Top 50 doanh nghiệp niêm yết có năng lực cạnh tranh tốt nhất năm 2021

Vinhomes – Quán quân lợi nhuận 2021

Đến thời điểm hiện nay, Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM) đang là doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận hợp nhất sau thuế của cả năm 2021, ghi nhận lên tới 39.231 tỷ đồng (hơn 1,7 tỷ USD), tăng 43% so với năm 2020. Doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes cũng ghi nhận tăng trưởng 19% lên mức gần 85.100 tỷ đồng.

The Bervely tại Đại đô thị Vinhomes Grand Park được quy hoạch thiết kế với hệ thống tiện ích sinh thái phong cách nghỉ dưỡng sang trọng cho cư dân như Beverly Hills của giới thượng lưu Mỹ.

Vinhomes cũng giữ vị trí á quân vốn hóa thị trường, ngôi vương quy mô quỹ đất tại cuối 31/12/2021.

Theo kết quả báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021 của Vinhomes, đây lần đầu tiên Công ty này ghi lợi nhuận hợp nhất sau thuế quý đạt 11.986 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ quý IV/2020. Đây cũng là lần đầu tiên thị trường chứng xuất hiện doanh nghiệp báo cáo lãi sau thuế đạt gần 12.000 tỷ đồng xét theo quý kinh doanh.

Các yếu tố tạo động lực và đóng góp cho tăng trưởng trong quý cuối năm của Vinhomes bao gồm: Dịch bệnh đã được kiểm soát giúp hoạt động kinh doanh của công ty có sự bứt phá, hàng loạt sự kiện mở bán và hoạt động truyền thông được Vinhomes triển khai kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Theo đó, tại TP HCM, Phân khu The Beverly - Vinhomes Grand Park tiếp tục là tâm điểm. Còn tại Hà Nội, toàn bộ căn hộ tại tòa P2 - The Pavilion tại dự án Vinhomes Ocean Park của Vinhomes sau 2 đợt mở bán cũng hoàn tất; trong khi dự án Vinhomes Star City (Thanh Hoá) có tới khoảng 80% các căn biệt thự trong phân khu Mẫu Đơn đã có chủ.

Vinhomes và tập đoàn Mitsubishi mới đây cũng đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện trên 3 lĩnh vực hứa hẹn những bước đột phá mới trong phát triển và quản lý dự án tương lai.

Theo dõi Vinhomes, sẽ thấy điểm khá đặc biệt là trong các quý kinh doanh giữa mùa dịch COVID-19, mặc dù giảm về doanh thu (quý III), hoặc chỉ tăng trưởng thấp (6% quý IV), song doanh nghiệp lại tăng trưởng rất mạnh về lợi nhuận. Việc cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ ứng dụng chuyển đổi số cũng được xem là điểm sáng góp sức cho doanh nghiệp đạt được kết quả này.

Kết thúc 2021, tổng tài sản của Vinhomes là 230.000 tỷ đồng (hơn 10 tỷ USD), tăng gần 7% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt gần 131.700 tỷ đồng, tăng 47% trong năm ngoái. Được biết Vinhomes đang sở hữu quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 83.000 tỷ đồng và công ty bất động sản có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam do tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập nên cũng giữ số 1 thị trường về quy mô quỹ đất, ước đạt khoảng 16.800 ha.

VPBank và cú “soán ngôi vương” lợi nhuận nhờ "bán con"

Ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, bám đuổi sát Vinhomes ở phút chót công bố kết quả kinh doanh quý IV và 2021, cái tên sáng chói vị trí á quân lợi nhuận tính đến thời điểm này không ai khác là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB).

Fe Credit tiếp tục là

Fe Credit tiếp tục là "gà đẻ trứng vàng" cho VPBank hạch toán lợi nhuận đột biến với thu nhập thanh lý, thoái vốn đầu tư vào đơn vị khác

Theo kết quả kinh doanh VPBank mới công bố, quý IV năm 2021, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt 14.580 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận đạt được tương đương với 88% kế hoạch năm và ở mức này thì không có gì gọi là đột biến. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, như thị trường đã dự đoán trước, VPBank đã “lột xác thần sầu” khi hạch toán ghi thu từ thương vụ bán 49% cổ phần Fe Credit cho nhà đầu tư Nhật SMBC Group.

Siêu thương vụ bán vốn FE Credit mở ra làn sóng bán công ty tài chính giá khủng?

Theo đó, năm 2021, mặc dù Fe Credit có bị ảnh hưởng hoạt động kinh doanh do dịch bệnh, song “con gà đẻ trứng vàng” này cho VPBank trong những năm trước nhờ vay tiêu dùng, nay vẫn tiếp tục đóng góp cho mục hoạt động đầu tư, thoái vốn tại công ty con của ngân hàng mẹ VPBank tới 20.352 tỷ đồng trong tổng giá trị của mục là 24.000 tỷ đồng. Nhờ vậy  VPBank đã có một sự bứt phá mạnh mẽ với lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ ghi nhận gần 38.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020. Đây là lần đầu tiên VPBank vươn lên, “vượt mặt” Vietcombank – ngân hàng liên tục dẫn đầu về lợi nhuận trên thị trường tài chính ngân hàng trong 3 năm gần nhất.

Kết thúc 2021, VPBank có tổng tài sản đạt gần 548.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384.000 tỷ đồng, tăng 18,9%, vốn chủ sở hữu lên gần 86.500 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 4,47%.

