Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư không đủ mạnh hay cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa thực sự hấp dẫn những nhà đầu tư lớn?

p/Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh: MẬU TRƯỜNG

“Đáp án” nào cho 8 dự án?

Tính toán của Bộ GTVT, việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cầu cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Nếu toàn bộ 8 đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam được chuyển từ kêu gọi đầu tư BOT sang đầu tư công sẽ giảm từ 118.716 tỉ đồng theo phương án đầu tư BOT xuống còn khoảng 99.493 tỉ đồng nếu đầu tư công, tức tương ứng giảm khoảng 19.223 tỉ đồng. Như vậy, việc chuyển sang đầu tư công sẽ tiết kiệm được phần chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng (so với đầu tư BOT), giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện…

 Cho ý kiến về đề xuất của Bộ GTVT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với phương án chuyển đổi đầu tư cả 8 dự án thành phần theo hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công.

Dù được coi là giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện tại nhưng theo thẩm tra đề xuất chuyển đổi của Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội vẫn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất của Chính phủ vì theo báo cáo của Bộ GTVT. Loại ý kiến thứ 2 không tán thành điều chỉnh nêu khá nhiều lý do. Trong đó có nhấn mạnh nếu dừng triển khai theo hình thức PPP chuyển sang đầu tư công sẽ không thực hiện được chủ trương lớn của Đảng và nhà nước là huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông…

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng: Trường hợp cần thiết, cân nhắc xem xét lựa chọn một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công nhằm vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án, vừa giảm bớt áp lực về huy động vốn cho các dự án PPP còn lại. Việc này cũng đồng thời bảo đảm tuân thủ quy định tại Luật Đầu tư công khi Quốc hội quyết định bố trí vốn bổ sung cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025 không quá 11.000 tỷ đồng (tương ứng không quá 20% của 55.000 tỷ đồng đã phân bổ cho Dự án), giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư đã tham gia sơ tuyển.

“Mở đường” cho nhà đầu tư

Một trong những lý do quan trọng cần chuyển đổi 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công 100% đã được Chính phủ nêu nhiều lần trong thời gian gần đây là việc các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển không có thế mạnh về tài chính và khả năng huy động vốn tín dụng.

Câu hỏi đặt ra là thực sự các nhà đầu tư không đủ mạnh hay chưa có những cơ chế chính sách phù hợp để thu hút những nhà đầu tư mạnh. Trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật về PPP) sắp được Quốc hội xem xét, thông qua, tại cuộc hội thảo về đầu tư theo phương thức đối tác công tư mới đây, một trong những quan ngại lớn nhất được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đưa ra là thay đổi pháp luật gây rủi ro cho dự án PPP.

Theo ông Phạm Ngọc Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội: Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá các điều kiện của Dự thảo Luật về PPP quá chặt, mang tính thuận lợi hơn cho khu vực công, khu vực tư nhân bị áp dụng nhiều điều kiện hơn và có một số điều kiện để được chia sẻ giảm thu sẽ khó có thể chứng minh được trên thực tế…

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật PPP và thảo luận về đề xuất chuyển đổi 8 đoạn dự án cao tốc Bắc-Nam từ đầu tư BOT sang đầu tư công. Rất có thể, một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công. Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi, về lâu dài, khi coi phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá, thì cũng phải có đột phá tư duy xây dựng Luật về PPP để thu hút tư nhân trong thời gian tới. Nói cách khác, việc có thu hút được nhà đầu tư mạnh về tài chính và khả năng huy động vốn tín dụng hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng “hoá giải” các vướng mắc của nhà đầu tư trong Luật về PPP.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:

Một số vấn đề để thực thi hiệu quả như giải quyết được các khoảng trống về pháp luật để đưa Luật vào thực tiễn; cần đảm bảo cơ chế 1 cửa cho nhà đầu tư; tối thiểu hóa việc tham chiếu đến các luật khác, nếu có tham chiếu thì Luật cần quy định trực tiếp, cụ thể; phân bổ rủi ro cho bên có khả năng quản lý tốt nhất. Với tính đa dạng của PPP, Luật cần soạn thảo ở mức tổng quan, có khả năng linh hoạt ở Nghị định hướng dẫn của Chính phủ…

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam:

Việc thực thi quyền của nhà đầu tư tư nhân theo hợp đồng dự án PPP có khả năng gặp nhiều trở ngại do những thay đổi của luật pháp trong tương lai, các loại giấy phép phát sinh và văn bản hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành sau khi ký kết hợp đồng. Theo đại diện các tổ chức này, cần nêu rõ trong Luật về PPP quy định hợp đồng PPP được ưu tiên áp dụng khi có những thay đổi về pháp lý.

Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI):

Đối với các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty của Nhật Bản, để tham gia vào dự án PPP ở Việt Nam, điều quan trọng là phải làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư, và các tổ chức tài chính sao cho không để xảy ra những rủi ro không đáng có cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính. Trừ phi điểm này được làm sáng tỏ, ngay cả khi luật PPP được ban hành tại Việt Nam, sẽ khó để các công ty nước ngoài tham gia vào các dự án PPP.

Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam:

Vốn đầu tư công của dự án PPP phụ thuộc vào cấu trúc tài chính và các rủi ro của dự án, và do vốn đầu tư công chỉ được quyết định sau khi nhà đầu tư được lựa chọn nên phải mất một thời gian dài để đảm bảo ngân sách cho hỗ trợ từ Chính phủ theo quy trình hiện tại của Chính phủ Việt Nam, điều này có thể kéo dài thời gian trong việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.