Thu thập từ 48 nhà cung cấp tính đến trưa 23/10, tổng số tiền Công ty Huy Việt Nam chưa thanh toán cho các đơn vị này lên đến gần 35 tỷ đồng, bao gồm nhiều mặt hàng từ thực phẩm như thịt bò, thịt heo, giò chả, rau củ quả... cho đến các dịch vụ truyền thông và thiết bị văn phòng, nhà hàng như camera, máy in...

Tuy nhiên, đây chưa phải con số cuối cùng bởi còn rất nhiều nhà cung cấp chưa cho biết về số tiền nợ cũng như không có đủ giấy tờ giao dịch với Công ty Món Huế nên chưa thể trình báo đầy đủ.

Ước vọng 100 triệu USD

Hơn thập kỷ trước, ông Huy Nhật, người Mỹ gốc Việt trở về Việt Nam với tham vọng xây dựng những chuỗi nhà hàng theo phong cách riêng biệt. Ông chủ tuổi Giáp Dần chọn logo con hổ cho Huy Việt Nam và bắt tay vào tạo dựng những chuỗi nhà hàng đầu tiên.

Hàng loạt nhà hàng Món Huế đóng cửa ở Hà Nội và TP HCM.

Hàng loạt nhà hàng Món Huế đóng cửa ở Hà Nội và TP HCM.

Thành lập tháng 1/2007, Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế là cái tên đầu tiên trong danh mục thương hiệu do ông xây dựng. Được giới thiệu là nhà hàng "đặc trưng ẩm thực Huế", Món Huế xây dựng theo mô hình chuỗi nhà hàng ăn tại chỗ, với thực đơn hơn 60 món khác nhau, nhằm vào phân khúc món ăn vừa túi tiền nhưng được quảng bá là "nổi trội về hương vị".

Hệ thống này sau đó được mở rộng ra hàng loạt thương hiệu khác như Phở Ông Hùng, Cơm Express, Great Bánh mì & cafe, Cơm Thố Cháy, Phở 99, Iki sushi, Shilla Korean BBQ Restaurant hay Mì Quảng Bếp Tâm. Tuy nhiên, Món Huế vẫn là chuỗi "hạt nhân" có quy mô lớn nhất trong hệ thống của ông Huy Nhật.

Giống như nhiều startup trong lĩnh vực F&B - ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống, Món Huế và những thương hiệu khác của Huy Việt Nam khởi đầu với số lượng nhà hàng khiêm tốn, chủ yếu là dồn lực cho một số vị trí đắc địa nhằm xây dựng hình ảnh và tạo dựng tập khách hàng thân thiết.

Bắt đầu huy động vốn từ đầu năm 2013 với 3 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên. Bước ngoặt lớn nhất đến với công ty này hai năm sau đó khi hoàn tất vòng gọi vốn vòng series C với số tiền 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng) từ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius quản lý.

Với tổng số tiền huy động được lên tới 65 triệu USD trong ba lần gọi vốn, Huy Việt Nam nhanh chóng trở thành một "thế lực" mới trên thị trường ẩm thực khi tăng quy mô ba thương hiệu chính là Phở Ông Hùng, Món Huế và Cơm Express lên gấp 7 lần, từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng vào cuối năm 2015. Nói với VnExpress khi đó, Mark Mobius cho biết, ẩm thực là một trong những lĩnh vực hấp dẫn mà quỹ đầu tư của ông luôn quan tâm. Đồng thời, tỷ phú này khẳng định "sẽ rót thêm vốn cho Huy Việt Nam bất cứ thời điểm nào nếu họ cần".

Một năm sau quá trình mở rộng, Huy Việt Nam tiếp tục gây xôn xao trên thị trường khi FinanceAsia tiết lộ, công ty này đã có kế hoạch nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Ngoài mục đích đưa cổ phiếu ra thị trường quốc tế, FinanceAsi cũng cho biết Huy Việt Nam muốn huy động thêm 100 triệu USD để mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Khác các mô hình kinh doanh chuỗi nhà hàng với pháp nhân là công ty Việt Nam, Huy Việt Nam của ông Huy Nhật ngay từ đầu đã có tham vọng tiến ra thị trường nước ngoài khi thành lập các công ty mẹ tại Hong Kong và đảo Cayman - "thiên đường thuế" nằm ở phía Tây vùng biển Caribe. Trong đó, Huy Vietnam được thành lập tại Hong Kong năm 2012 là công ty mẹ của Công ty Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam - đơn vị đang bị tố nợ tiền các nhà cung cấp hàng chục tỷ đồng, còn Huy Vietnam Group thành lập tại Cayman là cổ đông chi phối chuỗi nhà hàng Món Huế.

