>> Kinh tế biển Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Bài 1)

Biển Đông là khu vực biển quan trọng, chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa một số nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Các nước mong muốn đạt được mục tiêu của mình ở vùng biển quan trọng này, nhất là về lĩnh vực quân sự, kinh tế và kiềm chế chiến lược.

Lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc tại biển Đông

Khi xem xét lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc và hành xử của họ ở Biển Đông cần đặt trong tổng thể chiến lược ‘trỗi dậy hòa bình’ hay ‘phát triển hòa bình’ của Trung Quốc. Biển Đông đang thực sự trở thành vũ đài cho sự chuyển động và tranh chấp quyền lực toàn cầu giữa các đại cường, trong đó hai nhân vật chủ chốt là một Trung Quốc đang lên và một siêu cường Mỹ đang đi xuống.

Một số nhà nghiên cứu đã so sánh ý nghĩa địa chiến lược của Biển Đông đối với Trung Quốc không khác gì vùng biển Đại Caribbean (bao gồm Vịnh Mexico) đối với Mỹ cuối thế kỷ XIX. Vì rằng Mỹ chỉ có thể bằng việc khống chế toàn bộ biển Caribbe thì mới thống trị được Tây Bán cầu và chi phối trật tự quyền lực ở Đông Bán cầu nhờ kênh đào Panama xuyên hai đại dương.

Tàu hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Tàu hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Tương tự như thế, Trung Quốc nếu thống trị được Biển Đông thì mới có cơ hội trở thành bá chủ Tây Thái Bình Dương và vươn ra Ấn Độ Dương. Khi nói đến lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, người ta thấy nổi bật 4 khía cạnh đặc biệt quan trọng: khía cạnh lãnh thổ - tài nguyên, giao thông, an ninh - quốc phòng, khía cạnh văn hóa - lịch sử.

Trên khía cạnh lãnh thổ - tài nguyên, mục đích của Trung Quốc không có gì để nghi ngờ. Họ không những muốn chiếm tất cả các đảo và bãi đá trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà thậm chí có dã tâm chiếm luôn cả các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước theo công ước về luật biển quốc tế, trong khi các khu vực này cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc (đảo Hải Nam) tới trên 1.200 cây số.

Thế mà một số học giả nước ngoài - chẳng hạn cựu ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger, người theo chủ nghĩa hiện thực trong nền ngoại giao hiện đại và có công lớn trong thiết lập quan hệ Mỹ-Trung thập niên 1970 – vẫn nhận định rằng Trung Quốc không có động cơ đế quốc bành trướng lãnh thổ, vì bản đồ lãnh thổ Trung Quốc từ hai nghìn năm nay không thay đổi.

Thực tế cách hành xử của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và khu vực Biển Đông từ thập niên 1970 đến nay cho người ta một ấn tượng ngược lại. Hơn nữa, các bước tiến như vũ bão trong quá trình hiện đại hoá và tham vọng siêu cường kinh tế và quân sự của Trung Quốc vượt quá trình độ công nghệ và hiệu quả sản xuất của nền kinh tế của một nước đang phát triển mới đang ở giai đoạn đầu của hiện đại hóa, khiến cho nhu cầu cung nguyên liệu trở nên bức thiết và ngày càng gia tăng, nhất là nhu cầu năng lượng dầu khí. Trong khi đó các nghiên cứu khảo sát và thực tiễn khai thác tài nguyên ở Biển Đông đều cho thầy tiềm năng khổng lồ của Biển Đông.

Biển Đông được coi là một trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Trong phạm vi Biển Đông, các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney - Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mêkông, sông Hồng, cửa sông Châu Giang.

Bên dưới vùng biển và thềm lục địa Việt Nam tồn tại nhiều bể trầm tích dầu khí, trong đó 2 bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ m3 (theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu được kiểm chứng ở biển Đông là 7 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày). Ngoài ra. Còn có các khu vực có tiềm năng dầu khí chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung Việt Nam.

Hơn nữa, bối cảnh quốc tế trước hêt là bối cảnh địa lý và tương quan sức mạnh ở Đông Nam Á và Biển Đông quả thật đã kích thích tham vọng địa lý của siêu cường dân số này. Nói theo lý thuyết quan hệ quốc tế hiện đại, thì các nhân tố khách quan và chủ quan đã khiến Trung Quốc theo đuổi một thứ lợi ích quốc gia tuyệt đối bằng một sức mạnh cứng tuyệt đối.

Trên khía cạnh giao thông: Khi Trung Quốc trở thành cường quốc thương mại số một thế giới thì cũng có nghĩa là sự ổn định và phồn vinh về kinh tế và xã hội của Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào những dòng chảy thương mại đều đặn nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, trước hết là nhập khẩu tài nguyên và xuất khẩu hàng hóa thành phẩm từ toàn bộ các khu vực khác nhau của thị trường thế giới.

Vì thế, trong khi giao thương đường bộ của Trung Quốc với các quốc gia và châu lục khác gặp nhièu cản trở bởi địa hình và an ninh, đặc biệt là các tuyến giao thông Tây Nam để tiếp cận Ấn Độ Dương thông qua các quốc gia Myanmar, Pakistan, Ấn Độ thì các tuyến hàng hải quốc tế ở bờ Tây Thái Bình Dương chủ yếu thông qua biển Đông với các địa điểm như eo biển Malacca ở Nam Biển Đông và khu vực giưã hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo hướng bắc nam nhằm kết nối Trung Quốc với thế giới  là nhiệm vụ cốt tử. 

