Trước khi khánh thành cây cầu Thịnh Long, để đi qua huyện Nghĩa Hưng, bên kia sông Ninh Cơ, người dân phải đi bằng phà. Do ở đoạn gần cửa sông nước chảy siết nên mỗi lần qua lại rất vất vả. Việc hình thành cầu Thịnh Long đã giúp cho việc lưu thông của người dân trở nên dễ dàng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân và giúp ích cho phát triển kinh tế vùng.

Cầu Thịnh Long được thi công theo công nghệ dầm hộp liên tục bê-tông cốt thép dự ứng lực, bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng với 18 trụ, 300m dầm hộp liên tục và 600m dầm super T. Mặt cầu rộng 12m với hai làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Do đặc thù gần cửa biển, nhịp dài nhất của dầm hộp liên tục là 130m, tĩnh không 15m, bảo đảm cho tàu lớn đi qua.

Lãnh đạo Bộ giao thông vận tải cắt băng khánh thành cầu Thịnh Long.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cắt băng khánh thành cầu Thịnh Long.

Công trình cầu Thịnh Long sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp từ vốn vay của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước của Chính phủ Việt Nam, chi phí giải phóng mặt bằng thực hiện bằng nguồn ngân sách địa phương; khởi công từ tháng 1/2018, tổng mức đầu tư hơn 1.158 tỷ đồng.

Cầu Thịnh Long hình thành cũng góp phần giảm tải lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 21; đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ tỉnh Nam Định với các tỉnh trong khu vực; tiết kiệm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cầu Thịnh Long hơn 1.000 tỷ nối liền hai bờ sông Ninh Cơ.

Cầu Thịnh Long hơn 1.000 tỷ nối liền hai bờ sông Ninh Cơ.

Công trình này cũng là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả, toàn diện trong lĩnh vực GTVT và tình hữu nghị sâu sắc giữa chính phủ và nhân dân 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc.

Việc khánh thành cầu Thịnh Long nối liền sông Ninh Cơ có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Nam Định; tăng hiệu quả kết nối quốc lộ 21 và dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối khu kinh tế Ninh Cơ với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “từ trước nay, kết nối Nghĩa Hưng và Nam Định chủ yếu bằng phà, đi lại khó khăn. Cầu Thịnh Long sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại và tiết kiệm chi phí vận tải so với trước đây, giúp phát triển kinh tế địa phương. Yêu cầu các cơ quan quản lý, khai thác và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức giao thông, quản lý duy tu, sửa chữa thường xuyên”.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chia sẻ: “cầu Thịnh Long là công trình có ý nghĩa lớn đối với hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Nam Định. Việc đưa cầu Thịnh Long vào khai thác sử dụng giúp tăng hiệu quả kết nối Quốc lộ 21 với dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối khu kinh tế Ninh Cơ (huyện Hải Hậu) với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn từ cầu Thịnh Long đến khu công nghiệp Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng)”.

Cầu được hình thành trong sự mong mỏi của rất nhiều người dân huyện Nghĩa Hưng.

Cầu được hình thành trong sự mong mỏi của rất nhiều người dân huyện Nghĩa Hưng.

Khánh thành cầu Thịnh Long là một trong những công trình trọng điểm của Nam Định, là huyết mạch quan trọng kết nối giao thương kinh tế giữa các tỉnh trong tuyến quốc lộ 21.

Công trình sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho Nam Định thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh nhà và giúp cải thiện đời sống của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Vân, người dân huyện Nghĩa Hưng xúc động: "Chúng tôi rất hạnh phúc vì niềm mong mỏi bấy lâu nay của người dân đã thành hiện thực. Nhìn thấy cây cầu tôi thấy quê tôi sang hẳn lên".