Sau khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) khởi tố vụ án mua máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội đã lộ ra hàng loạt bất thường trong quy trình chỉ định thầu giá trang thiết bị y tế phòng chống dịch (cụ thể là hệ thống máy Realtime PCR tự động – xét nghiệm COVID-19). Đặc biệt, sau vụ việc trên, nhiều địa phương cũng đang diễn ra tình trạng thiếu đồng nhất về giá mua thiết bị, không ít trong số đó thay vì trung thực về mức giá đã bỏ ra mà còn “biện minh”, lấp liếm bằng việc “mượn” máy của doanh nghiệp(?)”.

zfdbgf

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động mỗi nơi một giá, cao có, thấp có, lỗ hổng nào đang tồn tại?

“Loạn” giá…

Thông tin trên báo chí, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, hệ thống máy Realtime PCR xét nghiệm SARs-CoV-2 do hai doanh nghiệp là Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường và Công ty CP Dịch vụ Du lịch C.Travel Gia Lai tặng cho ngành y tế tỉnh này chỉ có giá chưa tới 2 tỷ đồng và có xuất xứ từ Singapore.

Hay, tại Quảng Trị, thông tin với báo chí, ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cho biết, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR mà địa phương trang bị chỉ có giá 1,5 tỷ đồng. Mức giá này được giảm xuống đáng kể từ mức 1,65 tỷ đồng sau khi Quảng Trị đàm phán. Việc mua bán các thiết bị trên tiến hành khoảng 1 tháng trước do CDC tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, thông qua hình thức chỉ định thầu.

Thậm chí, tại Đà Nẵng, hệ thống này đang được CDC Đà Nẵng sử dụng trong thời gian qua chỉ có giá trên dưới 1,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào thì mức giá của thiết bị này lại được đẩy lên tới 7 tỷ đồng. Ngoài Hà Nội, một số địa phương khác cũng mua sắm thiết bị tương tự với mức giá trên dưới 7 tỷ đồng, thậm chí cao gấp 3-4 lần so với giá thị trường.

Như tại Quảng Nam, tỉnh này đã phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2020 cho Sở Y tế với số tiền 7,56 tỷ đồng để mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động. Giá gói thầu đã bao gồm các loại thuế, phí, chi phí nghiệm thu, bốc xếp vận chuyển, lắp đặt, chuyển giao công nghệ… Hình thức là “chỉ định thầu rút gọn”.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết thêm, giá là do bên cung cấp đưa ra và sau khi thương lượng với nhà cung cấp thì mức giá trên giảm còn 7,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh này đã mua hệ thống nói trên với giá 7 tỷ đồng cũng thông qua chỉ định thầu. Ngày 19/3, Sở Y tế Quảng Ninh đã chuyển tạm ứng 4,2 tỷ đồng cho bên trúng thầu nhưng tới ngày 21/4 bên trúng thầu đã hoàn lại số tiền 4,2 tỷ này. Nhưng đến ngày 23/4, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết họ mua thiết bị này với giá 5,2 tỉ đồng(?).

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Thái Bình, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho hay, đã đàm phán thành công với nhà thầu giảm giá hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động từ hơn 6 tỷ đồng còn 5,2 tỷ đồng.

Không chỉ riêng với những tỉnh, thành đã nêu, việc mỗi nơi một giá, cao có, thấp có đang cho thấy một sự bất đồng nhất trong quản lý giá… Không chỉ dừng lại ở đó, một số tỉnh, thành lại "ứng phó" từ việc có thể đã mua hoặc đã ký hợp đồng, nay chuyển sang "mượn" máy để "dùng thử" như Hải Phòng, Bắc Giang, Bệnh viện Phổi trung ương, Lào Cai…(?).

zdfbhgfd

Lỗ hổng trong vụ việc tại CDC Hà Nội, có đang hiện hữu trong việc "thổi giá" mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19?

… Sinh ra từ “lỗ hổng”?

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn tới việc "loạn" giá các máy xét nghiệm COVID-19 nằm ở việc chỉ định thầu và thẩm định giá. Đây được coi là “lỗ hổng” lớn dẫn đến thực trạng hiện nay, nhất là trong quá trình làm việc lại xuất hiện tiêu cực “móc ngoặc” chia lợi ích thì khó tránh khỏi thất thoát thông qua hành vi tự “thổi giá”.

Ngay thời gian vừa qua, trong vụ việc tại CDC Hà Nội, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Trần Duy - Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành. Bị can Duy đã định giá, thông đồng với các đối tượng nâng khống từ 2,3 tỉ đồng lên tới gần 7 tỉ đồng 1 hệ thống Realtime PCR.

Theo quy định tại khoản 1 điều 22 luật Đấu thầu và Thông tư 58/2016/TT-BTC, các gói thầu trên được phép chỉ định thầu, để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng như đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, chỉ định thầu ở đây không có nghĩa là không đấu giá. Luật cũng bắt buộc các đơn vị phải thuê thẩm định giá, yêu cầu nhà thầu lựa chọn sản phẩm với mức giá phù hợp với giá thị trường trong và ngoài nước. Sau khi thẩm định giá đưa ra ý kiến, cần phải có hội đồng hoặc tổ thẩm định giá để lựa chọn mức giá hợp lý nhất. Vậy nên, trường hợp để “loạn” giá đầu tiên phải kể đến vai trò của người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá. Tiếp đó là thành viên các hội đồng hoặc tổ thẩm định giá tại các đơn vị, địa phương.

Như đã nói ở trên, việc "thổi giá” đã diễn ra đối với vụ việc tại CDC Hà Nội, là một ví dụ điển hình, trong đó, đơn vị thẩm định đóng vai trò then chốt trong việc quyết định giá trị của một sản phẩm là bao nhiêu, nếu không có những chế tài cụ thể khống chế trong thẩm định giá thì đây sẽ trở thành một trong những lỗ hổng nguy hiểm nhất, để các đối tượng luồn lách, lợi dụng rút ruột ngân sách.

Vừa qua, xét đề nghị của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng có chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch Ccovid-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.