Theo thông tin điều tra ban đầu, năm 2012, Cẩn cùng đồng phạm sử dụng nhiều pháp nhân để thành lập 19 công ty “ma” tại Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng Bình Định, Hưng Yên, Hà Nội… với tổng giá trị hàng hoá ghi trên hoá đơn trên 1.000 tỉ đồng. Trên thực tế, những doanh nghiệp này không hoạt động kinh doanh.
 Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Lào Cai điều tra, thu giữ các tài liệu liên quan việc mua, bán hóa đơn GTGT trái phép tại trụ sở Công ty Đức Mạnh, Lào Cai.p/Ảnh: THANH TUẤN

Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Lào Cai điều tra, thu giữ các tài liệu liên quan việc mua, bán hóa đơn GTGT trái phép tại trụ sở Công ty Đức Mạnh, Lào Cai. Ảnh: THANH TUẤN

Sau khi lập các công ty, nhóm của Cẩn quảng cáo nhận mua bán hóa đơn qua nhiều kênh trung gian. Giai đoạn 2012-2019, các bị can đã bán hoá đơn trái phép cho khoảng 600 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước đó, ngày 9/12/2020, Phòng an ninh kinh tế Công an tỉnh Lào Cai bắt quả tang N.T.D. (nhân viên Công ty TNHH MTV V.L.) đang giao dịch mua, bán hóa đơn GTGT trái phép tại trụ sở Công ty Đức Mạnh nên ra lệnh khám xét trụ sở công ty này.

Điều tra xác định bà Thiện đã mua lại một số công ty cũ và thành lập nhiều công ty với nhiều ngành nghề hoạt động kinh doanh khác nhau để hợp thức hóa hóa đơn GTGT đầu vào, rồi xuất hóa đơn GTGT bán cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp và đơn vị cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tổng số tiền hóa đơn mà đơn vị này bán ra lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Từ thực tế các vụ việc được phát hiện trong thời gian qua cho thấy, để che đậy hành vi phạm tội, đối tượng mua bán hóa đơn không từ phương thức, thủ đoạn nào. Ngoài việc thuê người đứng tên làm giám đốc doanh nghiệp, trụ sở đăng ký hoạt động kinh doanh, một số còn thành lập các công ty ma..., để ngụy trang, che giấu hành vi, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Lý giải về vấn đề trên, một số Luật gia cho rằng: Để thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân nên khi mua bán hóa đơn, các đối tượng phải hợp thức để hạch toán, kê khai, quyết toán thuế với cơ quan Nhà nước.

Do đó, đối tượng vi phạm đồng thời phải dùng nhiều thủ đoạn để hợp thức, ngụy trang, coi việc mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ có thật để hợp thức hóa việc hạch toán kế toán, kê khai... Theo đó, các cá nhân đăng ký thành lập các doanh nghiệp “ma” đăng ký mã số thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn, sau đó tổ chức bán hóa đơn hàng loạt với số lượng và doanh số cực lớn rồi bỏ trốn.

Trong trường hợp này, các đối tượng thường thuê những người kém hiểu biết (cá biệt có người không biết chữ). Một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo làm đại diện pháp luật.

Sau đó, thực hiện mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) lòng vòng để bán cho các doanh nghiệp khác làm chứng từ hợp thức hóa đầu vào nhằm khấu trừ thuế hoặc xin hoàn thuế. Khi thuê người đứng tên làm giám đốc doanh nghiệp, đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường không trực tiếp giao dịch mà thông qua các đối tượng cò mồi, trung gian tìm thuê người làm giám đốc.

Trong quá trình này, đối tượng không cho người được thuê biết tên, tuổi và địa chỉ nên trong trường hợp bị phát hiện thì việc tìm kiếm của cơ quan Công an cũng khó khăn.

Trường hợp khác, cùng lúc đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp. Doanh nghiệp này phát hành hóa đơn làm “đầu vào” cho doanh nghiệp kia cùng hoạt động mua bán hóa đơn với số lượng lớn, trong thời gian dài, sau đó cùng bỏ trốn.

Ở hai trường hợp này, các đối tượng thường không đứng tên mình để thành lập doanh nghiệp mà mượn, lợi dụng hoặc thuê giấy tờ tùy thân của người khác để đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký sử dụng hóa đơn; sử dụng con dấu để phát hành bán hóa đơn với số lượng lớn trong thời gian dài nhằm che giấu hành vi và đối phó với việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Một số trường hợp còn lợi dụng hoạt động sản xuất, kinh doanh để mua bán hóa đơn với hình thức nâng khống giá trị hàng hóa mua bán trên các hóa đơn. Hoạt động này có thể diễn ra trực tiếp giữa đối tượng mua và bán nhưng cũng có thể được thực hiện thông qua các đối tượng trung gian mang tính chuyên nghiệp, nhiều trường hợp mua và người bán không biết nhau.

Kiểm soát tốt hoạt động thành lập doanh nghiệp

Trao đổi với DĐDN, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng: Các đối tượng mua bán hóa đơn đã lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, thuê người khác đứng tên làm giám đốc, không có tài sản kho tàng bến bãi, không có vốn điều lệ như đăng ký nhưng vẫn có thể thành lập được doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, thay đổi địa điểm kinh doanh, đổi tên, thậm chí bỏ địa chỉ kinh doanh không đóng mã số thuế. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan thuế bởi những hóa đơn xuất trước thời điểm bị cơ quan quản lý phát hiện, doanh nghiệp bỏ trốn hoặc chuyển địa điểm kinh doanh đã được hợp thức hóa bằng các hợp đồng, biên bản giao nhận, chứng từ thanh toán qua ngân hàng và các cam kết của doanh nghiệp mua hàng hóa.

“Vì vậy, để hạn chế các vụ mua bán hóa đơn, các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác hậu kiểm, kiểm soát tốt hoạt động thành lập doanh nghiệp. Việc này phải được tiến hành một cách thường xuyên, cùng với đó, phải giám sát chặt chẽ việc thành lập các doanh nghiệp, cũng như việc kê khai và nộp thuế”, Luật sư Luân nhấn mạnh.