>>>Lùi tăng lương tối thiểu vùng 2022: Lợi đơn hay thiệt kép?

LTS: Sau khi 8 hiệp hội ngành hàng cùng kiến nghị các cấp ngành lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng theo kết quả phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022 sang ngày 1/1/2023, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan tới thời điểm tăng lương.

Mức lương tối thiểu vùng tăng 6% có thể áp dụng từ đầu năm 2023 thì phù hợp hơn

Doanh nghiệp cho rằng mức lương tối thiểu vùng tăng 6% có thể áp dụng từ đầu năm 2023 thì phù hợp hơn.

Cuộc tranh luận về lương tối thiểu vùng luôn là đề tài thu hút dư luận mỗi “mùa đàm phán tiền lương”. Trong khi ý kiến đại diện người lao động cho rằng không thể trì hoãn thêm việc tăng lương tối thiểu thì phía đại diện giới sử dụng lao động lại bày tỏ nhiều quan ngại khi thời gian áp dụng quá gần.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công nhận việc tăng lương sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, với cơ chế kinh tế thị trường và điều kiện cung - cầu lao động hiện nay, doanh nghiệp muốn duy trì chính sách tiền lương thấp thì doanh nghiệp đó "khó tồn tại" và đứng trước nguy cơ "tự đào thải".

"Tăng lương giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thu hút lao động, động viên lao động gắn bó tốt hơn với người sử dụng lao động", ông Quảng nhấn mạnh. Cũng theo vị đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đáng lẽ việc tăng lương tối thiểu vùng đã phải thực hiện từ 1/1/2021, nhưng do dịch COVID-19 nên lùi lại để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

>>>Lùi tăng lương tối thiểu vùng 2022: Doanh nghiệp “khó trăm bề”

>>>Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng

Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện các bên liên quan và chuyên gia đều đồng thuận cần tăng lương tối thiểu vùng sau gần 2 năm chưa tăng, chỉ còn chuyện tăng từ thời điểm nào cho phù hợp. Thời điểm áp dụng quy định mới này cần được cân nhắc phù hợp với hoàn cảnh thực tế của doanh nghiệp và người lao động, để đáp ứng nhu cầu của cả hai bên.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp mới phục hồi sau dịch nên còn khó khăn, vì vậy tăng lương tối thiểu vùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của họ. Đối với các đơn vị quy mô vài ngàn công nhân sẽ tốn thêm vài tỉ đồng cho các khoản phí, bảo hiểm. Đối với các công ty có vài chục ngàn lao động thì tốn thêm vài chục tỉ đồng mỗi năm.

“Đồng tình mức lương tối thiểu vùng cần phải tăng để đảm bảo thu nhập của người lao động nhưng cần phải có thông báo từ sớm cho doanh nghiệp chuẩn bị. Hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, các hợp đồng đã ký, thậm chí hết năm mà áp dụng cận quá thì chưa hợp lý. Mức lương tối thiểu vùng tăng 6% có thể áp dụng từ đầu năm 2023 thì phù hợp hơn”, ông Hưng nêu quan điểm.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các hiệp hội doanh nghiệp có quyền kiến nghị, song phương án đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định dựa trên số phiếu của đông đảo thành viên. Việc còn lại là sớm trình Chính phủ thông qua. 

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, doanh nghiệp cần khắc phục khó khăn trước mắt để chuẩn bị cho thời điểm tăng lương từ 1/7/2022, bởi đây cũng là cách giữ chân lao động ở lại nhà máy trong bối cảnh thiếu hụt nhân công. Tăng "phá lệ" từ ngày 1/7/2022 khiến doanh nghiệp xáo trộn kế hoạch ban đầu, nhưng về lâu dài lại hưởng lợi hơn.

"Với đà này, chắc chắn trượt giá của năm 2023 cao hơn năm nay, trong khi tiền lương lại giữ ổn định 6% tới hết năm sau thì doanh nghiệp lợi nhiều hơn hại", ông Lợi phân tích. Đồng thời nhận định thêm rằng tăng lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện tại mới phần nào bù đắp trượt giá hai năm và thực tế tiền lương tăng thêm không đáng là bao.