ chức rình rang và có nhiều dự định ký kết hợp tác nhưng các lãnh đạo địa phương thành viên vì nhiều lý do chỉ cử đại diện tham dự, biên bản ký kết phải “chuyển” ký sau… Cũng do đó mới có chuyện Hội đồng Vùng đôi khi trong tâm lý của giới chuyên môn, còn được gọi là “câu lạc bộ gồm các quan chức kiêm nhiệm”. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam mới đây thậm chí còn chỉ ra tên của cơ chế điều phối vùng cũ mà theo ông là những “câu lạc bộ vui vẻ”.

Đến lột xác thể chế “đầu tàu” của kinh tế Vùng

2020 nay đã đi được một chặng đường và các quyết định cũ đã sắp đến hạn hiệu lực nhiệm kỳ. Tuy nhiên, quy hoạch vùng, kinh tế vùng đang ngày càng nóng hơn trong quyết tâm đưa kinh tế Việt Nam phát triển đột phá, hùng cường. Theo đó, cơ chế điều phối, quản lý kinh tế vùng một lần nữa được đặt ra, với sự tái xác lập vai trò liên kết các địa phương trong các vùng KTTĐ vì một lợi ích chung.

Dấu ấn mới của cơ chế chính sách phát triển kinh tế vùng, thậm chí đi trước cả việc chờ thẩm định, phê duyệt đề án phân vùng kinh tế mới, là Quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng KTTĐ Đồng bằng Sông Cửu Long nhiệm kỳ 2021-2025 của Thủ tướng vừa được ban hành.

Như mong đợi của giới chuyên môn, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo liên Bộ, các lãnh đạo đại diện địa phương và đặc biệt có đại diện của các doanh nghiệp, nhà khoa học để phản biện. Hội đồng được xác lập hoạt động theo quan điểm: điều phối và chia sẻ nguồn lực chung cho các hoạt động toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường; cơ quan điều phối được hình thành với vai trò, nhiệm vụ rõ ràng, có đủ thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả và gắn liền với trách nhiệm giải trình.

Ngoài ra, cho phép sự đóng góp và chia sẻ nguồn lực giữa các bên tham gia thực hiện các hoạt động liên kết; cấu trúc thể chế rõ ràng, cơ chế tạo động lực khuyến khích các bên tham gia và một cơ sở dữ liệu thông tin chính xác để liên kết hiệu quả và bền vững. Đây có lẽ đang và sẽ là một “thí điểm” mới về thể chế điều phối vùng, hướng đến thay đổi tận gốc tình trạng phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm, “trùng dẫm” giữa các địa phương, tăng giá trị kinh tế vùng…

"Không có địa phương nào có thể phát triển bền vững nếu các địa phương lân cận kém phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định. Cũng vậy, không có vùng kinh tế nào có thể phát triển mạnh nếu thiếu một cơ quan điều phối tận tâm và đủ quyền điều hành.