Lãi suất huy động tăng sẽ tác động thế nào đến nhu cầu vốn của doanh nghiệp

Theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát hành trái phiếu từ 1/2/2019.

Một yếu tố tác động đến mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua là việc NHNN siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% từ đầu năm 2019. Theo đó, các ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để huy động được vốn trung, dài hạn nhằm cân đối lại nguồn vốn, đáp ứng quy định trên. Mặt bằng lãi suất huy động trong năm 2019 được dự báo sẽ tăng khoảng 0,75%, điều này sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng lên tương ứng.

Công ty Chứng khoán VN Direct nhận định, NHNN đang có xu hướng thặt chắt chính sách tiền tệ, và các mức lãi suất cơ bản sẽ tăng lên trong năm 2019. Ngoài việc siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài và trung hạn kể từ năm 2019, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04 để kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng nhằm ngăn chặn rủi ro gia tăng.

VN Direct ước tính, lãi suất cơ bản sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong năm 2019, nâng mức lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lần lượt lên 4,75%/năm và 6,75%/năm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện vốn doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng, với 80% nguồn tín dụng cho doanh nghiệp đến từ ngân hàng thương mại. Trong khi đó, thị trường chứng khoán chỉ cung ứng 20% vốn cho các doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn khác so với các nước trên thế giới. Đó cũng là lý do vì sao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng Việt Nam luôn ở mức cao, với 15 - 16% mỗi năm.

Để giảm bớt phụ thuộc vào vốn ngân hàng và giảm thiểu rủi ro do lãi suất cho vay tăng, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nghiên cứu chuyển mạnh sang huy động vốn bằng cách hình thức khác, chẳng hạn như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu, thuê tài chính...  

Theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/2/2019 vừa được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 1 năm trở lên kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ được phát hành trái phiếu. Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

Với những quy định mới tích cực, dù Nghị định 163 còn gần 2 tháng nữa mới bắt đầu có hiệu lực, nhưng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tính toán đến việc đưa hoạt động huy động vốn bằng phát hành chứng khoán nợ vào kế hoạch ở mùa đại hội cổ đông thường niên tới đây.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 163 là bước đi cần thiết để hoàn thiện dần hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển, đặc biệt là thị trường trái phiếu thứ cấp với sự tham gia của doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực cho hệ thống các tổ chức tín dụng.