Nhiều chiếc ghe phải nằm chờ vì vắng khách, các chủ ghe cho biết tình trạng vắng du khách tại Hội An đã diễn ra hơn một tháng nay.

Nhiều chiếc ghe phải nằm chờ vì vắng khách, các chủ ghe cho biết tình trạng vắng du khách tại Hội An đã diễn ra hơn một tháng nay.

Mới đây, một Liên minh kích cầu du lịch vừa được ra đời nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn của mùa dịch COVID-19. Đây là chương trình tương tự như năm 2009, khi du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/H1N1. Và câu hỏi đặt ra là vì sao phải đợi đến khi khủng hoảng ngành du lịch mới kích cầu?

Tại sao chỉ có liên minh trong ngành du lịch còn các ngành chịu ảnh hưởng khác thì sao?

Cần phải có “nhạc trưởng”

Về mặt lý thuyết, liên minh chiến lược là việc hai hoặc nhiều hơn doanh nghiệp liên kết với nhau, giúp các bên cộng hưởng sức mạnh. Các doanh nghiệp này thường không cạnh tranh trực tiếp với nhau, nhưng có các sản phẩm/dịch vụ hỗ trợ cho như nhau và các sản phẩm/dịch vụ đó cùng chia sẻ các phân khúc khách hàng nhất định. Liên minh có thể qua hình thức liên - hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành - là cách làm tăng chất lượng Chuỗi cung ứng sản phẩm/dịch từ đầu vào đến đầu ra cuối; như du lịch lữ hành hợp tác với khách sạn, nhà hàng... Hay liên minh - hợp tác liên ngành để gia tăng chất lượng phục vụ khách hàng qua sự kết hợp giữa các ngành (Chuỗi giá trị) trong cả một nền kinh tế; như du lịch kết hợp y tế trị liệu, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp làm đẹp...

Hội chợ Du lịch TRAVEX 2020 (Brunei) thu hút các gian hàng đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ gặp gỡ trao đổi nhằm tăng cường thu hút khách đến các nước thành viên ASEAN

Hội chợ Du lịch TRAVEX 2020 (Brunei) thu hút các gian hàng đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ gặp gỡ trao đổi nhằm tăng cường thu hút khách đến các nước thành viên ASEAN

Sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Cùng với nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ, việc tăng cường liên kết giữa các thành phần kinh tế sẽ góp phần bảo đảm khả năng phát triển bền vững không chỉ cho các doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế.

Vậy tại sao từ bấy lâu nay các doanh nghiệp lại không tính đến, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt hiện nay?

Thực tế thì sự liên kết một cách mật thiết và liên tục ngày càng trở thành kim chỉ nam thành công của không chỉ ngành du lịch mà trong cả những ngành khác trong nền kinh tế không biên giới hiện nay. Và liên kết cùng phát triển không phải là câu chuyện mới, bên cạnh việc các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành du lịch phải tự tìm thấy nhau thì cũng cần phải nhắc đến vai trò tập hợp, định hướng của một cơ quan quản lý nhà nước mà trong trường hợp này là Hiệp hội du lịch Việt Nam. 

Liên minh, không phải là chuyện mới ở Việt Nam cũng không phải là chuyện mới của thế giới. Trên thực tế từ năm ngoái chúng ta cũng đã có hình thành một số liên minh như liên minh doanh nghiệp điện tử đầu tiên, hay liên minh tái chế bao bì. Song mục tiêu các liên minh này mới chỉ đang tập trung chủ yếu là đưa ra các giải pháp và hành động hỗ trợ áp dụng các chính sách lao động, và an sinh xã hội. Còn việc liên minh để đưa ra những chính sách chiến lược kích cầu thị trường vẫn còn hạn chế. 

Và dù có liên minh kích cầu thì tự bản thân một số doanh nghiệp cũng cho rằng, mỗi doanh nghiệp có phân khúc đối tác, khách hàng, thị trường khác nhau, rất khó để xây dựng nên một dịch vụ đồng dạng hay quy về một mức giá chung. Rõ ràng nếu nhìn vào ngành du lịch thì liên kết doanh nghiệp vẫn là bài toán nan giải trong nhiều năm qua. Bởi, các ngành hàng không, lữ hành, khách sạn, điểm đến… vẫn thiếu tính kết nối, liên kết lỏng lẻo. 

Với quá nhiều vướng mắcp/hiện nay, Việt Nam cần xem lại chiến lược phát triển du lịch. Nếu liên minh chỉ thu hút khách mà không nâng chất lượng thì cũng không ăn thua.