Theo đại diện Huy Việt Nam khi đó, việc thành lập các công ty ở nước ngoài là do sàn chứng khoán Hong Kong chưa công nhận Việt Nam là thị trường đạt chuẩn cho việc đăng ký hoạt động của các công ty muốn niêm yết tại đây. "Việc đăng ký tại đảo Cayman sẽ giúp công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á này", ông Huy Nhật cho biết.

Tuy nhiên, tham vọng tăng trưởng quá nhanh của ông chủ chuỗi nhà hàng Món Huế cũng đi theo không ít biến động.

Lịch sử của The KAfe đang lặp lại với Món Huế

Bên cạnh doanh nhân Huy Nhật, cái tên được nhắc tới nhiều nhất sau khi hàng loạt nhà hàng Món Huế đóng cửa thì còn cái tên đáng chú ý không kém đó là Dennis Nguyễn, Phó chủ tịch của Huy Việt Nam. Ông Dennis Nguyễn chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế.

Giữ vai trò chủ tịch của New Asia Partner, một quỹ đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc) chuyên tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi châu Á, ông Dennis Nguyễn đóng vai trò là người kết nối Huy Nhật với các quỹ đầu tư.

Các kỹ năng về huy động tài chính đã được Dennis Nguyễn sử dụng để giúp Huy Việt Nam huy động thêm các nguồn vốn tài trợ mới từ các quỹ đầu từ Hồng Kông, Malaysia, Hàn Quốc.

Cuối năm 2015, sau khi đầu tư vào Huy Việt Nam, Quỹ New Asia Partners của Dennis Nguyễn cùng với một quỹ khác đã đầu tư 5,5 triệu USD vào chuỗi café The KAfe và Dennis khi đó giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của The KAfe.

Thành lập năm 2013 ở Hà Nội, The KAfe từng tạo nên một cơn sốt trong giới trẻ. Người ta nô nức đến The KAfe, chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á Âu, để thưởng thức, chụp ảnh và "check-in".

Vậy nhưng chỉ sau 3 năm hoạt động và hơn 1 năm nhận vốn "khủng" từ nhà đầu tư nước ngoài, founder của The Kafe Đào Chi Anh đã ra đi. Và cũng chỉ nửa năm sau, chuỗi cửa hàng The KAfe tại Hà Nội, TP.HCM liên tục đóng cửa hoặc bị sang nhượng cho đơn vị khác.

Tương tự như The KAfe, Huy Việt Nam cũng từng được xem lại điển hình gọi vốn thành công trong giới khởi nghiệp và tạo dựng được làn sóng ẩm thực mới cho các món ăn Việt Nam. 

Mở rộng với quy mô lớn, đầu tư cao, tham vọng xây dựng cả chuỗi cung ứng khép kín, song nhu cầu từ thị trường ở bên kia sườn dốc, khiến nhiều chuyên gia đã dự báo trước về những khó khăn sẽ đến với chuỗi nhà hàng này.

Giá đắt cho việc mở rộng quá nhanh

Huy Việt Nam có 9 thương hiệu, bao gồm: Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Phở 99, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Grill, TP Tea, Mì Quảng Bếp Tâm.

Họ có 3 hình thức cửa hàng: cửa hàng đơn lẻ 1 thương hiệu – hình thức này khá hiếm trừ TP Tea, cửa hàng tích hợp Món Huế cùng 1 đến 2 thương hiệu khác – hình thức phổ biến nhất, cuối cùng là Food Hall tích hợp 6 thương hiệu chính (Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Grill) – hình thức này ra đời sau cùng và cũng không nhiều.

Tuy nhiên, việc tích hợp các thương hiệu khác vào Món Huế khiến các thương hiệu của Huy Việt Nam ‘chết chùm’, nhất là các thương hiệu ít cửa hàng và chuyên ‘đính thêm’ vào Món Huế hoặc Food Hall giống Iki Sushi (9 cửa hàng) hay Great Bánh mì và Cà phê (5 cửa hàng) thì gần như phải chịu chung số phận bị tiêu diệt như Món Huế. Shilla Korean BBQ và Grill có 2 cửa hàng chuyên tích hợp cũng không thoát khỏi vận mệnh bi thảm đó.

