Mới đây, tại văn bản số 3676/VPCP-NN, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo cơ quan cấp dưới thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, thực hiện phân bổ nguồn lực hợp lý giữa đầu tư kinh phí và khai thác sử dụng đất đai nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai của cả nước; chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, biểu dương những điển hình tốt, phê phán những hành vi sai trái, phát hiện và đưa ra công luận các sai phạm.

Mặc dù có nguồn gốc đất bãi sông, đất nông nghiệp nhưng tại ngách 35 ngõ 76 phố An Dương thuộc địa bàn Phường Tứ Liên, quận Tây Hồ vẫn nghiễm nhiên xây dựng nhà ở kiên cố và nhiều công trình khác - Ảnh: Gia Nguyễn

Mặc dù có nguồn gốc đất bãi sông, đất nông nghiệp nhưng tại ngách 35 ngõ 76 phố An Dương thuộc địa bàn Phường Tứ Liên, quận Tây Hồ vẫn nghiễm nhiên xây dựng nhà ở kiên cố và nhiều công trình khác - Ảnh: Gia Nguyễn

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng như lời giải kịp thời cho thực trạng vi phạm đất đai tràn lan hiện nay trên nhiều địa bàn trong cả nước như: Đồng Nai, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc,… hay như mới đây là tại Khánh Hòa, trước hàng loạt sai phạm liên quan đến đất đai, 2 nguyên Chủ tịch UBND, 1 nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Và ngay tại Thủ đô, hiện trạng vi phạm về quản lý đất đai cũng ngang nhiên diễn ra và vô tư tồn tại như một điều "tất lẽ dĩ ngẫu", bất chấp nhiều chỉ đạo từ các cấp quản lý, không chỉ là những tồn tại đã có, nhiều địa bàn tình trạng vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra.

Như việc “hô biến” dự án xây dựng bãi đỗ xe trung tâm thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn với diện tích 5.177m2 thành nơi trưng bày, kinh doanh xe máy của Công ty TNHH MTV Công nghệ Xây dựng Gia Linh.

Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng biến thành nhà xưởng nhưng vẫn nghiễm nhiên tồn tại nhiều năm qua - Ảnh: Gia Nguyễn

Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng biến thành nhà xưởng nhưng vẫn nghiễm nhiên tồn tại nhiều năm qua - Ảnh: Gia Nguyễn

Hay như tại huyện Đan Phượng, nhiều năm qua những vi phạm sử dụng đất sai mục đích vẫn diễn ra tại nhiều địa bàn, như tại xã Tân Hội, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại cụm dân cư số 13, thôn Thượng Hội vô tư biến thành nhà xưởng; tình trạng tương tự cũng xảy ra tại cụm dân cư số 13, xã Tân Lập;…

Nổi cộm hơn cả phải kể đến địa bàn quận Tây Hồ, khi sai phạm chồng sai phạm tại nhiều địa bàn, không chỉ là những điểm tồn tại mà dư luận liên tục lên tiếng nhưng chính quyền vẫn thờ ơ, mà tại chính những “điểm nóng” này, vi phạm mới vẫn ngang nhiên diễn ra.

Tại ngách 35 ngõ 76 đường An Dương, thuộc địa bàn phường Tứ Liên, mặc dù nguồn gốc là đất bãi sông, đất nông nghiệp, thế nhưng, hàng loạt những công trình kiên cố, nhà cao tầng, bãi xe, sân tennis,… vẫn ngang nhiên mọc lên, không chỉ là những vi phạm đã rồi như dãy nhà từ số 29/35/76 đến 47/35/76 đã xây dựng, hoàn thiện xong, mà ngay tại số 27/35/76 một công trình mới cũng đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.

Bất chấp các chỉ đạo, đôn đốc của TP. Hà Nội vi phạm chiếm dụng đất ven sông, vi phạm hành lang thoát lũ tại phường Nhật Tân vẫn nghiễm nhiên diễn ra - Ảnh: Gia Nguyễn

Bất chấp các chỉ đạo, đôn đốc của TP. Hà Nội vi phạm chiếm dụng đất ven sông, vi phạm hành lang thoát lũ tại phường Nhật Tân vẫn nghiễm nhiên diễn ra - Ảnh: Gia Nguyễn

Không chỉ phường Tứ Liên, tại phường Nhật Tân tình trạng vi phạm đất đai cũng đang rầm rộ diễn ra tại cuối ngõ 464 đường Âu Cơ, bất chấp những chỉ đạo rà soát, xử lý tình trạng chiếm dụng đất ven sông, địa phương này vẫn đứng ra tổ chức đấu thầu cho thuê đất, vô tư vi phạm hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê điều.

Liên quan đến những hiện trạng đã nêu, trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn.

Trong đó, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn, chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi. Xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ vi phạm tồn đọng, đặc biệt các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi, thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng vi phạm đất đai trên địa bàn vẫn đâu hoàn đó.

Mong rằng, từ sự quyết liệt của Chính phủ trong việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, những vi phạm liên quan sẽ không còn tồn tại, và đây sẽ là lời giải cho bài toán được coi là nhức nhối bấy lâu nay.