Hiện nay Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Hơn nữa, với mưu đồ ‘chốt chặn mặt tiền’ hướng ra Biển Đông của Việt Nam, Trung Quốc sẽ bắt các nước trước hết là Việt Nam lệ thuộc vào quyền điều phối của Trung Quốc, ngay cả trong trường hợp nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Điều đó chẳng khác gì tình trạng bi đát của lãnh thổ Palestine dưới sự chia cắt và kiểm soát của Israel ở Trung Đông! Mặt khác, việc đoạt được chủ quyền trên Biển Đông theo đường lưỡi bò cũng giúp Trung Quốc khống chế không phận trên Biển Đông. Theo đó các đường bay quốc tế của các hãng hàng không trên thế giới đều phải xin phép, chịu sự điều phối và nộp thuế cho Trung Quốc. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa trong kỷ nguyên bùng nổ giao thông hàng không và du lịch ở Đông Á và Đông Nam Á thế kỷ XXI.

Cần lưu ý rằng, một khi Trung Quốc đã độc chiếm được Biển Đông, thì bất chấp việc Trung Quốc tuyên bố cam kết duy trì tự do lưu thông trên Biển Đông nhằm đạt được sự đồng thuận quốc tế đối với mục đích của họ, Trung Quốc vẫn có thể ra lệnh cấm thông thương trên vùng Biển Đông bất kỳ lúc nào, khi tình huống đòi hỏi bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và ngăn chặn lợi ích của nước khác.

Trên khía cạnh quốc phòng - an ninh: Lợi ích quân sự và an ninh bao giờ cũng gắn với lợi ích kinh tế, là công cụ để bảo vệ lợi ích kinh tế. Do đó bản chất của mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nhằm hai mục đích cốt lõi:

(a) Ngăn chặn tự do đi lại trên biển của các chiến hạm nước ngoài, nhất là của các đối thủ, ngoài giới hạn 12 hải lý từ đường cơ sở. Nhờ thế Trung Quốc có thể đẩy mối đe dọa an ninh từ biển ra xa bờ biển Trung Quốc. Các tàu chiến và tàu do thám của Mỹ và các nước khác không có điều kiện tiếp cận bờ biển Trung Quốc được nữa. Vụ việc Trung Quốc cắt cáp tàu do thám Mỹ Impercable năm 2008 trong thềm lục địa Trung Quốc thể hiện rõ rệt mục đích này.

(b) Mở lối đi ra đại dương xanh (lục hải) cho hải quân Trung Quốc trong điều kiện biển Hoa Đông dưới sự kiểm soát của Mỹ và đồng minh Nhật Bản, Đài Loan đã ngăn chặn đường vươn ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của họ. Chỉ có thông qua Biển Đông ra được tới đại dương xanh như thế thì Trung Quốc mới có thể băng chiến hạm ngầm hay nổi đưa mối đe dọa của họ tới gần nước Mỹ, Ấn Độ, và các đối thủ tiềm tàng khác.

Điều đó càng đặc biệt bức thiết khi trình độ công nghệ tên lửa đạn đạo, tàu ngầm hạt nhân và công nghệ thông tin liên lạc cho tàu ngầm của họ đang còn nhiều hạn chế. Với mưu đồ rõ ràng và bức thiết như thế, có thể hiểu được tại sao Trung Quốc quyết chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, thiết lập một số căn cứ quân sự và viễn thông trên các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa cũng như mua sắm và đóng mới các tàu sân bay để bố trí trên Biển Đông. Tất cả nhằm ‘nối dài’ tầm vươn của pháo hạm với tầm bắn hiệu quả nhằm vào đối thủ.

Động cơ văn hóa - lịch sử: Ngoài các động cơ then chốt nêu trên, có một nguyên nhân lịch sử và văn hoá sâu xa thúc đẩy Trung Quốc hướng ra biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông) để ‘lấy lại thể diện’ một dân tộc vĩ đại. Như mọi người đều biết, căn tính của văn hóa Trung Hoa truyền kiếp là văn hóa gia trưởng của Nho giáo. Theo đó mô hình cấu trúc gia tộc/ gia đình hay chế độ tông pháp theo cách gọi của giới nghiên cứu được loại suy thành mô hình trật tự thế giới. Trong đó các quốc gia được phân tôn ti (thứ bậc cao thấp) khác nhau tùy vào sức mạnh thực tế.

Đứng chót trên đỉnh quyền uy là đế chế bá chủ và đương nhiên đó chỉ có thể là Trung Quốc. Mô hình hình Kim tự tháp này trái hẳn với cấu trúc ‘mạng lưới’ theo chiều ngang của lý thuyết quan hệ quốc tế hiện đại mà Phương Tây đề xướng và quảng đại các quốc gia hiện đại đều đồng thuận.

Một quốc gia đã từng đứng trên tột đỉnh vinh quan như thế trong cả thiên niên kỷ bỗng dưng dừng bước kể từ thế kỷ XVI dưới triều Minh chỉ bởi niềm tin rằng dưới khắp gầm trời này không đâu văn minh bằng Hoa Hạ. Suốt ba thế kỷ ngập chìm trong căn bệnh ‘bão hòa ở đỉnh cao’ đã khiến đế chế Trung Hoa rơi vào vòng trì trệ, suy yếu và bị Phương Tây ‘xẻ thịt’ kể từ giữa thế kỷ XIX.

Nỗi sỉ nhục hàng thế kỷ này ("century of humiliation") tạo một dấu ấn vô cùng sâu sắc trong tư duy của giới tinh hoa Trung Quốc đến tận hôm nay. Vào thế kỷ 19, khi nhà Thanh suy yếu, Trung Quốc đã để tuột khỏi tay chủ quyền lãnh thổ ở nhiều vùng và thu hẹp phạm vi ảnh hưởng ở hầu hết các khu vực lân bang vốn là  các vùng ảnh hưởng ‘truyền thống’ của mình: mất các chư hầu phía Tây Nam cho Nepal, Myanmar cho Anh; mất Đông Dương ở Đông nam vào tay thực dân Pháp; mất Đài Loan và các chư hầu Hàn Quốc, và Sakhalin cho đế quốc Nhật Bản; mất Mông Cổ, Amuria và Ussuria vào tay đế chế Nga.

