>> Phố Wall khởi sắc, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thận trọng

Vĩ mô căng thẳng

Tại Hội thảo về Triển vọng thị trường tài chính cơ hội và thách thức do Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup đánh giá, sau dịch bệnh, công tác điều hành chính sách của Việt Nam đi theo hướng nới lỏng để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có những yếu tố ngoại lai tác động trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế mở như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, lạm phát Mỹ dâng cao, có nhiều biến số khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải ra tay điều hành các chính sách như tỷ giá, lãi suất,...

Hội thảo về Triển vọng thị trường tài chính cơ hội và thách thức

Hội thảo về Triển vọng thị trường tài chính cơ hội và thách thức

Trong đó, có hai vấn đề lớn được đặt ra là: Thứ nhất, FED đã cạn “room” tăng lãi suất, lạm phát Mỹ sẽ lập đỉnh vào khoảng cuối quý 3/2022 và giảm dần bất kể lao động có toàn dụng hay không. Tại Mỹ, chi tiêu ăn uống không ảnh hưởng quá nhiều tới lạm phát nhưng yếu tố năng lượng có tác động lớn nhất, tiếp đến là giá nhà ở và giá xe. Muốn biết lạm phát lập đỉnh hay chưa chỉ cần tập trung vào 3 chỉ tiêu lớn này.

“Theo tôi quan sát đến thời điểm hiện tại, giá năng lượng đã có sự suy giảm, giá nhà cũng tăng rất mạnh nhưng trong 5 tháng nay chỉ số này đã chậm lại và đi ngang, còn tốc độ tăng trưởng mua xe thì vẫn lớn. Có nhiều ý kiến nhận định lạm phát ở Mỹ không thể giảm được, song phải nhìn thực tế rằng, lạm phát Mỹ tới 60% đến từ chi phí đẩy và 40% đến từ cầu kéo. Vì thế để Mỹ giảm lạm phát thì phải giải quyết câu chuyện nguồn cung như giá xăng dầu giảm, giá nhà và xe giảm”, ông Báu phân tích.

Thứ hai, suy thoái kinh tế Mỹ có diễn ra? Cách tính tăng trưởng tại Mỹ là so với cùng kỳ của quý, nên trong quý 2 vừa qua Mỹ báo cáo tăng trưởng âm do GDP quý 4/2021 tăng cao bất thường khiến quý 1, quý 2 bị đuối. Tuy nhiên, khi so sánh tăng trưởng với cùng kỳ của năm thì con số này vẫn ở mức cao. Có thể trong quý 3, quý 4 tới đây, tình hình kinh tế Mỹ sẽ định hình suy thoái rõ hơn, đồng thời FED cũng không bao giờ tăng lãi suất lớn với bối cảnh lạm phát gần tiệm cận đỉnh và đi xuống.

Theo các tổ chức lớn đánh giá, trong 3 năm tới, kịch kim lãi suất của Mỹ sẽ dừng ở mức 3% và từ năm 2023 trở đi sẽ bắt đầu đảo chiều giảm dần. Đó là lý do mà gần đây, thị trường chứng khoán toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại vì đã có các dấu hiệu báo trước. Mặc dù vậy, có một điểm cần chú ý là kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng rất chậm, sự giảm tốc này có tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ.

“Tại Việt Nam, NHNN đã thực hiện nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và hút tín phiếu, hạn chế mở “room” tín dụng, hút VND về từ việc bán USD,...  Điều đó cho thấy NHNN đang sử dụng chính sách thắt chặt và tỷ giá là nguyên nhân khiến NHNN “đau đầu” nhất với áp lực từ bộ ba bất khả thi. Do vậy, NHNN phải lựa chọn ổn định tỷ giá mà không độc lập chính sách tiền tệ.

Có thể thấy, COVID-19 đã làm cho mọi chính sách trở nên thụ động và gấp gáp, nhưng theo tôi, đến năm 2023-2024, mọi chính sách có thể đảo chiều hơn và được nới lỏng”, CEO WiGroup cho biết.

>> Thị trường chứng khoán Việt Nam liệu đã rẻ?