Vietcombank giữ vững phong độ tỷ đô, trên đỉnh vốn hóa thị trường

Mặc dù không còn giữ ngôi vương về lợi nhuận khi đã có bạn đồng hành trong cuộc đua top là VPBank, và bám đuổi phía sau khá kiên trì vẫn là Tecombank (trong nhóm tỷ đô ~ 23.241 tỷ đồng), song Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) thực tế vẫn là ông lớn “chất như nước cất” xét trên toàn diện chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đạt được năm 2021.

Vietcombank tiếp tục đứng trên đỉnh thị trường về giá trị vốn hóa và bền vững vị trí quán quân lợi nhuận cốt lõi ngành

Vietcombank tiếp tục đứng trên đỉnh thị trường về giá trị vốn hóa và bền vững vị trí quán quân lợi nhuận cốt lõi ngành

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 vừa công bố của Vietcombank, ngân hàng tiếp tục dẫn đầu hệ thống một loạt chỉ tiêu quan trọng như: Tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu mức kỷ lục 424% (năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cũng dẫn đầu hơn 360%), thể hiện quan điểm "thận trọng" và chủ động trích lập nợ xấu sớm hơn rất nhiều so với lộ trình theo quy định của NHNN.

Nếu không tính VPBank có lãi đột biến nhờ bán vốn, Vietcombank cũng là ngân hàng tiếp tục dẫn đầu hệ thống về quán quân lợi nhuận ngành từ chính hoạt động kinh doanh, với lãi trước thuế hợp nhất gần 27.400 tỷ, tăng trưởng 19%. Nếu tính riêng ngân hàng mẹ, Vietcomank lãi trước thuế 26.456 tỷ đồng.

Kết thúc 2021, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4% lên 960.750 tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay, dư nợ xấu của ngân hàng trong năm qua đã tăng 17% lên 6.121 tỷ đồng, chủ yếu tăng tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ nhích nhẹ từ mức 0,62% lên 0,64%, thuộc top nợ xấu thấp nhất hệ thống.

Đáng chú ý, tương tự như 2020, cuộc “thay phiên” ngôi thứ nhất – nhì về vốn hóa thị trường của Vietcombank và Vinhomes – 2 ông lớn ở 2 ngành tài chính ngân hàng của nền kinh tế, đã diễn ra khá ngoạn mục. Theo đó, nếu như 2020, Vietcombank dẫn đầu thị trường ở trung tuần tháng 12 về vốn hóa thị trường với giá trị đạt 370.516,86 tỉ đồng, vượt qua Vinhomes; thì “kịch bản” đó lại tiếp tục lặp lại ở cuối 2021 khi tại phiên giao dịch ngày 25/1/2022 – cận Tết Nhâm Dần, Vietcombank một lần nữa vượt lên công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đạt giá trị vốn hóa khoảng 453.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), bỏ xa doanh nghiệp đứng thứ 2 là Vingroup (tập đoàn mẹ của Vinhomes) đang ở khoảng 365.000 tỷ đồng. “Kỷ lục” này cho thấy tính bền vững trong đánh giá, kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho Vietcombank.

Hòa Phát: Lợi nhuận ròng bền như thép

Thép là ngành hưởng lợi lớn và đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 2021, dẫn đầu bởi Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước.

Hòa Phát nhiều lợi thế với khép kín toàn bộ chuỗi giá trị ngành thép

Hòa Phát nhiều lợi thế với sự khép kín toàn bộ chuỗi giá trị ngành thép

Kết quả này có được chủ yếu từ hoạt động ở thị trường nội địa với việc Hòa Phát cung cấp tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với cùng kỳ; bên cạnh đó, là xuất khẩu tới 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại, gấp đôi so với cùng kỳ.

Trên thị trường, Hòa Phát hiện là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được HRC, đồng giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, lần lượt là 32,6% và 24,7%. Đây là vị thế để Hòa Phát không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngoài 4 doanh nghiệp ghi hàng chục nghìn  tỷ đồng lợi nhuận và bỏ xa mốc tỷ đô ở trên, thị trường còn chứng kiến nhiều ông lớn khác liên tục cán các mốc lãi cao 2021, như Tập đoàn Masan với lợi nhuận trước thuế tăng 57,7% so với năm 2020, đạt mức 16.280 tỷ đồng; hay các ông lớn ngành bank cũng có tên trong top lợi nhuận ấn tượng, như VietinBank (17.588,9 tỷ đồng), MBBank (16.527 tỷ đồng), BIDV (14.500 tỷ đồng)…

Có thể thấy, năm 2021 với đại dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài đã gây khó khăn cho nền kinh tế và hầu hết doanh nghiệp. Song trong đại dịch, một số doanh nghiệp cũng đã vươn lên theo chiều “phân hóa” ở top lợi nhuận cao, chứng minh năng lực thích ứng và nắm bắt cơ hội trong thách thức. Hơn thế, các kết quả đã được thiết lập là một phần minh chứng cho nền tảng vững vàng để tạo đà bật và phát triển bền hơi của doanh nghiệp hậu dịch. Đây cũng là một cơ sở để nhà đầu tư có thể xem xét và lạc quan đón Tết, yên tâm hơn về chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp niêm yết, khi chờ điền thêm tên doanh nghiệp trong danh sách mở lãi tỷ đô, hiện vẫn đang đợi các công bố báo cáo tài chính theo quý và niên độ.