Đầu thế kỷ XX, Nhật Bản còn đánh chiếm bán đảo Sơn Đông và Mãn Châu vốn là quê hương của thiên triều nhà Thanh. Không những thế, Trung Quốc còn bị ép buộc ký các thỏa thuận nhượng địa cho các nước phương Tây quyền kiểm soát nhiều thành phố ven biển quan trọng nhất của Trung Quốc - gọi là hiệp ước Hải cảng Mở (Treaty Ports). 

Bởi lý do lịch sử bất thường đó, giới tinh hoa Trung Quốc ngày nay trong không hiếm dịp cố lồng ghép nỗi sỉ nhục này của họ với quá khứ thuộc địa của hầu hết các nước Đông- và Đông Nam Á, gọi đó là ‘nỗi sỉ nhục Đông Á’ (trừ Nhật Bản), như trong phát biểu của học giả Trung Quóc Su Hao tại Hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 tại Hà Nội tháng 11/2011.

Trung Quốc đã vượt qua cơn ác mộng đó và đã đạt đến vị trí cao nhất của một cường quốc đại lục và ổn định lãnh thổ chưa từng thấy kể từ triều đại nhà Minh thế kỷ thứ XVI. Các đại hội đảng của Trung Quốc gần đây  đều nhấn mạnh cơ hội ‘ngàn năm có một’ cho sự trỗi dậy trở thành siêu cường thế giới của Trung Quốc. Họ sẽ không bao giờ có ý định để cho nước ngoài "đè đầu cưỡi cổ" lần nữa như trong hai thế kỷ trước.

>> Kinh tế biển Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Bài 2)

Lợi ích địa chiến lược của Mỹ

Ngoài Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam Á ra, thì ý nghĩa địa chiến lược của Biển Đông đối với các cường quốc liên quan như Nhật, Mỹ, Nga,Australia, Ấn Độ cũng quá rõ ràng như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra. Tuy nhiên mối quan tâm của các nước thuộc ‘vòng ngoài’ này chủ yếu ở khía cạnh giao thông hàng hải và an ninh hơn là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, như giới chức Mỹ đã nhiều lần tuyên bố thẳng thắn và rõ ràng.

Lợi ích địa chiến lược của Mỹ ở Biển Đông bao gồm những gì? Ở đây trước hết phải đặt Biển Đông trong tổng thể điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ. Trong điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ, Châu Âu được Mỹ xem là đồng minh then chốt và có đủ độ tin cậy sau khi khối Nato đã trải qua 63 năm phát triển và ngày càng hùng mạnh, ngày càng có sự nhất trí cao giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan di chuyển trên Biển Đông ngày 12/7/2022

Tàu sân bay USS Ronald Reagan di chuyển trên Biển Đông ngày 12/7/2022.

Lòng tin của Mỹ đối với các đồng minh Châu Âu trong Nato dựa trên thử thách thực tiễn và trên niềm tin về hệ giá trị chung mà cả hai bên theo đuổi. Nó cũng dựa trên khả năng tự vệ đáng tin cậy của Châu Âu trước các mối đe dọa có thể đến từ bên ngoài. Hơn nữa, sự sụp đổ một đi không trở lại của khối quân sự Warsawa do Liên Xô cầm đầu, sự suy yếu tương đối và cô lập của nước Nga đến nay khiến cho Mỹ không cần phải tập trung sức mạnh ở Châu Âu nữa.

Đồng thời, cục diện hai cuộc chiến tại Iraq và Afganistan đang dần đi đến những kết cục mà Mỹ mong đợi: Giảm can thiệp, giảm quân, giảm chi phí và rút lui trong danh dự, trao trách nhiệm an ninh cho đồng minh bản địa. Trong khi đó sự vươn lên của Trung Quốc và tham vọng siêu cường thế giới của họ cùng với sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc về cả kinh tế và quân sự đối với khu vực Châu Á đã và đang thách thức vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ.

Về mặt đối nội, Chính phủ Mỹ đứng trước sức ép cắt giảm chi tiêu quân sự và tập trung cho khôi phục kinh tế sau khủng hoảng. Tất cả các nguyên nhân bên ngoài và bên trong nói trên đã khiến cho Chính phủ của tổng thống B. Obama đi đến quyết định điều chỉnh chiến lược toàn cầu, tập trung sức mạnh mà chủ là hải quân vào trọng điểm Châu Á-Thái Bình Dương.

Điểm khác biệt căn bản về lợi ích chiến lược của Mỹ ở Biển Đông so với Trung Quốc là ở chỗ Mỹ không có tham vọng lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông, mà chỉ giới hạn ở quyền tự do và duy trì an ninh hàng hải cho cả tàu buôn và tàu chiến của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ, nói ngắn gọn là duy trì trật tự quyền lực trên biển do Mỹ thống trị, trước hết là ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chính đặc điểm then chốt này qui định tính chất và mức độ sẵn sàng của quan hệ đồng minh giữa Mỹ với các nước khác. Nó dễ tạo ra sự đồng thuận nhất là các nước nhỏ đang đứng trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Các hạm đội của Mỹ vẫn được xem là hùng mạnh nhất thế giới, nhưng nay đã trở nên quá nhỏ bé (từ gần 600 tàu chiến nay chỉ còn 285 tàu) và tỏ ra đuối sức trong việc bảo đảm an ninh các vùng biển chung và các hải trình quan trọng trên các đại dương.