Thị trường chứng khoán khó thuận lợi

Câu hỏi đặt ra đối với nhiều nhà đầu tư lúc này là, các yếu tố vĩ mô sẽ ảnh hưởng ra sao đến các thị trường tài sản? Liên quan đến thị trường chứng khoán, ông Trần Ngọc Báu cũng phân tích, nhìn vào tổng thể thị trường, mặc dù đã trải qua quá trình khủng hoảng về thanh khoản trong 2 tháng trước, nhưng đến nay thị trường đang lấy lại điểm cân bằng, tin xấu đã không còn; nhưng trong vòng một năm tới chúng ta không thể kỳ vọng thị trường sẽ thuận lợi. Về cơ bản, thị trường sẽ vẫn thiếu tiền và không có biến động mạnh nên nhà đầu tư phải “liệu cơm gắp mắm”.

Chuyên gua nhận định thị trường chứng khoán khó có kỳ vọng thuận lợi trong vòng 1 năm tới

Chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán khó có kỳ vọng thuận lợi trong vòng 1 năm tới

Theo vị chuyên gia, một số nhóm ngành có thể gây chú ý như vận tải hàng không và cảng biển. Nếu nhìn vào vĩ mô đơn thuần thì quý 3, quý 4/2021, Việt Nam ảnh hưởng nặng nề bởi yếu tố dịch bệnh nên những nhóm ngành liên quan đến vận tải, hàng tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng với sự phục hồi mạnh mẽ ở thời điểm này, giá vé máy bay đã tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, mật độ di chuyển khoảng 5,3 triệu lượt khách và khách quốc tế cũng đang quay lại tương đối cao. Việc di chuyển duy trì tốt giúp vị thế ngành hàng không và dịch vụ vận tải hàng không sẽ có sự khởi sắc. Cùng với đó ngành cảng biển cũng được chú ý, dù triển vọng kinh tế thế giới có thể suy giảm gây  ảnh hưởng ít nhiều đến ngành này.

“Nhà đầu tư cũng có thể quan tâm đến bất động sản khu công nghiệp, hiện tại mặc dù vốn đăng ký chưa phục hồi lại nhưng vốn thực hiện đang tăng rất mạnh. Thời gian qua, những dự án bất động sản công nghiệp phía Nam đã tăng trưởng rất tốt và trong năm tới lĩnh vực này tại phía Bắc sẽ có động lực lớn tăng theo.

Ngoài ra có hai ngành vừa tăng về giá vừa tăng về sản lượng đó là bia và ngành nước. Đặc biệt, ngành nước có đặc thù chi phí đầu vào không tăng nhưng sản lượng và giá thì không bao giờ giảm dẫn tới định giá rất hấp dẫn”, ông Trần Ngọc Báu cho hay.

Riêng với lĩnh vực bất động sản (BĐS), ông Trần Minh Tiến, Giám đốc nghiên cứu thị trường One Housing khẳng định, BĐS có mối quan hệ chặt chẽ với kinh tế vĩ mô. Theo nghiên cứu của One Housing, GDP quý 2 của Việt Nam tăng hơn 7%, mức cao nhất trong nhiều năm qua khiến dự báo tăng trưởng của các tổ chức trong và ngoài nước đối với Việt Nam cũng tăng lên.

Từ đó, biến động trên thị trường BĐS cũng trở lên mạnh mẽ, phân khúc căn hộ cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2) đã vượt phân khúc trung cấp. Xu hướng này xảy ra tương tự như tại TP HCM giai đoạn 2017-2018 khi đẩy giá trung bình sơ cấp lên rất cao khoảng 60-70 triệu đồng hoặc trên 100 triệu đồng/m2. Tại Hà Nội, hiện mức giá trung bình cũng đang cao và giá sẽ còn tăng nữa. Phân khúc này đã có mức tăng 4% so với quý 1 và tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song song đó là phân khúc dự án thấp tầng, liền kề, nhà phố,... dù không nhiều, đa số là nhỏ lẻ, chỉ có dự án Vin Ocean Park 2 tại Hưng Yên là có nguồn cung lớn khoảng 10.000 căn; nhưng từ nay dến cuối năm, BĐS thấp tầng sẽ là điểm nhấn mới. Các dự án chủ yếu nằm ven ngoại thành Hà Nội, dự báo đem đến nguồn cung mới cho thị trường, tiềm năng tăng giá cao hơn, khoảng 160-170 triệu đồng/ m2, tăng khoảng 17% so với quý 1.