Sáng nay (ngày 5/8), Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp thứ hai về lương tối thiểu vùng năm 2021. Trước đó, tại phiên họp lần 1 Hội đồng thống nhất cao chưa xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021 mà chờ theo dõi, đánh giá thêm tình hình doanh nghiệp và người lao động những tháng tiếp theo.

Những doanh nghiệp lớn như các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho biết đang phải thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã phải thu hẹp sản xuất thời gian vừa qua. Bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp lo ngại đã tới, đó chính là “cơn sóng” lần 2 của đại dịch COVID-19.

“Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục suy thoái kéo theo tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt sụt giảm mạnh khi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh ở các thị trường. Do đó, cần có đánh giá sâu sát hơn tình hình kinh tế thế giới”, bà Huyền nhấn mạnh,

Trong khi đó, trên thực tế, theo khảo sát của JCCI, doanh nghiệp đang trả lương cho lao động cao hơn rất nhiều so với lương tối thiểu vùng, có những doanh nghiệp đang để mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng tới 50 - 60% (khoảng 2-3 triệu đồng). Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng tăng lương 6 tháng/lần cho lao động. Nhưng mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng mà lao động không thấy tăng lương sẽ đình công. Do đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng không cần và không nên được thực hiện hàng năm khiến doanh nghiệp bị kéo theo nhiều biến động, phát sinh thủ tục hành chính và chi phí. 

“Đặc biệt, phải nhìn vào mặt bằng chung là doanh nghiệp đang rất khó khăn, chứ nhìn vào một số doanh nghiệp lớn để áp tăng lương tối thiểu vùng cho các doanh nghiệp là không hợp lý”, đại diện JCCI nhấn mạnh.

Không riêng với các doanh nghiệp Nhật Bản hay một lĩnh vực ngành nghề nào, “cơn bão” COVID-19 đã trở thành cơn bão lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử càn quét mọi ngành kinh tế.

Báo cáo của Tổng cục thống kê về kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của và bản tin TTLĐ quý I/2020 Bộ LĐTBXH cho thấy, có tới 85,7% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao.

Điều này có thể lý giải, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Nhóm doanh nghiệp lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là 89,7%; và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ doanh nghiệp) là 82,1%.

Đặc biệt, tác động của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả về nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đơn hàng xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dự báo quý II/2020, GDP tăng ở mức thấp, khoảng 2-3,5%. Doanh nghiệp trong nhiều ngành, nghề vẫn vị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp có thể có mức tăng trưởng âm; kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Do vậy, lao động trong nhiều ngành nghề  tiếp tục gặp khó khăn, không tạo được việc làm và mất việc làm có thể xảy ra.

Trong khi đó, các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chưa thực sự đi vào đời sống và phát huy hiệu quả. Cụ thể, theo nhiều doanh nghiệp phản ánh, cũng còn một số nội dung, tiêu chí, điều kiện hưởng trong lĩnh vực tiền lương, BHXH và kinh phí công đoàn chưa phù hợp thực tế, doanh nghiệp khó tiếp cận.  

Tính đến ngày 10/6, Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp nhận 661 hồ sơ của 227 doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính xin vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ có 9 hồ sơ được duyệt, 597 hồ sơ bị từ chối do không đủ điều kiện, số còn lại đang được xử lý.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin.