Hưởng lợi từ tăng giá nhưng vẫn muốn giảm 50% giá thuê mặt bằng

Câu chuyện tăng giá sản phẩm thiết yếu giữa lúc dịch bệnh căng thẳng của Bách Hóa Xanh trong những ngày qua chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, mạng xã hội lại một phen “dậy sóng” trước thông tin đơn vị này gửi thư cho đối tác mặt bằng đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm, để chia sẻ khó khăn, dù tất cả cửa hàng Bách Hóa Xanh đều hưởng lợi từ kinh doanh trong đại dịch.

Mặc dù được hưởng lợi từ kinh doanh trong đại dịch, nhưng BHX vẫn muốn đối tác giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong vòng 1 năm.

Mặc dù được hưởng lợi từ kinh doanh trong đại dịch, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn muốn đối tác giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong vòng 1 năm.

Cụ thể, theo văn bản đề ngày 22/6, Bách Hóa Xanh cho biết, làn sóng dịch COVID-19 cứ âm thầm diễn ra và tăng mạnh trong vài tuần vừa qua đến nay, khiến Chính phủ các cơ quan phải thực hiện lệnh cách ly, giãn cách xã hội trên diện rộng. Nhiều cửa hàng phải tạm dừng/đóng cửa, thu nhập giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Mức chi tiêu của người dân trong giai đoạn này bị hạn chế, đồng thời người dân phải cách ly ở nhiều nơi dẫn đến sức mua giảm, hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển để tiêu thụ.

"Chúng tôi cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khó khăn chung của dịch bệnh, mặc dù Ban giám đốc và nhân viên của Bách Hóa Xanh đã tìm kiếm nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh hàng hóa.

Từ phía đối tác Bách Hóa Xanh mong quý đối tác đồng lòng, chia sẻ giảm 50% giá thuê trên mỗi tháng với thời gian trong vòng 01 năm để chung sức cùng với Bách Hóa Xanh xử lý các ảnh hưởng từ dịch bệnh. Đây là sự sẻ chia vô cùng đặc biệt đó giá trị to lớn tử quý đối tác để giúp chúng ta vượt qua giai đoạn này, và tiếp tục đồng hành ổn định cùng nhau trong thời gian tới", văn bản từ Bách Hoá Xanh thông tin.

Nhiều người bức xúc cho rằng, tại sao Bách Hóa Xanh yêu cầu đối tác giảm mạnh chi phí thuê mặt bằng, nhưng lại quay ngược tăng giá hàng hóa đối với khách hàng của mình, bất chấp người dân cũng đang gặp không ít khó khăn do công việc bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sút do dịch bệnh.

Khách hàng tố BHX cố tình ăn gian khi mua 18 quả trứng, nhưng bị tính tiền 30 quả và giá tính cho khách cũng cao hơn khi báo giá 300 đ/quả

Khách hàng tố Bách hóa Xanh cố tình ăn gian khi mua 18 quả trứng, nhưng bị tính tiền 30 quả và giá tính cho khách cũng cao hơn khi báo giá 300 đ/quả.

Lẽ ra, trong thời điểm này, Bách Hóa Xanh phải thể hiện trách nhiệm xã hội của một đơn vị bán lẻ lớn, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Nhưng đơn vị này lại làm ngược lại, mong muốn được đối tác chia sẻ giá thuê mặt bằng, nhưng lại sẵn sàng tăng giá hàng hóa đối với khách hàng của mình. Phải chăng, Bách Hóa Xanh đang muốn được hưởng lợi cả từ hai phía?

Động thái này của Bách Hóa Xanh không những khiến người dân bức xúc, mà giới chuyên môn cũng phải lên tiếng. Một chuyên gia cho rằng, đối với một doanh nghiệp đại chúng như Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG), đơn vị chủ quản của Bách Hóa Xanh, vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp luôn phải được đề cao.

“Các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến vấn đề trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Họ sẽ không bao giờ đầu tư vào những doanh nghiệp đã có “phốt” trục lợi khách hàng. Đặc biệt là trong bối cảnh người dân cả nước đang phải thắt chặt chi tiêu, gồng mình chống lại đại dịch COVID-19”, một chuyên gia nói.

Lo ngại làn sóng bán tháo cổ phiếu MWG

Nhiều nhà đầu tư nhận định, sự cố tăng giá hàng hóa lần này khiến làn sóng tẩy chay chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh của người tiêu dùng có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người đang nắm giữ cổ phiếu MWG. Nhà đầu tư lo ngại sẽ có làn sóng bán tháo cổ phiếu MWG trong thời gian tới, tương tự như thời điểm cuối năm 2018, cổ phiếu này cũng đã bị nhà đầu tư bán tháo sau sự cố rò rỉ thông tin về tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Nhà đầu tư lo ngại sẽ có làn sóng bán tháo cổ phiếu MWG sau làn sóng tẩy chay Bách Hóa Xanh của người tiêu dùng.

Nhà đầu tư lo ngại sẽ có làn sóng bán tháo cổ phiếu MWG sau làn sóng tẩy chay Bách Hóa Xanh của người tiêu dùng.

Ở vào thời điểm đó, rất nhiều khách hàng từng mua sắm tại Thế giới Di động đã phát hiện thông tin tài khoản ngân hàng của mình, bao gồm số thẻ, ngày hết hạn, ngày giờ mua hàng có trong file dữ liệu được tung lên mạng. Ước tính có khoảng 31.000 bản ghi như thế đã bị tung lên mạng. 

Mặc dù lãnh đạo MWG lúc bấy giờ không thừa nhận liên quan đến sự cố rò rỉ thông tin khách hàng này, nhưng cổ phiếu MWG vẫn bị nhà đầu tư bán tháo trong 2 phiên giao dịch liên tiếp, khiến giá cổ phiếu này từ 120.000 đồng/cổ phiếu, giảm xuống còn 106.000 đồng/cổ phiếu. Đồng nghĩa với vốn hóa trên thị trường của MWG đã bị bốc hơi 1.937 tỷ đồng. 

Trên thị trường, cổ phiếu MWG hiện đang giao dịch với thị giá 158.600 đồng/cổ phiếu, giảm 9.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với giảm 5,7% so với chốt phiên giao dịch hồi cuối tuần trước. Nếu so với hồi đầu năm 2021, cổ phiếu MWG đã tăng trưởng gần 40%. Sự tăng trưởng này của MWG chủ yếu đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư về mức tăng trưởng ấn tượng của hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh trong bối cảnh hàng loạt chợ truyền thống phải đóng cửa để phòng dịch và nhiều địa phương phải giãn cách xã hội kéo dài. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, sự cố tăng giá hàng hóa lần này của Bách Hóa Xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sóng tăng của cổ phiếu MWG trong ngắn hoặc thậm chí cả trung hạn.