Hiện nay mưa to kéo dài vẫn đang tiếp tục xảy ra khiến lũ ở các sông, suối trên địa bàn 2 tỉnh này vẫn đang tiếp tục lên nhanh, dự báo nhiều nguy cơ, diễn biến khó lường trước được trong những ngày tới.

Lũ lên nhanh, người dân vùng hạ du Kẻ Gỗ cầu cứu

Nước lũ tại các huyện vùng hạ du Kẻ Gỗ đang lên rất nhanh, nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước, mạng xã hội tràn lan những dòng cầu cứu của người dân.

Rạng sáng ngày 19/10, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh phát tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng khu vực Hà Tĩnh. Theo dự báo, trong 6 giờ qua (từ 22 giờ đêm 18.10 - 4 giờ sáng 19.10), khu vực Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi đặc biệt to, lượng mưa phổ biến từ 14 - 92 mm. Riêng khu vực TP.Hà Tĩnh có mưa đặc biệt to, lượng mưa phổ biến từ 111 - 173 mm

Dự báo trong 6 giờ tới, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to, vùng đô thị, vùng đồng bằng ven biển như TP.Hà Tĩnh và các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… tiếp tục có mưa rất to, lượng mưa dao động từ 70 - 150 mm. Vùng núi lượng mưa khả năng ở mức 50 - 100 mm.

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương ở Hà Tĩnh bị ngập sâu trên diện rộng

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương ở Hà Tĩnh bị ngập sâu trên diện rộng

Tại TP Hà Tĩnh và các huyện lân cận như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà… mưa liên lục đổ xuống trong nhiều ngày. Lượng mưa lớn cộng với hồ thủy lợi Kẻ Gỗ xả lũ liên tục đã nhấn chìm nhiều xã vùng hạ du nhà dân trên diện rộng.

Hiện hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) đang xả lũ với lưu lượng 850m3/s và nhiều khả năng sẽ phải tăng lên đến hơn 1.000m3/s ngay trong ngày hôm nay (19/10).

Mưa lớn kèm theo việc hồ Kẻ Gỗ xả lũ đã khiến mực nước tăng lên nhanh chóng (nước lũ lên nhanh vượt mốc đỉnh lũ lịch sử 2010), nhấn chìm hàng trăm hộ dân.

Mực nước đến thời điểm hiện tại đã vượt đỉnh lũ năm 2010, nhiều khả năng sẽ lên cao nữa. Người dân vùng hạ du Kẻ Gỗ thức trắng đêm canh nước lũ, nhiều nhà liên tục dời dọn người và tài sản lên chỗ cao hơn, mạng xã hội cũng tràn lan những dòng trạng thái cầu cứu của người dân.

Hiện nay, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang khẩn trương di dời 15.000 hộ dân vùng hạ du Kẻ Gỗ gồm Cẩm Xuyên, Thạch Hà và tp Hà Tĩnh.

Tại huyện Hương Khê, sau khi phát hiện vết nứt kéo dài hàng chục mét sau vách núi thuộc địa bàn xã Hương Liên, chính quyền huyện này đã khẩn trương cho di dời người dân sinh sống phía dưới chân núi đến nơi an toàn.

Nhiều tuyến giao thông bị tê liệt

Trước tình hình mưa lũ kéo dài trong suốt những ngày qua, tại địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra hiện tượng ngập lụt, nhiều tuyến giao thông bị tê liệt, đe dọa tới tính mạng của người dân…

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ hủy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An vào cuối giờ chiều 18/10, trên địa bàn đã có 2 người mất tích do mưa lũ là ông Lê Minh Sơn (SN 1978) trú tại xã Thanh Thủy và Nguyễn Trọng Hòa (SN 1992) trú tại xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương đến sáng 19/10 vẫn chưa tìm thấy.

Trên tuyến Quốc lộ 7, tại km 110+850 đi qua bản Bòng, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đã xảy ra tình trạng sạt lở núi và trên dốc Chuối tại Km 264+700 trên Quốc lộ 16, thuộc địa bàn xã Châu Kim, huyện Quế Phong cũng đang xuất hiện một vết sụt lún đường nghiêm trọng.

Ông Hoàng Mạnh Hùng - Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Châu Kim (Nghệ An) cho biết, hiện tượng sụt lún 25-50cm với chiều dài gần 100m trên dốc Chuối, QL 16 đã gây khó khăn cho phương tiện giao thông đi lại. Hiện nay đơn vị cũng đã đặt biển báo nguy hiểm và lên các phương án khắc phục sớm nhất.

Đến cuối giờ trưa nay (19/10), tình trạng mưa lớn vẫn chưa có dấu hiệu dứt khiến cuộc sống của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn

Đến cuối giờ trưa nay (19/10), tình trạng mưa lớn vẫn chưa có dấu hiệu dứt khiến cuộc sống của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn

Còn các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn Nghệ An cũng đã bắt đầu tiến hành xả lũ từ chiều 18/10.

Cụ thể, từ 15 giờ ngày 18/10, nhà máy thủy điện Khe Bố sẽ xả lũ với tổng lưu lượng khoảng 500 - 1000 m3/s; Từ 11 giờ ngày 18/10, Nhà máy Thủy điện Bản Ang, huyện Tương Dương (Nghệ An) xả lũ với lưu lượng 200 - 500 m3/s; Từ 16 giờ ngày 18/11, Công ty TNHH thủy lợi Phủ Quỳ đã tiến hành xả lũ hồ chứa sông Sào, xả lũ với tổng lưu lượng khoảng 50 m3/s.

Từ chiều 18/10, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An có công điện khẩn số 01-CĐ/TU gửi Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc chỉ đạo hệ thống chính trị và các lực lượng vào cuộc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, tránh và khắc phục hậu quả lũ lụt.

Triển khai biện pháp cảnh báo ở các điểm giao thông bị ngập lũ, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua địa điểm nguy hiểm.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt trên địa bàn phụ trách.

Tình trạng mưa lớn kéo dài trên diện rộng vẫn đang xảy ra trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh từ chiều tối 18/10 đến cuối giờ trưa 19/10 vẫn chưa dứt khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu, vùng trung du, hạ lưu các sông ngòi đang bị nước lũ dâng cao từng giờ đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.