Tổng thống Mỹ vừa ký sắc lệnh với nội dung tập trung nguồn lực và đầu tư cho trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem là bước đi để Mỹ giành lại lợi thế trước Trung Quốc trong cuộc đua AI.

Việc ký sắc lệnh với nội dung tập trung nguồn lực và đầu tư cho trí tuệ nhân tạo được xem là bước đi để Mỹ giành lại lợi thế trước Trung Quốc (Ảnh minh hoạ)

Bước đi giành lại lợi thế

Theo sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào ngày 11/2 (Sáng kiến AI của Mỹ) ,Tổng thống yêu cầu các cơ quan chính phủ liên bang dành nhiều nguồn lực và đầu tư cho nghiên cứu, quảng bá và đào tạo về AI.

Theo chính quyền Trump, các mục tiêu của Sáng kiến AI của Mỹ (the American AI Initiative) được chia thành năm lĩnh vực chính:

Nghiên cứu và phát triển. Các cơ quan liên bang sẽ được yêu cầu ưu tiên đầu tư vào AI trong ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) của họ và báo cáo số tiền này được sử dụng như thế nào để tạo ra một tổng quan toàn diện hơn về đầu tư của chính phủ vào AI.

Giải phóng tài nguyên. Các nhà nghiên cứu sẽ được cung cấp các dữ liệu liên bang, từ đó ứng dụng các thuật toán và xử lý các dữ liệu được cung cấp nhằm cải thiện các lĩnh vực như giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe.

Chuẩn mực đạo đức. Các cơ quan chính phủ như Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) sẽ được yêu cầu đưa ra các bộ tiêu chuẩn hướng dẫn để giúp sự phát triển các hệ thống AI trở nên đáng tin cậy, mạnh mẽ, an toàn và có thể tương tác.

Tự động hóa. Yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành đào tạo, trao học bổng cho người lao động để họ có được sự chuẩn bị tốt nhất trước những thay đổi về môi trường việc làm, khi mà ở đó, công nghệ tự động hóa sẽ được áp dụng.

Tiếp cận quốc tế. Chính quyền muốn hợp tác với các quốc gia khác về phát triển AI, nhưng vẫn phải đảm bảo gìn giữ các  giá trị và lợi ích của Mỹ.

Mỹ đưa ra Sáng kiến AI trong bối cảnh có đến 18 quốc gia trên thế giới đã đưa ra các chương trình để kích thích phát triển AI, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia đang đối đầu trực diện với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ. Chính bởi chính quyền Trump thực tế đã bỏ qua chủ đề này đã khiến Mỹ từ một nước tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu AI nhưng vị trí này đã thay đổi trong thời gian gần đây và đánh mất lợi thế vào tay Trung Quốc.

Bởi vậy, Sáng kiến AI của chính quyền Mỹ chính là bước đi nhằm giành lại lợi thế, cân bằng lại cán cân công nghệ trên thế giới. Sáng kiến này nhằm đảm bảo cho Mỹ giữ lợi thế nghiên cứu và phát triển về AI và các lĩnh vực liên quan, như sản xuất tiên tiến và điện toán lượng tử.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Sáng kiến AI của Mỹ cố gắng kéo xích mọi người lại với nhau dưới một chiếc ô và thể hiện lời hứa mang công nghệ AI tới mọi người dân Mỹ.

Tuy nhiên, trong sắc lệnh lần này, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra một lộ trình tài trợ cụ thể cho bất cứ lĩnh vực gì, cũng như đưa một mốc thời gian cụ thể đạt được những mục tiêu đề ra, mà thay vào đó hứa hẹn một kế hoạch chi tiết trong sáu tháng tới. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã công bố lượng chi tiêu khổng lồ cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI, ví dụ như Hàn Quốc chi tới 2 tỷ USD.

Jason Furman, giáo sư Harvard, từng là chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama và đã giúp soạn thảo báo cáo của chính quyền trước đây về Aitrao đổi với Technology Review rằng kế hoạch là một bước đi đúng hướng, nhưng sẽ cần những cam kết cụ thể - không chỉ là những lời hứa - để thực hiện các mục tiêu đã nêu.

Đối phó ra sao với Trung Quốc?

Hiện nay tại Trung Quốc, các gã khổng lồ phần mềm như Alibaba, Yahoo và Tencent có tổng vốn hóa thị trường hơn một nghìn tỷ USD và đầu tư mạnh hơn vào AI. Còn tại Mỹ, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (Amazon, Apple, Facebook, Google, IBM và Microsoft) tuy vẫn dẫn đầu thị trường về AI và đầu tư hàng tỷ đô la mỗi năm vào R&D, nhưng chính phủ Trung Quốc lại có thể kiểm soát được chuỗi cung ứng.

Theo đó, để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu chất bán dẫn và đáp ứng nhu cầu của các công ty AI trong nước, Trung Quốc đang đầu tư 47 tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn để đáp ứng các mục tiêu trong tương lai của đất nước.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến công nghệ cũng không kém phần ác liệt khi AI là một trong những mặt trận công nghệ then chốt cùng với cơ sở hạ tầng viễn thông 5G và máy tính lượng tử.

Để đối phó, Mỹ đã có hành động dứt khoát chống lại nhà sản xuất Trung Quốc như Huawei, buộc công ty này phải chịu hàng chục tội gian lận tài chính và trộm cắp tài sản trí tuệ. Và các giám đốc điều hành của Huawei bao gồm CFO Meng Wanzhou đã bị bắt giữ. Chính quyền Tổng thống Trump cũng được cho là đang chuẩn bị đưa ra lệnh cấm với Huawei trong việc cung cấp hạ tầng mạng không dây cho Mỹ.

Cuộc đua AI diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ có ý nghĩa như thế nào không phải ở sức mạnh kinh tế toàn cầu, mà đối với các vấn đề bao gồm an ninh mạng, ứng dụng AI ở cấp độ quân sự và ý nghĩa đạo đức của công nghệ đối với hệ thống giám sát làm sao đảm bảo quyền tự do dân sự và quyền riêng tư.