>> Việt Nam - Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Một sản phẩm đã tồn tại trên thị trường Việt nhưng mong muốn được nhiều người biết đến hơn nữa. Đây là điều trăn trở khiến doanh nghiệp nuôi giấc mơ về một công nghệ tốt hơn, nhu cầu đổi mới sáng tạo cho sản phẩm để có chỗ đứng trên thị trường trong nước và vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.

Câu chuyện để suy ngẫm

Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Minh Long, Đồng trưởng làng Sáng chế và DN Đổi mới KHCN Techfest đã chia sẻ rằng, để có được một chiếc nồi sứ dưỡng sinh sốc nhiệt được 800 độ (trong khi thế giới chỉ làm được nồi gốm 650 độ) Minh Long đã mất gần 20 năm nghiên cứu và đổi mới công nghệ.

Mình Long làm được nhiều thứ quan trọng hơn nữa là sản phẩm không bị bể (vỡ) không bị rạn men. Trước nay, cơm niêu nấu trên nồi đất là ngon nhất, nhưng nồi đất dễ bể vì độ sốc nhiệt thấp. Còn nồi gốm 650 độ không vỡ, trên thế giới chưa có hãng nào cam kết quá 4 tháng.

Minh Long làm được điều khác quan trọng hơn, độ sốc nhiệt đó làm cho sản phẩm không bị vỡ và không bị rạn men. Nồi sứ Minh Long không chỉ đạt độ sốc nhiệt, còn được mệnh danh là nồi sứ trên thế giới nấu không nước, mang lại hàm lượng dinh dưỡng gấp đôi so với luộc có nước, giúp nâng cao hệ miễn dịch và tốt cho sức khỏe. Nó cũng ghi nhận sự kiên trì nghiên cứu, không ngừng sáng tạo của ông Lý Ngọc Minh. Có lần vừa xuống máy bay sau chuyến công tác, nghe tin chiếc nồi dưỡng sinh đã hoàn thành, ông lập tức đến thẳng nhà xưởng.

Hiện tại, thương hiệu sứ Minh Long rất nổi tiếng trong nước, được nhiều người biết đến. Đây cũng là câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần không ngừng sáng tạo, nhưng làm sao để thế hệ trẻ, doanh nghiệp trẻ có những đóng góp vào các sản phẩm mang tính tự hào của đất nước… Đó cũng là nỗi trăn trở của các doanh nghiệp trẻ/ doanh nghiệp khởi nghiệp trên hành trình tìm mô hình sáng tạo cho mình.

Bốn mô hình tham khảo

Bà Phan Hoàng Lan, Chiến lược gia trưởng, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ về hệ sinh thái, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Đại học Fullbright cho biết: Có 4 mô hình giúp doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo liên quan đến mở phòng R&D hay phòng Lab; thuê một công ty tư vấn đổi mới sáng tạo; phối hợp giữa doanh nghiệp và startup; liên kết giữa doanh nghiệp với trường đại học hay viện nghiên cứu.

Từng mô hình đều có những điểm mạnh và điểm chưa tốt mà doanh nghiệp cần lưu ý. Việc các cán bộ nghiên cứu của doanh nghiệp có những sáng tạo nội bộ sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát nội bộ từ quy trình diễn biến, đến kết quả mang lại, chi phí, đặc biệt là bảo mật thông tin. Nhiều doanh nghiệp e ngại, sợ thông tin của mình bị lộ bên ngoài, bị đánh cắp nên chỉ muốn đổi mới sáng tạo bên trong doanh nghiệp.

Sản phẩm nồi sứ Dưỡng sinh Minh Long tham gia Techfest 2022.

Sản phẩm nồi sứ Dưỡng sinh Minh Long tham gia Techfest 2022.

Tuy nhiên, do chỉ làm việc với rất ít người trong phòng nghiên cứu R&D nên ít không gian cho sự sáng tạo. Đối với các doanh nghiệp lớn, họ cũng bị kìm kẹp rất kỹ theo những KPI hay quy trình quá cụ thể, có thể bóp nghẹt sự sáng tạo trong mô hình nội bộ, bị thiếu góc nhìn đa chiều, chi phí bên trong phòng thí nghiệm/nghiên cứu doanh nghiệp cũng rất tốn kém.

Mô hình đi thuê một đơn vị tư vấn hỗ trợ cũng là một lợi thế, vì các công ty tư vấn đổi mới sáng tạo đã nắm được các quy trình, chuyên môn. Tất nhiên, chi phí thuê tư vấn không hề rẻ, họ đến trong một thời gian ngắn rồi đi nên chiến lược họ đưa ra chưa chắc áp dụng được lâu dài.

Mô hình tiếp theo liên quan tới startup khi nhắc đến đổi mới sáng tạo mở, doanh nghiệp thường chú trọng mối quan hệ giữa tập đoàn và startup. Tập đoàn mua các dịch vụ sản phẩm của startup sẽ tiếp cận với những giải pháp công nghệ đa dạng, chi phí cũng tiết kiệm hơn là bỏ ra nghiên cứu một sản phẩm mới. Dù vậy, doanh nghiệp cũng có mối lo bởi nhiều startup đang ở giai đoạn ban đầu nên sản phẩm, dịch vụ chưa được chứng minh trên thị trường, khó áp dụng mượt mà.

Ở mối quan hệ giữa doanh nghiệp với trường đại học/viện nghiên cứu, những đơn vị này có nhiều ý tưởng mới và khi doanh nghiệp đến với trường đại học/viện nghiên cứu thì được tiếp cận với hàng loạt những ý tưởng sáng kiến không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn cung cấp nhân tài khá nhanh chóng nên dễ dàng tuyển dụng hơn. Tuy nhiên cũng có phần giống startup, để đưa những nghiên cứu trong nhà trường vào thực tiễn cũng cần có thời gian.