Biển Đông không những tự thân là một vùng biển mà các nước có lợi ích chiến lược giao nhau, mà xét về vị trí chiến lược hải quân thì nó là hành lang nối kết giữa hai đại dương, cho phép các lực lượng Mỹ di chuyển nhanh chóng giữa hai đại dương này. Nó cũng là điểm nối kết quan trọng trong tam giác Guam - Biển Đông - Australia cũng như đối với chuỗi đảo thứ nhất ở Tây Thái Bình Dương bao vây Trung Quốc (và Nga) kéo dài từ Đông Bắc Á đến Australia. Không những thế xung quanh lòng chảo Biển Đông còn có một số vị trí cảng biển mang tầm chiến lược để các tàu hải quân khổng lồ của Mỹ có thể đồn trú, bảo dưỡng và thực hiện các chiến thuật công-thủ hết sức lợi hại, chẳng hạn vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam.

Điều đó càng có ý nghĩa khi mà nước Mỹ đang đối mặt với những khó khăn về tài chính do ngân sách quốc phòng bị cắt giảm (gần 500 tỉ $ trong 10 năm tới) trong khi chi phí cho công việc duy trì, và bảo dưỡng chi phí đóng tàu tăng cao. Mỹ càng không thể tính đến việc xây dựng căn cứ hải quân mới ở khu vực, mà chủ yếu phải dựa vào cơ sở hạ tầng của các đồng minh. Vì thế Mỹ buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác bản địa. Đó là các lý do để Biển Đông trở thành một tiêu điểm hợp tác an ninh biển quốc tế của Mỹ, trước hết là các đồng minh ở Biển Đông.

Ngay từ năm 2007 Mỹ đã đưa ra Chiến lược hợp tác sức mạnh biển thế kỷ 21 (gọi tắt là CS-21), giao sứ mệnh bảo đảm an ninh hàng hải toàn cầu với tư cách nhiệm vụ cốt lõi cho Hải quân, Lính thủy đánh bộ và Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ. Trong chiến lược đó khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với vùng Vịnh ở Trung Đông là các sân khấu chính của sức mạnh biển của Mỹ, bao gồm cả các chức năng cảnh sát và quân sự. Điều đặc biệt là Mỹ cam kết sẽ "cùng với các quốc gia có chung chí hướng bảo vệ và duy trì hệ thống kết nối toàn cầu mà nhờ đó chúng ta thịnh vượng".

Sự gặp gỡ về lợi ích chiến lược đã đẩy Mỹ và các nước ở Biển Đông đến gần nhau, vượt qua mọi chướng ngại to lớn mà trong hoàn cảnh bình thường khó có thể làm được. Như mọi người vẫn nhớ, sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, các đồng minh của Mỹ đã đề nghị Mỹ rút hết các căn cứ quân sự (hải quân và không quân) khỏi lãnh thổ của họ, như Phillipine thu hồi căn cứ Subic, Thái Lan thu hồi căn cứ không quân U-Tapao.

Thế mà đến năm 2012 này cả hai nước trên đều đã cam kết thậm chí thúc giục Mỹ trở lại. Lại cũng không phải ngẫu nhiên mà bộ trưởng quốc phòng Mỹ L. Panetta đã được Việt Nam mời đến thăm vịnh Cam Ranh đầu tháng 6/2012, nơi đã từng là tổ hợp căn cứ quân sự khổng lồ mang tính chiến lược trong suốt cuộc chiến tại Việt Nam và là nơi mà Việt Nam từng tuyên bố không cho nước ngoài nào được thuê làm căn cứ quân sự.

Tại đây ông đã tuyên bố về tầm quan trọng chiến lược của vịnh này đối với chiến lược chuyển dịch đại bộ phận hải quân về Thái Bình Dương của Mỹ. Trong khi đó chưa một lần nào tàu chiến Trung Quốc và một số nước khác được phép ghé lại cảng này. Thậm chí đối với Cam Ranh, sự việc chỉ một vài người Trung Quốc trên danh nghĩa hành nghề nuôi cá bè ở cửa vịnh đã trở thành một cơn sốt phản ứng của công luận Việt Nam hồi tháng 6/3012.

Đồng thời, các cuộc tập trận hải quân ở các qui mô khác nhau giữa Mỹ và các đồng minh ở Đông Nam Á diễn ra dồn dập, nhất là từ năm 2010 trở lại đây, kẻ cả với Việt Nam dù dưới danh nghĩa này hay khác. Chỉ có thể hiểu đúng các hành xử trên khi người ta dựa trên nhận thức về sự thống nhất các lợi ích chiến lược giữa Mỹ và các nước ở Biển Đông trong tình huống xuất hiện mối đe dọa ngày càng lớn vượt trên khả năng tự vệ của các nước ở khu vực này.

>> Kinh tế biển Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Bài cuối)

Lợi ích dịa chiến lược của Nhật Bản

Có cùng lợi ich chiến lược với Mỹ là Nhật Bản trong vấn đề duy trì tự do giao thương trên Biển Đông. Về mặt nào đó Biển Đông đối với Nhật Bản còn quan trọng hơn nhiều, vì nền kinh tế dựa trên xuất nhập khẩu của Nhật phải dựa vào hàng hải nối kết Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Theo tính toán mà học giả Nhật Bản Shigeo Hiramatsu đưa ra, thì nếu chỉ tính riêng Nhật Bản đã có khoảng 1.1 tỷ tấn hàng hoá đi lại hàng năm tới Nhật qua Biển Đông. Trong đó 900 triệu tấn nhập vào Nhật và khoảng 200 triệu tấn xuất từ Nhật. Tức là vào khoảng 3 triệu tấn hàng và 15 con tầu trọng tải 200 ngàn tấn hàng ngày đi qua vùng biển này. Chỉ nói tới dầu thô không thôi, Nhật phải nhập khẩu 238,37 triệu tấn hàng năm, tương đương với 650 ngàn tấn hàng ngày, tức là 3,3 con tầu trọng tải 200 ngàn tấn. Trong đó 90% phải vận chuyển qua eo Malacca và eo Bashi.

