>> Yếu tố nào tác động đến nợ xấu toàn ngành ngân hàng năm 2022?

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường: Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để hoạt động xử lý nợ xấu đạt được hiệu quả cao hơn. Trong đó cần thiết phải Luật hoá Nghị quyết 42, chuyển từ thí điểm thành luật về thu hồi nợ xấu.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm phần trăm so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm phần trăm so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%.

Ông Cường cho biết, Nghị quyết 42 đã triển khai được hơn 4 năm, các giải pháp nêu tại Nghị quyết đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Tác động rõ nét nhất là tỷ lệ thu hồi nợ xấu của ngân hàng tăng lên rõ rệt. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 293,88 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012-2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực).

Ông Cường cho hay trước khi có dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống. Một phần do ngân hàng tiến hành tổ chức thu hồi nợ nhanh hơn nhờ vào những chính sách của Nghị quyết 42, nhưng mặt khác, bản thân người vay nợ khi thấy Nghị quyết 42 có hiệu lực thì tăng tính tự giác trong việc trả nợ, không chờ ngân hàng thực hiện các biện pháp cứng rắn.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 chỉ mang tính thí điểm, có hiệu lực trong 5 năm, một số người vay nợ sẽ nghĩ sau 5 năm hết hiệu lực nên cố tình kéo dài thời gian trả nợ, kỳ vọng rằng hết hiệu lực sẽ không phải chịu tác động của nghị quyết này nữa.

Ông Cường cho biết trong quá trình giám sát việc triển khai Nghị quyết số 42 cũng nhận được những phản ánh của các tổ chức tổ tín dụng về những khó khăn gặp phải trong công tác thu hồi nợ xấu.

Chẳng hạn, trong Nghị quyết 42 quy định rất rõ về hợp đồng vay nợ phải có điều khoản về thu nợ nếu không trả. Tuy nhiên, trước khi có Nghị quyết 42 thì đôi khi hợp đồng tín dụng không đưa điều khoản này vào. Như vậy, sẽ không thể áp dụng Nghị quyết 42.

Hoặc Nghị quyết 42 yêu cầu trong quá trình thu nợ phải có sự tham gia của các bên như công an hay thực hiện các thủ tục xử lý rút gọn của tòa án. Tuy nhiên với những cơ quan này, việc ban hành biện pháp chỉ đạo cho thực hiện các biện pháp hỗ trợ, thủ tục xét xử của Tòa án cũng chậm và chưa rõ được trách nhiệm.

“Đó là những điểm tôi cho là chưa được thống nhất trong Nghị quyết 42. Tôi hy vọng tới đây chúng ta có thay đổi, phải đồng bộ hóa các quy định đó”, ông Cường nói.

>> Những biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu từ NHNN và Chính phủ

Ông Hoàng Văn Cường cho biết gần đây nợ xấu có tăng lên. Nguyên nhân là do việc tác động của đại dịch nên phải giãn các hoạt động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí là phá sản. Như vậy, đương những khoản được giãn hoãn đó mà doanh nghiệp rơi vào phá sản sẽ dẫn đến nợ xấu. Như vậy, tác động của đại dịch sẽ khiến nguy cơ nợ xấu của ngân hàng tăng lên.

Ngoài ra Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành, trong đó có chính sách về cho vay ưu đãi được hỗ trợ 2% lãi suất. Như vậy, mức dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng lên, độ phủ rộng. Đây cũng là yếu tố có nguy cơ gây ra những khoản vay nợ có thể rơi vào tình trạng nợ xấu.

“Như vậy, có thể thấy tác động của đại dịch cũng như các chính sách ứng phó với đại dịch giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhưng cũng đang có nguy cơ làm cho nợ xấu tăng lên. Chính vì vậy, việc chúng ta cần phải luật hóa Nghị quyết 42 trở thành luật chính thức để hạn chế nợ xấu, đây là việc hết sức cấp bách”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, trước đây, khi thực hiện thí điểm, hầu như Nghị quyết 42 không mang lại tác động xấu cho ngành ngân hàng, không làm tác động xấu cho các doanh nghiệp. Vì chưa luật hóa nên nó chưa phát huy hết tác dụng.

“Nếu chúng ta thực hiện luật hóa Nghị quyết 42 thì chắc chắn sẽ đồng bộ hóa hơn các quy định pháp luật, chúng ta sẽ bảo đảm rằng việc thu hồi nợ xấu sẽ diễn ra một cách hiệu quả hơn. Và đặc biệt, tránh tâm lý của người đi vay, không thể ỷ lại, tìm cách lẩn tránh trả nợ nếu điều kiện trả nợ đã được quy định trong các quy định của luật pháp.

Tôi cũng kỳ vọng, nếu chúng ta thực hiện được luật hóa này thì không chỉ làm giảm nợ xấu mà còn giúp ngân hàng yên tâm thực hiện chính sách cho vay, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất và tăng khoản tín dụng cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch”, ông Cường nêu.

Như vậy, theo ông Hoàng Văn Cường, để việc thu hồi nợ xấu trong thời gian tới có hiệu quả, cần tiếp tục sử dụng những quy định còn hiệu lực trong Nghị quyết 42. Tới đây, cần có chuẩn bị để chuyển từ thí điểm thành luật về thu hồi nợ xấu.

Tiếp theo, cần phải có những biện pháp quản lý dòng tiền khi các ngân hàng, quỹ tín dụng cho các doanh nghiệp vay để bảo đảm rằng những dòng tiền đó ngân hàng kiểm soát được. Khi những doanh nghiệp dùng dòng tiền đó tạo ra sản phẩm để tiêu thụ thì dòng tiền vào ngân hàng quản lý được và thu hồi được ngay, cũng tránh tình trạng nợ xấu tăng lên.