>> LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI: Băn khoăn cơ chế tự thỏa thuận về đất đai

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) 

Đó là một trong những kiến nghị của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) tại phiên họp ngày 14/11.

Ông Thịnh cho biết: "Đây chắc chắn sẽ là xu thế bắt buộc nếu Nhà nước muốn đạt được mục tiêu đưa đất đai trở lại vai trò chính là tư liệu sản xuất mà không phải là hàng hóa đầu cơ ưa thích, liên tục tăng giá hàng thập kỷ và mục tiêu đảm bảo đáp ứng được chỗ ở cho mọi người dân phù hợp với mức thu nhập của mình".

Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh cũng kiến nghị hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cụ thể, ông Phạm Văn Thịnh cho rằng thực tiễn cho thấy việc duy trì cơ chế thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người có đất nông nghiệp mà nhà nước thu hồi với người được thỏa thuận, giữa những người có đất trong cùng một dự án thỏa thuận.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, cơ chế này cũng khiến cho các dự án thuộc diện thỏa thuận không có thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng, khiến nhiều dự án dở dang, bỏ đất hoang hóa, ảnh hưởng rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước.

Không những vậy, cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội như khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án lợi ích quốc gia thì giá thấp hơn hàng chục, thậm chí đến trăm lần so với dự án thỏa thuận hoặc người đồng ý chuyển nhượng sau cùng lại là người được nhận giá trị thỏa thuận cao hơn những người đồng ý trước.

>> GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: 7 giải pháp gỡ khó trong thu hồi đất

Cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội 

Theo vị đại biểu, việc hạn chế các dự án thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất và mở rộng cơ chế thỏa thuận chắc chắn sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước, giảm hiệu quả sử dụng đất.

Do đó, ông Thịnh đề nghị không chỉ danh mục các dự án nêu tại Điều 86 trong dự thảo mà toàn bộ nội dung của Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 cần được giữ nguyên và bổ sung thêm, trong đó có các dự án kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa.

Ngoài ra, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận theo Luật Đất đai năm 2013, ông Phạm Văn Thịnh đã đề nghị dự thảo bổ sung thêm trường hợp nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt 80% về diện tích.

"Điều này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XIII đã khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước làm đại diện", ông Thịnh cho biết.

Vị đại biểu cũng bổ sung các góp ý về vấn đề điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, quy định như điểm a, b, khoản 1 Điều 61 thì chưa phù hợp với các tỉnh, đô thị mới bước vào giai đoạn đầu phát triển.

Phân tích rõ hơn, ông Thịnh cho biết quy hoạch đô thị có tầm nhìn 10 năm, 20 năm, nên tại thời điểm triển khai dự án thì khu vực quy hoạch có hiện trạng là địa bàn nông thôn, nếu bắt xây nhà 100% mới đủ điều kiện chuyển nhượng sẽ rất khó khăn trong thu hút đầu tư hạ tầng đô thị, lãng phí nguồn lực xã hội.

Do đó, có thể quy định mềm hơn, theo hướng yêu cầu xây thô một tỷ lệ nhất định, khoảng 10% đến 20% số lô đất ở của dự án nằm trên các trục tuyến đường chính khu đô thị, khu dân cư theo quy hoạch là phù hợp.