Vùng Biển Đông có tầm quan trọng thiết thân với cả mục tiêu giao thông và chiến lược quân sự. Vì thế, chỉ cần đe doạ các đường giao thông biển là Trung Quốc đã giáng một đòn chí tử đối với Nhật, Đài Loan và Nam Triều Tiên mà không cần có một hành động quân sự trực tiếp nào. 

Trên Biển Hoa Đông, dọc theo quần đảo Senkaku, thuộc chủ quyền Nhật nhưng Trung Quốc cũng tranh chủ quyền là một thềm lục địa có trữ lượng dầu lớn. Nếu Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ tuyến hành lanh nối Biển Đông và Biển Hoa Đông thì họ có thể tạo ảnh hưởng lớn đối với các nước chung quanh, ngăn chặn không gian hoạt động của các hạm đội Nhật Bản - cường quốc hải quân số 2 thế giới và số 1 châu Á; và có thể tiến công xa hơn vào các biển thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong tương lai.

Do tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với các nước Đông Á và Đông Nam Á, và ngăn ngừa về khả năng xung đột Biển Đông mà Trung Quốc chủ động gây ra, học giả Shigeo Hiramatsu kêu gọi các quốc gia ở Đông Á cần củng cố thành nhóm đồng minh thân thiết với sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ trong vùng.

Cần có sự hợp tác quân sự và chính trị chặt chẽ giữa Mỹ, Nhật, Nam Triều Tiên, Đài Loan và các nước Đông Nam Á. Ngoài ra Nhật Bản còn hợp tác với các nước Đông Nam Á khác thông qua việc bán thiết bị quân sự như tàu ngầm, vũ khí cho các nước ven Biển Đông, sử dụng các hải cảng của các nước ven Biển Đông cho các chiếm hạm Nhật.

Thủ tướng Nhật Bản Noda ngày 05/10/2011 đã đề nghị Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 11/2011 tại Indonesia thiết lập một cơ chế chung về an ninh hàng hải. Sáng kiến này không đơn thuần là một diễn đàn thảo luận, mà là một cơ chế xem xét các biện pháp cụ thể, để bảo đảm vấn đề an ninh trên biển, trong đó có việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Thủ tướng Noda hy vọng là các lãnh đạo 10 nước ASEAN cũng như 7 nước khác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, New Zealand, Trung Quốc và Úc sẽ đạt được đồng thuận trên kế hoạch của Nhật Bản, để khởi động cơ chế này và ghi nhận trong bản Tuyên bố chung. Cơ chế mới về an ninh hàng hải này hoạt động trên cơ sở các cuộc họp cấp quan chức cao cấp và chuyên gia đến từ 18 quốc gia thành viên Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Tokyo tin tưởng rằng cơ chế này sẽ dẫn đến một khuôn khổ đa phương mới để giải quyết các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Đó là bộ Qui tắc ứng xử tại Biển Đông mang tính chất ràng buộc. Đó là một cố gắng khác của Nhật nhằm đối phó với thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trên các vùng biển trong khu vực.

Tuy nhiên như người ta thấy sáng kiến của Nhật Bản đã không trở thành hiện thực do bất đồng sâu sắc giữa cac nước tham gia Thượng đỉnh Đông Á năm 2011. Tới Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm 2012, sáng kiến này càng không đuợc đề cập trước những bất đồng sâu sắc giữa các nước, nhất là thái độ thiếu xây dựng của Trung Quốc và nước chủ nhà Campuchia.

Lợi ích địa chiến lược của Liên bang Nga

Nước Nga vốn kín tiếng thì nay cũng đã bày tỏ lập trường không can thiệp và phản đối can thiệp của Mỹ, ủng hộ cách tiếp cận từng cặp song phương của Trung Quốc (mô hình trục - nan hoa), mà chỉ quan tâm chủ yếu đến hợp tác kinh tế với các nước trên Biển Đông trước hết là với Việt Nam trên lĩnh vực khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.

Khía cạnh lợi ích kinh tế và an ninh được lồng ghép với nhau tinh tế trong chính sách thực dụng của nước Nga. Điều dễ thấy là Nga đã tìm thấy một thị trường xuất khẩu vũ khí lớn ở các nước Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tổ hợp tên lửa hiện đại.

Hợp đồng trang bị quân sự này mang lại cho Nga nhiều tỉ đô-la mỗi năm. Chẳng hạn việc Việt Nam mua của Nga 6 tàu ngầm tàng hình lớp Kilo buộc Việt Nam phải xây dựng căn cứ và cơ sở bảo dưỡng cho các tàu đó. Vậy là một hợp đồng xây dựng căn cứ tàu ngầm cho Việt Nam ở Cam Ranh mà Nga sẽ thực hiện có kinh phí nhiều tỉ đô-la rồi.

Tình hình tranh chấp ở Biển Đông càng nóng lên bao nhiêu, thì nhu cầu nhập khẩu vũ khí của các bên kể cả Trung Quốc cũng tăng lên bấy nhiêu, nhất là trường hợp Việt Nam khi mà Mỹ vẫn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Có người Nga đã lên tiếng khá thẳng thắn rằng Nga đứng ngoài xung đột ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng sẽ cung cấp vũ khí cho phía Việt Nam.

Quan điểm chính thống của Nga thể hiện trong tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao I. Lavrov: “Nga không đặt nhiệm vụ bảo vệ các đường biên giới phía Nam bằng cách làm suy yếu an ninh của các nước khác. Nga không có kế hoạch xây dựng các căn cứ quân sự tại Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như không có ý định cạnh tranh ảnh hưởng với bất kỳ ai.

Nỗ lực của Nga trong việc củng cố hợp tác với ASEAN không nhằm chống lại các nước thứ ba.” Phân tích sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại và an ninh của Liên Bang Nga trong trung hạn kể từ năm 2012 trở đi dưới thời tổng thống Putin cho người ta thấy tầm quan trọng chiến lược của quan hệ bang giao Nga-Trung êm thấm đối với việc phát triển kinh tế của Nga và bảo đảm an ninh biên giới với Trung Quốc ở Viễn Đông.

