Theo đó, chiều nay (21/7), vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ đã dịch chuyển về phía  ven biển Bắc Bộ và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. 

Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới.

Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. 

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên): toàn bộ khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, ngay trên huyện đảo Bạch Long Vĩ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng cùa hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió giật cấp 6-7; ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc Bộ cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm nay (21/7), các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông; riêng các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Tại Hà Nội, trận mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay đã khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu trong nước. 

Theo, ghi nhận của cơ quan khí tượng, lượng mưa trong 12 giờ qua ở các quận Hoàng Mai, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên... đều trên 70 mm. Riêng quận Hà Đông tới 120 mm, Sơn Tây 140 mm, Ba Vì 170 mm. 

Nhiều tuyến đường tại Hà Nội ngập sâu trong nước. Ảnh: Dân trí.

Nhiều nơi ngập úng khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. Ảnh chụp ở khu vực Cầu Đuống.

Nhiều nơi ngập úng khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. Ảnh chụp ở khu vực Cầu Đuống. Ảnh: Zing

Đường Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội là một trong những điểm đen về ngập lụt trên địa bàn thành phố.

Đường Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội là một trong những điểm đen về ngập lụt trên địa bàn thành phố. Ảnh: Zing

Mưa lớn khiến hàng loạt tuyến đường bị ngập sâu. Cụ thể, tuyến đường dài khoảng 4 km từ Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đến Quang Trung (Hà Đông), nhiều chỗ ngập sâu nửa mét. Người đi đường phải nép vào vỉa hè, hoặc dắt xe máy men theo trụ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. 

Nhiều khu vực trũng thấp khác như đầu đường Pháp Vân, đại lộ Thăng Long đoạn qua (Tây Mỗ), đường Quan Nhân (Thanh Xuân), Hoa Bằng, Trần Bình (Cầu Giấy)... ngập từ 20 đến 50 cm. Nước đã tràn vào nhà dân.

Dự báo, Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2 - 3 ngày tới tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Theo thống kê sơ bộ, tính đến sáng 21/7 mưa lũ đã làm 10 người chết (Yên Bái: 8 người, Thanh Hóa: 2 người); 11 người bị mất tích (Yên Bái: 9 người, Thanh Hóa: 2 người); 14 người bị thương (Yên Bái: 9 người, Sơn La: 1 người, Thanh Hóa: 3 người, Nghệ An: 1 người).

Cụ thể, tại tỉnh Phú Thọ, mưa lũ đã cuốn trôi 1 cầu treo, đánh sập mố cầu Văn Luông.

đánh sập mố cầu Văn Luông

Mưa lũ đánh sập mố cầu Văn Luông

Theo đó cây cầu treo nối giữa các xã ở Văn Luông (huyện Tân Sơn) với huyện Thanh Sơn, Phú Thọ bị hư hỏng hoàn toàn. Còn với cây cầu Văn Luông (xã Văn Luông, huyện Tân Sơn) bị sập ngay mố cầu bên địa phận xóm Bến Gạo.

Tại huyện Cẩm Khê, toàn huyện có 158ha lúa, hơn 105ha ngô, rau màu bị ngập, 174ha ao, hồ nuôi trồng thuỷ sản, 47ha cây trồng ven sông bị nhấn chìm; 60 nhà bị ngập, 21 nhà bị cô lập, 1 nhà bị đổ tường, hiện tại công tác di dời đã được triển khai đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Tại tỉnh Yên Bái, tính đến 11h ngày 21/7, mưa lũ đã cô lập hoàn toàn 29 xã thuộc 5 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Mưa lũ gây sạt ở ở Yên Bái. Ảnh: Trí thức trẻ.

Mưa lũ gây sạt ở ở Yên Bái. Ảnh: Trí thức trẻ.

Toàn tỉnh đã có 29 người chết, mất tích và bị thương. 3.877 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 97 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 189 nhà bị hư hỏng từ 50 đến 70%; gần 3.591 nhà bị ngập nước, sạt lở taluy, tốc mái hư hỏng nhẹ. Về lúa và hoa màu, đã có hơn 1.915 ha bị hư hỏng, vùi lấp.

Tại Nghệ An, trong đợt mưa lũ này đã có hai người mất tích khi đang đánh cá trên sông Lam; toàn tỉnh có 13 nhà bị sập và hư hỏng, 18 nhà khác nguy cơ sạt lở; hàng chục nghìn ha lúa bị ngập úng...

Tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), trận lũ quét vừa xảy ra đã khiến bốn người chết và mất tích, nhiều người bị thương. 

Hiện trường lũ quét tại Thanh Hóa.

Hiện trường lũ quét tại Thanh Hóa. Ảnh: VOV.

Cụ thể, đêm 19/7 tại huyện Lang Chánh có mưa rất to. Khi gia đình ông Vi Văn Thiên (50 tuổi, ở bản Hắc, xã Trí Nang) đang ngủ thì lũ đổ về bất ngờ cuốn trôi toàn bộ ngôi nhà và bốn người bên trong gồm ông Thiên, bà Lê Thị Biến (75 tuổi), chị Hà Thị Biển (28 tuổi) và cháu Vi Thị Huyền Trân (4 tuổi). Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể ông Thiên và bà Biến, còn hai người mất tích.

Ngoài ra, trận lũ đêm 19/7 cũng cuốn trôi hai căn nhà khác tại xã Trí Nang khiến ba người khác gồm bà Hà Thị Thúy (40 tuổi), anh Hà Văn Dũng (28 tuổi) và bà Lương Thị Hoa (51 tuổi) bị thương.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, 45 hộ dân với gần 190 nhân khẩu ở các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện Lang Chánh đã phải di dời khẩn cấp.