Với quá nhiều vướng mắc hiện nay, Việt Nam cần xem lại chiến lược phát triển du lịch. Nếu liên minh chỉ thu hút khách mà không nâng chất lượng thì cũng không ăn thua.

Từng có ví dụ cho rằng ngành công nghiệp Việt Nam mang hình... quả mít, có nghĩa là chúng ta đưa ra rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá. Nếu mượn hình ảnh này để nói về tính liên kết, liên minh trong mỗi ngành thì cũng tương tự như vậy. Bởi lẽ, đã có tình trạng thay vì liên kết nhau để tạo nên sức mạnh thì có những doanh nghiệp vì sự cạnh tranh nhau mà dìm nhau phát triển. 

Do đó, sự cần thiết phải có “nhạc trưởng” của những chiến dịch liên minh kích cầu để đạt hiệu quả. Sự liên minh cần phải tránh sự độc quyền bằng các luật chống độc quyền ,luật cạnh tranh trong liên minh, để đảm bảo quyền lợi và đó là trách nhiệm của nhà nước, luật bảo vệ người tiêu dùng…

Thiết nghĩ, sự liên kết tốt giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm ngành, từng lĩnh vực sẽ là cơ sở cho sự liết kết vùng có cùng thế mạnh, là sức mạnh nội lực vô cùng mạnh mẽ vượt qua những cơn bão bất ngờ đổ ập đến.

Đừng để "hết xôi rồi việc"

Trở lại với câu chuyện liên minh kích cầu du lịch, để vực dậy ngành du lịch sau khoảng thời gian khủng hoảng vì dịch COVID-19, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ra mắt liên minh kích cầu du lịch với 16 thành viên  ban chủ nhiệm, bao gồm đại diện các hãng lữ hành lớn, hàng không, khách sạn, các hiệp hội du lịch... chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai chương trình kích cầu cụ thể, tạo sự thống nhất hành động giữa doanh nghiệp cùng các địa phương trên cả nước. 

Có thể nói, không riêng gì Việt Nam mà toàn bộ các nền kinh tế trên toàn cầu đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn dịch COVID-19 gây ra. Dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí... và làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch. Trong đó, ngành du lịch đang được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề và ước tính lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60%; ngành Du lịch thiệt hại 7 tỷ USD. 

Còn nhớ, thời điểm năm 2009, du lịch Việt Nam cũng từng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/ H1N1. Khi đó, Tổng cục Du lịch cũng đã thành lập nhóm kích cầu triển khai nhiều giải pháp và nhờ đó, ngành du lịch đã vượt qua những khó khăn khá nhẹ nhàng. 

Tuy nhiên, khi mọi thứ trở lại bình thường thì chương trình kích cầu giải tán. Sự liên kết được hình thành trong hoạn nạn và đã phát huy hiệu quả lại không duy trì được trong “thời bình”. Và với thực tế này, nếu không có những bước đổi mới chắc chắn chương trình liên minh kích cầu du lịch năm 2020 sẽ kết thúc khi hết dịch.

Có thể nói trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo thường niên được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 7/2019, du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển.

Mục đích đưa ra liên minh kích cầu cuối cùng là thu hút khách, nhưng với quá nhiều những vướng mắc trong phát triển du lịch như hiện nay, Việt Nam cần xem lại chiến lược phát triển du lịch. Nếu liên minh chỉ thu hút khách mà không nâng chất lượng thì cũng không ăn thua.

Tuy nhiên, để tăng được số lượng khách quốc tế cũng không hề đơn giản và một trong số những hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường….

Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động sân bay Phú Quốc và sân bay Vân Đồn. Các sân bay khác hầu hết đều được cải tạo từ sân bay quân sự với khả năng mở rộng hạn chế. Thực trạng nêu trên cho thấy phát triển cân bằng là một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính then chốt.

Lấy ví dụ từ Thái Lan cũng phải mất đến hơn 20 năm để phát triển hạ tầng và tăng trưởng khách du lịch đạt hơn 30 triệu lượt khách như hiện tại. Trong 7, 8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách, nhưng chúng ta phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng. Nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khả năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại.

Nói về câu chuyện hút hút khách du lịch hiện nay thì thị trường sẽ tự điều tiết, quan trọng nhất hiện nay là phải chống được dịch và không có chiến thuật thu hút hiệu quả bằng việc Việt Nam thể hiện được rằng đã khống chế được dịch thành công.

