Nhưng sau 15 năm lèo lái, vượt qua sự bụi bặm và cạnh tranh khốc liệt trong ngành, bà Liễu đã trở thành “nữ tướng ngành gỗ” mạnh mẽ và quyết đoán.

Người Gỗ Đức Thành gọi bà là linh hồn, là người tập hợp lực lượng cũng như có tầm nhìn xa và luôn đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong từng giai đoạn để giữ vững sự tăng trưởng.

Quyết tâm giữ lao động

Là người luôn trọng thị người lao động và biết động viên để họ làm việc hết lòng, bà Liễu luôn quan niệm “vì tôi thương họ và họ cũng thương tôi”. Và theo bà đó là quy luật, có nhân có quả, có vay có trả, mà bà đã áp dụng vào doanh nghiệp của mình từ trước cho đến nay, và chắc chắn cả từ nay trở về sau.

Điều này càng thể hiện rõ hơn trong đợt dịch lần thứ tư vừa qua. Nhớ lại thời điểm tháng 7/2021, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sự vận hành của các nhà máy. Đứng giữa sự lựa chọn khách hàng hay sức khỏe của hơn 1.000 người lao động, cân nhắc việc tiếp tục sản xuất để duy trì được doanh số và quan hệ tốt với khách hàng, tận hưởng lợi ích đồng nghĩa với việc bất chấp hoạt động trong điều kiện không đủ an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, Gỗ Đức Thành đã lựa chọn dừng hoạt động, chấp nhận hy sinh lợi nhuận, khách hàng nếu có mất. "Quyết định ngừng hoạt động là một quyết định không hề dễ dàng", bà Liễu nói.

Năm 2021, thương hiệu đồ gia dụng, nhà bếp, đồ chơi trẻ em của Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành đến với dấu mốc năm thứ 30 và có mặt ở hơn 50 quốc gia.

Hồi dịch tháng 4 năm ngoái, công ty cũng quyết định dừng hoạt động 2 tuần để bảo toàn người lao động. Bởi theo người đứng đầu công ty, mất khách vẫn có thể tìm lại được, mất doanh số có thể tìm doanh số khác, hoặc có thể chấp nhận lợi nhuận ít lại nhưng nếu để mất con người, mất cái tình với nhau thì rất khó tìm lại được.

"Đó là văn hóa của công ty từ trước đến nay, mà cũng vừa phù hợp với nhận định của thị trường rằng nếu không quan tâm, chăm sóc cho lực lượng lao động thì khi hết dịch bệnh công ty cũng sẽ không thể sản xuất trở lại vì thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề", bà Liễu chia sẻ.

Tận dụng lợi thế để “một mình một chợ”

Nói về sản phẩm chủ lực của Gỗ Đức Thành, bà Liễu chia sẻ, công ty chuyên sản xuất những vật dụng nho nhỏ, nhưng thiết yếu trong nhà và trong bếp mà người tiêu dùng cần thường xuyên thay đổi và không tốn quá nhiều tiền như cái thớt, cái rế... Tuy nhiên, để được khách hàng tin dùng, sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gỗ Đức Thành đã theo đuổi và bảo vệ chiến lược riêng biệt hóa sản phẩm từ những năm 90 của thế kỷ trước. Cách tạo dựng uy tín với khách hàng của Gỗ Đức Thành cũng thật đặc biệt. “Trong 30 năm làm kinh doanh, tôi chưa phải nói lời xin lỗi với bất kỳ đối tác nào”, bà Liễu chia sẻ. Bởi theo bà, làm sai một lần sẽ không bao giờ có cơ hội làm lại.

Công ty cũng có thế mạnh trong sản xuất đồ chơi trẻ em bằng gỗ - một mảng hầu như không có doanh nghiệp nào dám động đến vì quá chi tiết, lại đòi hỏi tiêu chuẩn cao về an toàn, chưa kể phải mang tính giáo dục, phải đa dạng phong phú…. Việc quản lý, tổ chức sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm từ đồ nhà bếp đến đồ chơi trẻ em đều vô cùng phức tạp và tỉ mỉ. Chính vì chọn một chủng loại sản phẩm không hề dễ để tổ chức sản xuất nhưng lại thiết yếu cho đời sống nên gần như Gỗ Đức Thành có rất ít đối thủ cạnh tranh.

Phụ nữ với một trái tim nhân hậu, đầy lòng trắc ẩn của một người mẹ, và họ thường là người khởi xướng các xu thế kinh doanh nhân văn. Đồ chơi trẻ em của Gỗ Đức Thành cũng vậy, được sinh ra từ lòng trắc ẩn của một người mẹ.

“Từ trước đến giờ, tôi vốn không thích chạy theo đám đông mà thích tìm những cái gì riêng cho mình. Thời gian đầu, lựa chọn loại hình sản phẩm này có thể là mạo hiểm khi tìm cho mình một ngách riêng nhưng đến nay sau gần 30 năm mới thấy quyết định đó lại hoàn toàn đúng đắn”, bà Liễu nói.