Virus H5N6

Các trường hợp nhiễm virus H5N6 tại Trung Quốc đều tiếp xúc với gia cầm

Mới đây, Trung Quốc báo cáo 21 người nhiễm cúm H5N6 với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng 5 ca so với năm ngoái, chuyên gia lo ngại chủng virus này biến đổi và có nguy cơ dễ lây nhiễm hơn. Mặc dù con số thấp hơn nhiều so với hàng trăm người nhiễm H7N9 vào năm 2017, song triệu chứng của các bệnh nhân gần đây nghiêm trọng hơn, nhiều ca chuyển nặng, 6 người tử vong. Ngày 13/10, một phụ nữ 60 tuổi ở tỉnh Hồ Nam đã nhập viện trong trạng thái nguy kịch, dương tính H5N6.

Giáo sư Thijs Kuiken tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan) nhận định: "Sự gia tăng các ca nhiễm virus H5N6 ở người tại Trung Quốc trong năm nay là điều đáng lo ngại. Đây là một loại virus gây tử vong cao". WHO cho biết hầu hết các trường hợp nhiễm virus H5N6 đều tiếp xúc với gia cầm và không có trường hợp nào được xác nhận là lây nhiễm từ người sang người. WHO nhấn mạnh sự “cấp bách” phải tiến hành thêm các cuộc điều tra để hiểu rõ về nguy cơ và nguyên nhân gia tăng số ca nhiễm virus H5N6 ở người.

Cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt bệnh cúm A/H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cúm lây truyền từ người sang người.

Ít nhất 10 trường hợp mắc cúm gia cầm do một loại virus rất giống với virus H5N8 về mặt di truyền được ghi nhận tại các trang trại gia cầm trên khắp châu Âu vào mùa Đông năm ngoái, đồng thời giết chết những con chim hoang dã ở Trung Quốc.

Được biết, kể từ tháng 2/2020, Trung Quốc chưa báo cáo trường hợp nào ở động vật. Nước này là nguồn cung gia cầm lớn nhất cho thế giới. Trong đó, các trang trại nuôi vịt thường là ổ chứa virus cúm lớn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) chưa đưa ra bình luận về sự gia tăng của số ca nhiễm H5N6 ở người. Tuy nhiên, nghiên cứu công bố trên trang web của cơ quan này vào tháng trước cho thấy "sự đa dạng di truyền và phân bố địa lý của H5N6 ngày càng tăng, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi gia súc và sức khỏe con người".

Điều phối viên Phòng thí nghiệm Khu vực tại Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Động vật Khẩn cấp Xuyên biên giới, Trung Quốc đã tiêm phòng cúm gia cầm vào năm ngoái. Song loại vaccine nước này sử dụng chỉ hiệu quả một phần trước các loại virus mới nổi, đủ để ngăn ngừa các đợt bùng phát lớn, nhưng vẫn cho phép virus lưu hành.

Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã thổi bùng nỗi lo về một đợt dịch kép mới

Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã thổi bùng nỗi lo về một đợt dịch kép mới

Đáng lo ngại, các chuyên gia cảnh báo, người dân hoàn toàn có thể mắc cúm gia cầm và COVID-19 cùng một lúc, điều này có thể gây nguy hiểm cho hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn của cả hai loại virus.

Yasmin, Giám đốc Sáng kiến Truyền thông sức khỏe Stanford (Hoa Kỳ), nhận định: "Một khi bạn bị nhiễm cúm và một số loại virus đường hô hấp khác, chúng sẽ khiến cơ thể bạn suy yếu. Khả năng miễn dịch phòng bệnh của bạn suy giảm và điều này khiến bạn dễ bị nhiễm các mầm bệnh khác".

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, về bản chất, cả COVID-19 và cúm đều có thể tấn công phổi, có khả năng gây viêm phổi, tràn dịch trong phổi hoặc suy hô hấp. Mỗi tình trạng bệnh đều có thể gây nhiễm trùng huyết, tổn thương tim và viêm các mô tim, não hoặc cơ.

Do đó, việc nhiễm đồng thời cả 2 virus sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng lâu dài hơn đối với các cơ quan, hệ thống trong cơ thể. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chính xác đồng nhiễm 2 virus có thể gây hậu quả mức độ nào so với nhiễm mỗi loại virus do chưa có nhiều dữ liệu về những người bị mắc cả 2 bệnh cùng một lúc. HIện nay, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vẫn đang được áp dụng tại Trung Quốc. Do đó, các chuyên gia dịch tễ nhận định vẫn cần theo dõi thêm và giải mã gen chủng virus cúm gia cầm mới để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thực tế cho thấy, virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất sớm trên toàn cầu. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai vaccine, thực hiện biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng có mục tiêu, các chuyên gia WHO cảnh báo các quốc gia cần củng cố năng lực đảm bảo cho hệ thống y tế hoạt động hiệu quả để kịp thời đối phó với các mầm bệnh mới xuất hiện trong thời gian tới.