Đó là ưu tiên số một. Sở dĩ Nga có một chính sách như thế đối với Tây Thái Bình Dương là do vị trí địa chính trị đặc biệt của Nga: Đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga chính là láng giềng Trung Quốc ở phía Đông và Liên minh Châu Âu ở phía Tây. 

Để tiếp cận Ấn Độ, Nga không cần thông qua Biển Đông ở Đông Nam Á, mà chủ yếu qua ngả Châu Âu và một phần qua các nước Trung Á vốn thuộc không gian Xô Viết cũ. Nghĩa là sự thông thương với thế giới của Nga không lệ thuộc vào Biển Đông như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Vì thế Nga không có ý định xác lập quyền kiểm soát Biển Đông, nhưng yêu cầu quyền tự do lưu thông trên Biển Đông.

Hơn nữa Nga biết tự lượng sức mình: Thời đại mà Nga là siêu cường toàn cầu chưa tới và chưa biết bao giờ mới tới. Vì thế Nga chưa cần tới các căn cứ quân sự hải ngoại như đã từng đặt ở Cam Ranh đến năm 2002. Vai trò đó đó trước mắt ‘nhường’ cho Mỹ. Đó là chưa kể đến mục tiêu thực dụng của ‘lái súng’ Nga trong xuất khẩu vũ khí cho tất cả các bên tranh chấp đang chạy đua vũ trang hiện đại hóa hải quân và không quân nhằm hưởng lợi khổng lồ từ đó.

Từ đó dễ hiểu tại sao Nga có một lập trường khác hẳn Mỹ và Ấn Độ. Nhà nghiên cứu người Đức Felix Seidlier khẳng định rằng Nga sẽ không bao giờ can dự vào xung đột Biển Đông, mọi dự đoán trước kia về sự can thiệp của Nga đều sai hoàn toàn.  („Als völlig falsch erweist sich heute die damalige These, Russland werde im Südchinesischen Meer mitspielen. Das ist nicht passiert und wird es auch nicht“).

Thái độ ‘nước đôi’ của Nga còn thể hiện qua hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở thềm lục địa Việt Nam bất chấp Trung Quốc phản đối, trong khi đó lại diễn tập hải quân lớn chưa từng có với Trung Quốc. Gần đây tuyên bố của đại sứ Nga tại Philippine tháng 5/2012 rằng Nga phản đối các nước ngoài khu vực Đông Nam Á can dự vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và gián tiếp ủng hộ phương thức ‘song phương’ của Trung Quốc… càng làm dấy lên lo ngại về sự phân liệt của cộng đồng quốc tế, phá hủy xu thế tập hợp sức mạnh của các nước ASEAN, tạo cơ hội đơn phương lấn tới của Trung Quốc trong thực hiện chiến thuật ‘chia để trị, ‘bẻ từng chiếc đũa’ của Trung Quốc.

Lợi ích địa chiến lược của Ấn Độ

Giống như các cường quốc khác ở Châu Á-Thái Bình dương, Ấn Độ có lợi ích chiến lược quan trọng quan trọng trên Biển Đông xét cả ở khía cạnh kinh tế thương mại và an ninh  quốc phòng khi nhìn từ góc dọ địa kinh tế và địa chính trị. Xét riêng trên khía cạnh an ninh quốc phòng, chúng ta phải đặt vấn đề Biển Đông đối với Ấn Độ trong tổng thể quan hệ địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc và Đông Nam Á.

Lịch sử hàng thê kỷ nay đã chứng kiến các xung đột biên giới lãnh thổ giữa hai đại quốc này, mà phần chịu o ép và thua thiệt là phía Ấn Độ. Cuộc tranh chấp biên giới trên lục địa vẫn còn nóng bỏng và có vẻ như Ấn Độ vẫn chưa tìm ra đối sách hữu hiệu để đối phó với Trung Quốc.

Tình hình càng trở nên kịch tính hơn khi Trung Quốc gia tăng hiện diện và ảnh huởng trên Ấn Độ Dương với việc hình thành ‘chuỗi căn cứ ngọc trai’ nhằm khống chế Ấn Độ Dương vào bao vây Ấn Độ. Vì thế việc Ấn Độ vạch ra chiến lược ‘phá vây’ và tìm đối tác đồng minh ở Đông Nam Á nhằm đối trọng với Trung Quốc và ‘chia lửa’ với Ấn Độ có tầm quan trọng đặc biệt.  Không lên tiếng ồn ào như Mỹ, nhưng Ấn Độ đã vạch ra chính sách “hướng Đông” từ khá lâu. Chính sách này cho phép Ấn Độ ngầm thu hút và dần thiết lập ảnh hưởng đối với các quốc gia trong khu vực.

Biển Đông là một vùng biển rộng lớn mà nhiều nước phụ thuộc cho hoạt động thương mại trên biển cũng như việc qua lại của tàu thuyền. “Những nước nằm ngoài ASEAN có thể thách thức ý đồ bá chủ Biển Đông của Trung Quốc chủ yếu bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, các nước lớn ở châu Âu, Úc và Ấn Độ.” Đó là nhận định của vị tướng Ấn Độ (nghỉ hưu) Vinod Saighal . Ông cũng cho rằng, Mỹ và Ấn Độ đều tuyên bố công khai là có lợi ích về căn cứ hải quân ở miền Nam Việt Nam.

Đáng nói nhất là, trong những tháng gần đây, Ấn Độ đã đạt được những bước đột phá ấn tượng trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước ở khu vực Đông Nam Á. Danh sách các đồng minh trong khu vực của Ấn Độ gia tăng nhanh chóng. tháng 1 năm 2012, Ấn Độ và Philippines đã tổ chức Hội nghị hợp tác quốc phòng tại Manila, đẩy mạnh quan hệ trên lĩnh vực quân sự.

Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực không ai xa lạ với các đợt tập trận chung thường niên giữa Ấn Độ và Đảo quốc sư tử Singapore. Singapore và Ấn Độ vừa ký bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác quốc phòng ngày 13/2/2012 nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực như chính sách quốc phòng, giáo dục và đào tạo quân sự, nghiên cứu và phát triển, hậu cần.

Bên cạnh đó, tuy nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ còn khiêm tốn, nhưng Ấn Độ cũng giành được nhiều hợp đồng mua bán trang thiết bị quốc phòng cho các quốc gia trong khu vực khi các quốc gia Đông Nam Á tăng ngân sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội., trong đó tiêu biểu là Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Trong quan hệ với Việt Nam, Ấn Độ đã đạt được nhiều cam kết quan trọng với tư cách đối tác chiến lược của nhau.  Về vai trò của Việt Nam ở Đông Nam Á, Giáo sư Bharat Karnad (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi) cho rằng Ấn Độ xem Việt Nam “như tiền tuyến của Ấn Độ và do vậy, mang tầm quan trọng đặc biệt.”

Với hải quân Ấn Độ, việc được Việt Nam cho phép sử dụng cảng Nha Trang tại Biển Đông có ý nghĩa vô cùng to lớn về cả chính trị và quốc phòng. Cảng Nha Trang nằm cùng kinh độ với căn cứ của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.

Đây là một thông điệp với Trung Quốc rằng có nhiêù cuờng quốc cùng có quyền lợi tại Biển Đông, và vùng biển này không phải "ao nhà" của Trung Quốc. Sự kiện Trung Quốc hạch sách tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat (tàu này khi trên đường từ Nha Trang ra Hải Phòng đã bị Trung Quốc cảnh báo là vào vùng biển của nước họ - BBC) hồi tháng 7/2011 đã chứng tỏ hai điều.

Một là Ấn Độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị-quốc phòng để giúp Việt Nam tái khẳng định chủ quyền trong vùng biển của mình. Hai là Ấn Độ cũng sẵn sàng giúp củng cố nguyên tắc về tự do lưu thông hàng hải trong khu vực. Cũng theo BBC, hiện Delhi đang cân nhắc một cách tích cực yêu cầu cung cấp tên lửa hành trình Brahmos cho Hà Nội, và đây cũng là tín hiệu khiến Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc lại một lần nữa chính sách biển hung hăng của mình.

Lợi ích chiến lược của Liên minh Châu Âu - EU

EU có mối quan tâm lớn đến Biển Đông nói riêng và Đông Á nói chung ở hai khía cạnh là hoà bình an ninh và hợp tác kinh tế. Người ta tính rằng, sự đối đầu ở Đông Á sẽ ảnh hưởng lớn tới EU bởi lợi ích của 27 nước ở khu vực, với 18,1% xuất khẩu và 30,1% nhập khẩu.

Trên khía cạnh kinh tế, giữa EU và Nhật Bản, Hàn Quốc có quan hệ đầu tư và thuơng mại cũng rất lớn: 18,1% xuất khẩu của EU là tới Đông Á, trong khi toàn châu Á là 21,4%. EU nhập khẩu 30,1% hàng hóa từ Đông Á trong tổng số 34,3% từ châu Á. Qua đó cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau về thương mại giữa EU và Đông Á đã tạo cơ hội lớn, nhưng cũng rủi ro cao.

Với Trung Quốc, về mặt kinh tế, có thể thấy sự ràng buộc rất lớn giữa EU như là một khu vực đang phải đối diện với những khó khăn rất lớn, trong khi Trung Quốc lại là một thế lực kinh tế mới nổi, có dự trữ ngoại tệ rất lớn và một công xưởng sản xuất hàng hoá cho toàn thế giới. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa EU và Trung Quốc là khá lớn. Do đó, một trong những mục tiêu an ninh trong chính sách đối ngoại của EU là thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Đông Á.

Về mặt hoà bình và an ninh, mối quan ngại của EU chủ yếu xuất phát từ bản sắc của EU với tư cách là một khối cường quốc yêu chuộng hoà bình chuẩn mực. Vì thế, mặc dù làm ăn lớn với Trung Quốc, nhưng các nước EU vẫn nhìn Trung Quốc không chỉ là một thế lực hung hãn đang trỗi dậy, mà còn vì bản chất hệ giá trị tiêu cực mà nó theo đuổi: nền cai trị phi dân chủ với một chủ nghĩa tư bản hoang dã về bản chất luôn vi phạm các cam kết về an toàn thực phẩm cũng như về luật lệ quốc tế và về nhân quyền nói chung chỉ để thực hiện các tham vọng lợi ích của mình.

Do đó nếu các nước Chau Á tiến hành các cải cách kinh tế và chính trị theo hướng nhà nước pháp quyền và dân chủ thì EU sẵn sàng dành cho những ưu đãi và giúp đỡ. Myanmar với những cải cách được đầu hơn  một năm qua là một ví dụ tiêu biểu.

Hiện tại, Đông Á là khu vực của bất ổn do các quốc gia tăng cường trang bị vũ khí quân sự, và bất đồng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan, đe doạ của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và xung đột Nam Bắc Triều Tiên. Các tranh chấp ở các quần đảo giáp ranh giữa các nước Đông Bắc Á với nhau, trang chấp chủ quyền trên Biển Đông v.v... đèu đuợc EU quan tâm theo dõi với sự lo lắng sâu sắc.

