Liệu có nên cống hóa sông Tô Lịch, Kim Ngưu?

Liệu có nên cống hóa sông Tô Lịch, Kim Ngưu?

Theo ông Dương Đức Tuấn, Bí thư quận Hoàn Kiếm, việc Hà Nội có chủ trương tìm giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm sông hồ là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc này còn rất phức tạp, đòi hỏi sự tập trung chương trình, kế hoạch, nguồn lực.

"Ô nhiễm sông, hồ tại thành phố là một tồn tại của quá trình phát triển đòi hỏi nhiều nguồn lực và những biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn. Do đó, có thể xem xét khả năng cống hoá đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… để giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng", ông Tuấn đề nghị.

Trái ngược với quan điểm của ông Tuấn, đại biểu Nguyễn Minh Đức, quận Thanh Xuân đề nghị thành phố trước mắt bổ cập nước cho sông Tô Lịch chảy sẽ giải quyết phần lớn ô nhiễm.

Ông Đức đánh giá, năm 2006, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực có đưa ra giải pháp trước mắt nên cấp nước cho sông Tô Lịch được chảy, kể cả sau này chúng ta xử lý môi trường thì dòng sông cũng cần được chảy. Từ đó, có thể tạo ra tuyến giao thông đường thuỷ. Đồng thời, không nên bê tông hoá sông Tô Lịch vì ở đây còn là câu chuyện địa lý, phong thuỷ và tâm linh.

Trước đó, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để hồi sinh sông Tô Lịch. Trong đó, thành phố đã tính đến phương án xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản và công nghệ của Đức; đồng thời tính đến phương án lấy nước từ sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch.

Sau gần một tháng áp dụng làm sạch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đoạn sông Tô Lịch tại Hoàng Quốc Việt, tình trạng ô nhiễm tại dòng sông này đã được cải thiện rõ rệt. Dòng nước tuy còn váng đen nhưng đã trong hơn và mùi hôi thối được cải thiện từ 70-80%.

Với phương án bổ cập nước vào sông Tô Lịch đã được đưa vào quy hoạch thoát nước của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2012. Đầu tháng 5/2019, Công ty Thoát nước đã tiến hành mở các cửa thoát để đưa nước trong hồ về mức an toàn và mở cửa xả dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Nhờ đó, chất lượng nước tại sông Tô Lịch đã được thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường đánh giá, trước khi tính đến các phương án xử lý, cần nhìn nhận đúng "cái gốc" của việc ô nhiễm trên sông Tô Lịch, Kim Ngưu. Do toàn nước thải sinh hoạt nên màu nước sông Tô Lịch luôn đen kịt, bốc mùi hôi. Vào những hôm trời mưa to, nước sông lại chuyển sang màu trắng xanh, chảy mạnh về xuôi. 

Điều này cho thấy, nước sông bị ô nhiễm do 2 nguyên nhân, đầu nguồn không còn được cung cấp nước từ sông Hồng, nước thải sinh hoạt của người dân, cơ sở sản xuất vẫn xả thẳng xuống. Đồng thời, việc Hà Nội vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách vấn đề làm sạch sông Tô Lịch dẫn đến tình trạng tắc trách và chưa quyết liệt xử lý tình trạng ô nhiễm, chưa đầu tư thời gian, công sức một cách tương xứng cho con sông này.

Do đó, theo TS Nguyễn Văn Khải, chuyên gia về xử lý ô nhiễm nước chính quyền thành phố, cần có một giải pháp đồng bộ và sát thực tế như xử lý được nước thải sinh hoạt, sản xuất tại nguồn; giải pháp thứ hai là khơi thông dòng chảy cho sông Tô Lịch.

"Để giải quyết ô nhiễm nước sông Tô Lịch không thể xử lý từng đoạn, cũng như không chỉ xử lý màu, mùi nước mà không có phương án nạo vét các phần lắng cặn của bùn, rác thải ai hàng năm? Cần hướng đến giải pháp cần đồng bộ và bền vững, đặc biệt là giải quyết từ phần gốc vấn đề, thu gom, xử lý được triệt để nước thải ra sông Tô Lịch sau đó mới tính đến các biện pháp lọc nước", ông Khải đánh giá.