Rõ ràng khi nhìn nhận lại câu chuyện liên kết trong ngành du lịch thì là tốt nhưng cần phải tránh độc quyền, tránh co cụm và đi kèm với đó là những chính sách liên quan và đặc biệt riêng đối với ngành du lịch là phải giải bài toán hạ tầng là khâu trọng yếu nhất hiện nay…

Sức mạnh “bó đũa”

Hẳn ai cũng còn nhớ tới câu chuyện bó đũa với ý nghĩa “đoàn kết là sức mạnh”. Và điều này dù áp dụng ở thời đại nào cũng luôn luôn đúng. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết cũng cần phải được phát huy mạnh mẽ trong kinh doanh.

Không ai muốn phải “chơi một mình” vì nó thực sự nhàm chán và lẽ đương nhiên là kết quả kinh doanh cũng không thể gia tăng nếu tự thu hẹp ngoại giao của bản thân.

Nhà tâm lý học và tư vấn phát triển Robert Kegan (Đại học Havard Mỹ) cho rằng để đối phó với một thế giới ngày càng phức tạp thì có hai cách: thứ nhất là nhìn nhận mọi thứ một cách đơn giản hơn, thứ hai là tăng mức độ phức tạp cách nhìn nhận mọi việc lên tới mức cần thiết để đáp ứng được thách thức hiện có. 

Giải pháp thứ hai chính là sự chung tay của các bên vì một mục tiêu chung hơn là hành động độc lập – đó là gia tăng của sự hợp tác chéo tạo thành các liên minh của các cá nhân và tổ chức từ các khu vực phi lợi nhuận, chính phủ, từ thiện và cùng kinh doanh sử dụng các quan điểm và nguồn lực đa dạng của nhau. 

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, sự suy giảm toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách sâu sắc hơn, các nền kinh tế kém phát triển sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn các nền kinh tế tiên tiến nhưng không phải tất cả đều bị ảnh hưởng như nhau. Nếu càng chậm trễ trong việc đưa ra giải pháp thì thiệt hại sẽ càng nhiều. 

Trên thực tế thì tư duy kinh doanh ở hầu hết doanh nghiệp Việt mới chỉ khoanh lại trong không gian chật hẹp “riêng cho mình” và nhiều khi còn là sự giành giật, cạnh tranh nhau.

Thế nên, để liên kết kinh doanh phải xuất phát từ động lực của chính các doanh nghiệp và cần có bàn tay tác động mạnh mẽ của Nhà nước cho quá trình này diễn ra nhanh hơn. Mỗi bên phải thấy và nhận được quyền lợi của mình thì liên minh/liên kết đó mới phát triển. Có những liên kết thành công nhưng cũng không ít cuộc thất bại, quan trọng là doanh nghiệp phải thử, hành động và học hỏi từ thành bại đó.

Trên thế giới trong sự liên minh đó có thể là cùng ngành (hàng dọc) để đạt mức độ nhất định và làm cho khách hàng được hưởng lợi nhiều hơn. Hoặc liên minh khác ngành (hàng ngang) để lấy lợi thế của đối phương bù vào điểm yếu của mình.

Từ đó tạo ra sản xuất lớn, cung cấp khối lượng hàng hóa lớn nên buộc phải mở rộng thị trường, khía cạnh này cho ra đời các tập đoàn đa quốc gia, nghiễm nhiên trở thành thương hiệu toàn cầu. Đó là con đường đi quen thuộc để chúng ta thấy sự hiện diện của những đế chế kinh doanh lớn nhất thế giới hiện nay.

Ở Việt Nam đa số các liên minh đang theo hình thức chiều dọc (cùng ngành) nhưng cũng không đáng kể, còn việc liên minh khác ngành thì hiếm hoi. Đã từng có đề xuất thành lập liên minh hải quan – doanh nghiệp, bởi lẽ những vướng mắc của doanh nghiệp thường liên quan tới thủ tục, chính sách là chính. Việc liên minh nếu thành công sẽ tương hỗ bổ sung để cùng hoàn thiện và phát triển. Nhưng hình như sự ra đời đúng nghĩa của nó là chưa có?!

Cơ chế chính sách cho mô hình hợp tác ở Việt Nam đã thông thoáng hơn nhưng vẫn còn nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, các công ty quản lý quỹ của nhà nước chủ yếu quản lý vốn, chứ chưa chủ động kinh doanh. Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ của Singapore kinh doanh rất tốt, hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp lẫn kinh tế Singapore. Việt Nam có thể học hỏi cách làm của họ… 

Minh Huệ