Tuy nhiên, do EU không tập trung nỗ lực vào xây dựng lực lượng quân sự và phòng thủ riêng vì nằmchủ yếu trong khối NATO dưới sự chỉ huy của Mỹ, EU không thể có biện pháp quân sự và an ninh cụ thể để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Đông Á, và trước sau gì thì Châu Âu nối chung, cả EU và Nga, đều không can thiệp vào vấn đề Biển Đông, nhà nghiên cứu cứu Felix Seidler khẳng định.

Tuy vậy vấn đề an ninh khu vực Đông Á vẫn đặc biệt quan trọng với kinh tế EU và thế giới nói chung. Do đó, một khi xung đột xảy ra ở Biển Đông, rất có thể các quốc gia EU sẽ hành động đơn lẻ để duy trì luật pháp và trật tự, hoặc để đảm bảo an toàn hàng hải nhằm bảo vệ lợi ích thương mại ở khu vực này. Đồng thời, với tư cách toàn khối, EU có thể can dự thông qua NATO. Dù sao, cả Anh và Pháp vẫn có thể hành động riêng nếu đó thuộc về lợi ích của họ. Cả Anh và Pháp đều có lực lượng hải quân mạnh, bao gồm cả khả năng hai nước triển khai tàu sân bay.

Kết luận

Lợi ích của các cường quốc trên thế giới tại Biển Đông rất đa dạng, nhiều cấp độ, có sự khác biệt nhất định giữa họ với nhau và vì thế các chíhn sách của từng nước cũng khác nhau. Nhưng giữa các cường quốc vẫn có những lợi ích chung tạo nên tiếng nói chung trong kiến tạo hoà bình ở Biển Đông. Trong đó Trung Quốc là cường  quốc duy nhất có tham vọng bá chiếm lãnh thổ và tạo ra các xung đột đầy kịch tính ở khu vực.

Nguyên nhân chính khiến Trung Quốc ngày càng tự tin và mạnh bạo trong các hành động gây hấn với hai nước Việt Nam và Philippine và ngang nhiên thực hiện nhiều biện phaps chính sách khác, cả việc dùng sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm nhằm độc chiếm Biển Đông, là ở chỗ, các nước có tranh chấp với Trung Quốc và cả khối ASEAN đều không phải là đối thủ cân sức với Trung Quốc.

Hơn nữa thái độ thiếu quyết liệt và dứt khoát của một số cường quốc, kể cả Mỹ, thể hiện trong sự quá mềm mỏng với Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 17 tháng 11/2012 càng khiến Trung Quốc tự tin vào chiến lược độc chiếm Biển Đông của mình. Mối lo chính hiện nay của 4 nước ASEAN có tranh chấp trục tiếp với Trung Quốc chính là khả năng thoả hiệp của các nước lớn với Trung Quốc vì tầm nhìn thiển cận và lợi ích quốc gia cục bộ của họ.

Một số hoặc tất cả các nước lớn này có thể chấp nhận để Bắc Kinh khẳng định chủ quyền “của mình” đối với một phần lớn hay toàn bộ cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với điều kiện Trung Quốc bảo đảm Biển Đông sự tự do lưu thông trên các tuyến hàng hải ở Biển Đông.

Ý kiến của một học giả Australia gần đây về việc các cường quốc nên chấp nhận ảnh huởng độc tôn của Trung Quốc đối với bán đảo Đông Duơng là một hiện tượng ứao hiệu khuynh hướng đầy rủi ro này. Đây là một khuynh huớng bất lợi và nguy hiểm nhất cho các nước nhất là Việt Nam. Vấn đề khả năng thỏa hiệp của các nước lớn với Trung Quốc cần được giới nghiên cứu chiến lược và hoạch định chính sách nghiên cứu toàn diện và thận trọng nhất.

Tuy nhiên những chuyền động địa chiến lược từ đầu năm 2012 với tuyên bố ‘Trở lại Châu Á’ của Mỹ cho đến không khí của diễn đàn Shangri-La tại Singapore (6/2012) và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 17 tại Phnom Penh tháng 11/2012 đã cho thấy vẫn còn nhiều cơ hội cho các cơ chế hợp tác đa phương mới để tăng cường ổn định và thúc đẩy thương mại và an ninh chung ở Biển Đông.

Xu thế đa phương hoá, quốc tế hoá vấn đề Biển Đông là không thể đảo ngược cho dù nội bộ khối ASEAN hàm chứa không ít bất đồng giữa các nhóm nước có lợi ích khác nhau và sự can thiệp đầy thâm hiểm của Trung Quốc trong năm Campuchia làm chủ tịch luân phiên của ASEAN. Quan điẻm quốc tế hoá vấn đề Biển Đông đã đựoc Bộ truỏng ngoại giao Việt Nam tuyên bố rõ ràng sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh ASEAN 11/2012.

Các diễn biến gần đây xung quanh tranh chấp Biển Đông, quan điển của các quốc gia trước hết là của các chiến lược gia đều cho thấy Biển Đông là nơi đang tập trung những xung đột lớn nhất, nóng ổng nhất của thời đại và báo hiệu xu hướng xung đột chủ yếu trong tương lai của thế giới. 

Nơi đây - trung tâm dân số và tăng trưởng kinh tế của thế giới -  tập trung không chỉ các mâu thuẫn lợi ích địa chính trị, mà còn là xung đột về hệ giá trị, về các mô hình chính trị xã hội của các cường quốc thế giới, xung đột giữa toàn cầu hoá và khu vực hoá, giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế, giữa mở cửa và đóng cửa, giữa cần bằng và cực quyền…

Vì thế việc giải quyết các xung đột về chủ quyền và an ninh trên Biển Đông đòi hỏi nỗ lực lớn và kiên trì, chính sách kiên định và khôn ngoan của tất cả các bên. Trong đó việc lựa chọn chiến lược và chính sách của Việt Nam trong quan hệ quốc tế cần phải kết hợp và trên hết dựa vào tăng cường nội lực của dân tộc là yếu tố quyết định.