Ngạc nhiên nhất là hệ thống trà sữa nhượng quyền TP Tea, mặc dù dường như không liên quan đến sự việc lần này, nhưng Huy Việt Nam vẫn quyết định đóng cửa nhiều cửa hàng của thương hiệu này.

Ngoài TP. HCM, Huy Việt Nam cũng đóng cửa các cửa hàng trong hệ thống của họ ở toàn quốc, như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… Cuối ngày 22/10, trang web Huy Việt Nam cũng chính thức đóng cửa!

Còn theo một nguồn tin không chính thức, thì Huy Việt Nam tính sẽ chỉ duy trì 8 cửa hàng thuộc nhiều thương hiệu, dự kiến mở đến hết năm 2019.

Theo nhiều người trong ngành, có 3 lý do chính khiến Món Huế và Huy Việt Nam rơi vào tình trạng phá sản cộng nợ nần: Chất lượng sản phẩm bình thường nhưng giá lại khá mắc và chưa tính VAT trong món ăn – điều khiến khá nhiều người dùng Việt Nam khó chịu; Trong khi doanh thu không tăng bao nhiêu mà tiền mặt bằng liên tục tăng với cấp số nhân trong khoảng 2 năm trở lại đây; Mô hình kinh doanh đang ngày càng lạc hậu và chẳng có gì mới mẻ hay khác biệt so với các đối thủ khác.

Với việc đóng cửa gần như toàn bộ hơn 100 nhà hàng toàn hệ thống, Huy Việt Nam có lẽ đã phải trả một cái giá rất đắt cho việc mở rộng quá nhanh trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2017, trong khi không thuyết phục được đa số người dùng trong phân khúc khách hàng mà mình nhắm tới rằng: giá cả như vậy xứng đáng với chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Bên cạnh đó, một bài học nữa được rút ra đó là thoát được"bẫy" của nhà đầu tư. Để nhận được vốn đầu tư, các start-up thường chấp nhận những chỉ tiêu liên quan đến doanh số, hiệu quả kinh doanh, số lượng chuỗi cửa hàng do nhà đầu tư đưa ra, mà không để ý đến tính khả thi. Kết quả là họ phải gồng mình lên để cố gắng nhưng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu.

Nhà sáng lập Đào Chi Anh của The KAfe đã từng chia sẻ trong tiếc nuối: "Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình".

Với việc gọi thành công vốn “khủng” từ các quỹ đầu tư nước ngoài, mô hình tiếp tục mở rộng thành chuỗi với tốc độ phát triển quá nhanh, các khiếm khuyết ngày càng lộ rõ. Nếu không có một bộ máy quản trị tốt thì thất bại là điều có thể nhìn thấy.

Việc thành công tại một số địa điểm ban đầu và thời điểm đơn lẻ khiến dự án được tung hô quá mức, chủ nhân có thể không nhìn thấy những khiếm khuyết trong mô hình của mình và rơi vào cái bẫy “danh tiếng”.

Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, Món Huế cũng phải triển khá chậm như rất nhiều thương hiệu ẩm thực khác tại Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2013, sau hơn 6 năm hoạt động, Món Huế có 9 cửa hàng, tức trung bình mỗi năm họ mở 1,5 cửa hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được liên tiếp khoảng 30 triệu USD ở 2 vòng gọi vốn Serie B và C ở liên tiếp trong 2 năm 2014 - 2015 từ các quỹ đầu tư nước ngoài, Huy Việt Nam đã có một bước phát triển nhảy vọt ở mọi mặt.

Trong vòng hơn 4 năm từ 2013 đến 2017, số lượng cửa hàng Món Huế của Huy Việt Nam tăng đột biến lên 60 cửa hàng, tức là thêm 51 cửa hàng. Thậm chí, chỉ trong năm 2015 họ mở 31 cửa hàng, trung bình 1 tháng mở gần 3 cái.

Khi quy mô cửa hàng đã nhân lên gấp 2, gấp 3 đến gấp chục lần, sẽ rất khó khăn để người quản lý có thể bao quát hết toàn bộ nhân sự. Nhưng không phải chủ doanh nghiệp nào cũng nhận ra điều đó, họ thích ôm đồm mọi thứ và kết cục dẫn đến ngày kết cho chính thương hiệu của mình.

Đến thời điểm thất bại của Món Huế vẫn còn nhiều ẩn số, nhưng đây, cùng với The KAfe, vẫn sẽ là một bài học đắt giá cho những startup muốn kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài.