br class=

Tại tọa đàm trực tuyến “Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng COVID-19, nhiều đại biểu đã kiến nghị các giải pháp thúc đẩy ngân hàng số, thanh toán điện tử...

Bùng nổ giao dịch tài chính số

Theo NAPAS, thanh toán điện tử trong quý 1/2020 đã tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019. Dù giao dịch tài chính số bùng nổ trong quý 1/2020, nhưng việc ứng dụng công nghệ trong tài chính số mới chỉ để thúc đẩy thanh toán điện tử. Điều này cho thấy hoạt động ngân hàng số ở Việt Nam vẫn khá mờ nhạt. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần có giải pháp thúc đẩy ngân hàng số.

Ông Nguyễn Chiến Thắng- Giám đốc Ngân hàng số BIDV, cho biết, ngân hàng số là một trong 3 trụ cột trong chiến lược phát triển BIDV đến 2025 và tầm nhìn 2030. Theo đó, BIDV sẽ tập trung số hóa các kênh phân phối, hệ thống giao dịch, tương tác với khách hàng… để hướng đến số hóa toàn diện.

Không chỉ BIDV, mà nhiều ngân hàng khác cũng đã và đang chạy đua phát triển ngân hàng số. Trên thực tế, mỗi ngân hàng có một định hướng khác nhau về ngân hàng số, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng của mình. Nếu như Ngân hàng số Timo trực thuộc VPBank đi đầu cho cách mạng ngân hàng số với chủ trương ít chi nhánh, phòng giao dịch, thì TPBank lại có chiến lược phủ sóng mật độ với các cây ATM tự động (LiveBank)…

Tuy nhiên do hạ tầng số, khuôn khổ pháp lý cho ngân hàng số, thanh toán điện tử chưa hoàn thiện, nên hiện nay Việt Nam vẫn chưa có ngân hàng số đúng nghĩa.

Hoàn thiện hạ tầng số, khuôn khổ pháp lý

Để khắc phục những bất cập nói trên, ông Nguyễn Quang Hưng- Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, NAPAS sẽ tiến hành nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng thanh toán điện tử. Trong đó, NAPAS sẽ đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán bán lẻ và bù trừ tự động (ACH). Ngoài ra, NAPAS cũng đang tập trung nghiên cứu các sản phẩm thanh toán mới trên nền tảng di động, bao gồm: các tiện ích mới cho dịch vụ mobile banking; sử dụng điện thoại di động như thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán không tiếp xúc....

Về vấn đề pháp lý, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ tài chính số nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh. Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế; Quy định xác định danh tính khách hàng tại quầy cản trở triển khai dịch vụ ngân hàng số; Hành lang pháp lý đối với bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính còn yếu kém; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo... Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngân hàng số, thanh toán điện tử.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng, ban hành chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện. Đặc biệt, còn có hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC)...

“Việt Nam cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm...”, ông Dũng kiến nghị. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng

Tại Việt Nam có 40% người dân không có tài khoản ngân hàng, do đó, để mời gọi họ sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia thì phải kích thích họ dùng ví điện tử.

Ví điện tử, QR code, P2P đang cạnh tranh trực diện với ngân hàng số. Nếu không muốn mất thị phần, các ngân hàng phải có những thay đổi để bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Hiện có 4 việc chúng ta cần phải làm ngay: Thứ nhất, nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt. Thứ hai, phải xác định được tổ chức, cá nhân được quyền cung ứng các dịch vụ trung gian về thanh toán. Thứ ba, tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Cuối cùng, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP MISA

MISA đang xây dựng hệ thống phần mềm giúp đánh giá chỉ số hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, từ đó hỗ trợ ngân hàng có thông tin khách hàng một cách nhanh chóng để rút ngắn quá trình thẩm định tín dụng.

Ông Phạm Quang Đệ - Phó Giám đốc khối LienVietPostBank

Hệ sinh thái số của LienVietPostBank có sự lai trộn giữa 2 góc độ là chức năng thanh toán giống như ví điện tử và ngân hàng số. Ngân hàng dùng sản phẩm thẻ trả trước phi vật lý để triển khai thanh toán, một phương thức ưu việt hơn ví điện tử rất nhiều. Khách hàng không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể tạo tài khoản và sử dụng toàn bộ dịch vụ thanh toán.