Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc họp ngày 17/6. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc họp ngày 17/6. Ảnh: KCNA

Theo hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố, quốc gia này sẽ chuẩn bị cho cả đối thoại, đặc biệt là đối đầu với Mỹ.

Cụ thể, tại cuộc họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, để phản ứng với xu hướng chính sách của chính quyền mới tại Mỹ, ông Kim Jong-un nhấn mạnh sự cần thiết phải sẵn sàng cho cuộc đối đầu bảo vệ lợi ích phát triển độc lập của Triều Tiên cũng như đảm bảo vững chắc một môi trường hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng kêu gọi cần có sự ứng phó sắc bén, kịp thời với tình hình thay đổi nhanh chóng và tập trung nỗ lực kiểm soát ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy, khi ông Joe Biden lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng đã giảm nhiệt so với thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù Triều Tiên vẫn chưa thực hiện bất cứ một vụ thử tên lửa hạt nhân nào, nhưng Bình Nhưỡng đã liên tiếp đưa ra những phát ngôn cứng rắn bày tỏ lo ngại về cái gọi là “chính sách thù địch” của Mỹ.

Do đó, trong bối cảnh bế tắc ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng, các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Biden cần phải có một cách tiếp cận linh hoạt và thiết thực hơn. Trên thực tế, trong quá khứ, các chính phủ Mỹ đều đánh giá thấp tầm quan trọng của các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Chính điều này đã dẫn đến sự lúng túng của Mỹ trong việc đưa ra cách thức hợp lý để đối thoại với Bình Nhưỡng; cũng như không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc giảm thiểu mối đe dọa từ Triều Tiên hoặc tăng cường hòa bình và an ninh trong khu vực.

Mặc dù đã có những bước tiến khả quan dưới thời ông Trump, nhưng Triều Tiên vẫn âm thầm phát triển cả về chất lượng và số lượng các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông Markus Garlauskas, thành viên cấp cao không thường trực tại Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu sĩ quan tình báo quốc gia Mỹ về Triều Tiên, trích dẫn một số báo cáo cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Ông dự đoán Bình Nhưỡng cũng có thể sẽ tung ra một mẫu tàu ngầm mới.

“Mỹ nên biết rằng, việc có thể tiếp tục gây áp lực kinh tế khiến Triều Tiên xoay trục chiến lược từ bỏ chương trình hạt nhân không còn là chính sách hàng đầu”, ông Markus nhấn mạnh.

Mỹ cần có một cách tiếp cận mới trong chính sách với Triều Tiên

Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ cần có một cách tiếp cận mới trong chính sách với Triều Tiên

Tuy nhiên, ông Soo Kim, một nhà phân tích chính sách của Rand Corp. nhận định, thông điệp từ nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ. Và điều này có ý nghĩa, ông Kim Jong-un sẽ chỉ đối thoại với Hoa Kỳ và Hàn Quốc khi các điều kiện đưa ra được đáp ứng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tỏ ra không quan tâm đến việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ có thể giúp giảm bớt các lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên. Nhiều chuyên gia dự báo, quốc gia này sẽ khó tăng trưởng trong năm 2021 sau khi chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, cùng các lệnh trừng phạt quốc tế vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Theo Cựu đặc phái viên của ông Trump về Triều Tiên Stephen Biegun đánh giá trong một cuộc phỏng vấn với Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí rằng, ông tin rằng một thỏa thuận giữa Washington với Bình Nhưỡng là khả thi. Cụ thể, chính sách Mỹ sẽ phải bao gồm việc đưa ra một vài biện pháp như giảm nhẹ lệnh trừng phạt, một số điều chỉnh nhất định trong lực lượng quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc để đổi lấy một số nhượng bộ từ Triều Tiên.

“Dù chính quyền ông Biden có ít quyền thương lượng hơn với Triều Tiên so với thời của ông Trump, nhưng hiện tại đội ngũ của ông ấy đang tiếp nối những gì chúng tôi đã từng tìm kiếm, đó là hướng tới một thỏa thuận với mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên thông qua việc tiến hành một số biện pháp linh hoạt”, ông Biegun khuyến nghị.

Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo, Tổng thống Biden sẽ có chiến lược mới trong việc đối phó với mối nguy hiểm tiềm ẩn từ Triều Tiên, thay vì dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế.